A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

13 năm làm thầy chỉ vì… thương

13 năm trước, anh Hoàng Trọng Khánh tìm vào TP HCM với mục đích làm công nhân mưu sinh. Hoàn cảnh đưa đẩy thế nào anh lại kiêm thêm nghề làm “thầy”. Chớp mắt, cái nghề tay trái của anh cũng đã bước qua tuổi 13. Cái nghề làm thầy của anh chẳng được nhiều người công nhận, có chăng chỉ đám học trò xóm lao động nghèo ấy.

Lớp học trên “gò mả”

Năm 2010, từ TP Huế, anh Khánh (sinh năm 1981) khăn gói vào TP HCM với hy vọng tìm được việc làm ổn định. Cũng nhờ bạn bè nên ngày đầu tiên đến xin việc anh đã được Công ty Liên doanh Bio - Pharmachemie nhận vào làm việc. Cũng trong ngày này, cái nghiệp làm thầy nó níu bước anh suốt từ đó đến nay.

“Tôi nhớ hoài cái ngày đó. Sau khi kết thúc công việc, tôi gặp một anh đồng nghiệp làm chung tâm sự với ảnh là mới chân ướt chân ráo vào đây nên chẳng biết đường sá gì, xin ảnh hướng dẫn dùm. Ảnh thấy vậy vui vẻ bảo tôi đi theo và làm ly cà phê. Đơn giản vậy thôi mà gắn bó ở đây 13 năm rồi…”, anh Khánh tươi cười nhớ lại.

Sau lần uống ly cà phê với anh đồng nghiệp, anh Khánh chọn khu hẻm 15, đường 22, phường Phước Long B, TP Thủ Đức làm nơi cư trú của mình. Hằng ngày, sau những giờ đi làm trở về, nhìn thấy đám trẻ con trong xóm ôm tập vở ra khu gò mả gần đó ngồi học, anh lân la ra làm quen rồi tiện thể giảng giải, chỉ bảo cho đám nhỏ làm bài tập. Ngay sau buổi đầu tiên, lúc chia tay một vài đứa cất tiếng “Chú ơi, mai chú có đến nữa không?”, “Chú ơi mai dạy cho con nữa nha”… chỉ đơn giản là câu nói ngây ngô của trẻ nhỏ nhưng lại làm anh Khánh suy nghĩ nhiều.

anh Hoàng Trọng Khánh làm thầy bắc đắc dĩ vì tình thương giành cho lũ trẻ

Sau giờ lao động, anh Hoàng Trọng Khánh lại làm thầy vì tình thương dành cho lũ trẻ

Thấy thương lũ trẻ nên cứ chiều chiều sau khi hết giờ làm chú cháu lại dẫn nhau ra gò mả ngồi học. Muỗi mòng, nhếch nhác không cản được sự kết nối giữa niềm say mê học của bọn trẻ và cái tình thương của anh công nhân.

Cứ vậy, cái lớp học gò mả lúc đầu chỉ có vài ba đứa, chẳng ai buồn để ý cứ lặng lẽ trôi. Rồi đến lúc sĩ số tăng lên khiến nhiều người tò mò để ý. Người dân lao động chú ý đến cái lớp học đặc biệt khi nhiều con em của họ bắt đầu đòi ra “gò mả” để học. Không ít người nghi ngờ trước cái dáng vẻ gầy gò của ông thầy giáo đứng lớp. “Không biết có nghiện không nữa, cho đi học rồi có ngày đi kiếm con”, “Người ốm yếu vầy có dạy được không?”… Mặc cho ý tốt ý xấu, thầy trò cứ vậy đến lớp.

Cho đến một ngày, nhiều phụ huynh tìm đến và dựng chòi cho cái lớp học chẳng giống ai này. Có cái chòi, học sinh đến nhiều hơn nhưng ngặt là khu gò mả, nên muỗi và côn trùng nhiều. Gặp những hôm trời mưa, nước ngập cả nửa mét khiến lớp học không thể tiếp tục. Tình cảnh của thầy trò lớp học “gò mả” đã lay động tấm lòng bà chủ nhà trọ - nơi anh Khánh cư trú.

Lớp học ngoài kiến thức là những nụ cười hạnh phúc

Lớp học ngoài kiến thức là những nụ cười hạnh phúc

Một ngày đẹp trời, cả lớp khăn gói chuyển về cái sân nơi anh Khánh thuê phòng. Vài cái bàn tình thương cộng thêm cái mái bạt tình nghĩa, với hơn chục học sinh, cái lớp học “gò mả” chính thức đổi đời lên lớp học “sân vườn”.

Khi cái tâm gặp tấm lòng

“Thật sự đi làm về nhiều hôm mệt nhưng cứ nghĩ đến những câu nói ngô nghê, hồn nhiên, ham học hỏi, chịu thương chịu khó của đám nhỏ, tôi lại quên mệt. 13 năm nhiều lứa học trò đã trưởng thành từ cái lớp này, nhiều đứa đã đi theo con đường học vấn lên cao nữa… Những điều đó là động lực khiến tôi không thể rời được cái lớp học đã gắn bó bao năm qua”, anh Khánh bộc bạch.

Có những lúc, sĩ số học sinh theo học lên đến gần 40 em. Cái sân xóm trọ không còn đủ chỗ cho các em tìm đến nên anh phải sắp xếp thành 2 ca. Học sinh của anh Khánh chủ yếu là cấp 2, cứ lớp trước kết thúc thì lại tất bật chuẩn bị cho cái lớp sau bắt đầu. Nhiều khi vừa bước vào lớp, các em đã nhao nhao lên “Thầy ơi con đói quá…”, “Chú ơi còn cái gì ăn không chú?”, hồn nhiên, thân tình là liều thuốc chính để cái lớp học này cứ đi dài theo năm tháng.

Phụ huynh của các em bắt đầu ngấm dần. Con họ từ những đứa trẻ lười học giờ bỗng trở nên ham học, đòi học. Họ âm thầm theo dõi khi cảm nhận được cái tâm của ông thầy công nhân gầy gò, yếu ớt đang cố gắng giúp cho những đứa trẻ quay trở lại “yêu” lấy con chữ. Họ cảm thấy cần phải làm gì đó.

Vậy là lớp học sân vườn một lần nữa phải thay đổi chỗ. Phụ huynh gom góp lại mướn hẳn 1 căn nhà nhỏ với giá 3,5 triệu/tháng để làm chỗ cho thầy trò dạy - học. “Chú Khánh không lấy tiền nên tụi tui gom nhau lại thuê cái nhà cho đàng hoàng để thầy trò có cái chỗ học cho tươm tất, chứ nhìn cảnh học nhếch nhác thấy không chịu được”, anh Bình trước đây có con theo học thầy Khánh nói. Cứ vậy, truyền thống đó giờ được những người đến sau tiếp tục thực hiện, tiếp thêm lửa duy trì cái lớp học đầy ắp tình thương này.

Anh Khánh phải nghiên cứu sách vở chuẩn bị lên lớp

Anh Khánh chuyên tâm nghiên cứu sách vở chuẩn bị nội dung lên lớp

Chẳng qua trường lớp chuyên môn nào, để có thể truyền đạt cho học sinh những kiến thức cần, anh Khánh vận dụng hết vốn liếng chữ nghĩa của mình để giúp cho các em một cách hiệu quả nhất. “Học với thầy tụi con thích vì dễ hiểu, không khí học không gò bó, vui nhộn. Cách truyền đạt của thầy gần gũi, nhiệt tình nên tụi con không thấy áp lực mà càng học càng thích”, bé Như - học sinh lớp 9, trường THCS Đặng Tấn Tài, hồn nhiên kể về ông “thầy” của mình.

Trước bé Như, chị gái của em cũng đã từng theo học ở đây.

Cái buồn nhất trong 13 năm làm thầy của anh Khánh là thời điểm sau dịch chứng kiến các em học sinh của mình vì hoàn cảnh phải rời bỏ lớp theo cha mẹ về quê. “Thấy các em phải rời đi dù không muốn tôi cũng thấy buồn… nhưng do hoàn cảnh thì biết làm sao”, anh Khánh tâm sự.

Cứ buổi sáng, anh Khánh rời nhà với vai trò công nhân, 16h30 về đóng tiếp vai thầy giáo, dạy học tới 19 - 20h đêm ròng rã 13 năm. Đối tượng học sinh của anh cũng chỉ là con em của những gia đình lao động nghèo. Anh không được ai công nhận là thầy, không có bằng cấp làm thầy nhưng anh có cái tâm của người thầy.

Anh truyền đạt, dạy dỗ cái chữ không vì mưu sinh, kiếm sống, không vì danh vọng bổng lộc. Anh làm thầy chỉ vì một chữ “thương”. Thương nên anh dùng chính thời gian nghỉ ngơi quý báu của mình để dạy. Mục đích của anh đơn giản vì “Niềm vui, kiến thức của những đứa trẻ là của cải lớn nhất của mình”, anh Khánh nói.


Tác giả: Minh Tường
Nguồn:tuoitrethudo.com.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết