SEA Games 31 thành công trên mọi phương diện
SEA Games 31 được đánh giá thành công về mọi phương diện, để lại ấn tượng tốt đẹp cho tất cả các đoàn thể thao về một ngày hội lớn của thể thao Đông Nam Á được tổ chức chu đáo trên tinh thần thể thao công bằng, cao thượng; về một Việt Nam thân thiện, mến khách và an toàn.
Một SEA Games công bằng, cao thượng
Thiết lập kỷ lục mới với việc giành được 205 Huy chương Vàng (125 Huy chương Bạc, 116 Huy chương Đồng, tổng cộng 446 huy chương), trong đó rất nhiều huy chương giá trị đến từ các môn Olympic cơ bản, đoàn thể thao Việt Nam có kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) thành công nhất lịch sử. Kỳ SEA Games thành công nhất của Việt Nam khép lại bằng chiến thắng ngọt ngào của Đội tuyển bóng đá U23 quốc gia, giành HCV SEA Games - tấm huy chương danh giá nhất tại các kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á.
Với tổng cộng 446 huy chương, Việt Nam giành ngôi nhất toàn đoàn tại SEA Games, bỏ xa các đoàn xếp sau vốn là những đối thủ rất mạnh như Thái Lan (331 huy chương, gồm 92 HCV, 103 HCB và 136 HCĐ), Indonesia (241 huy chương, 69 HCV, 91 HCB, 81 HCĐ), Philippines (226 huy chương, 52 HCV, 70 HCB, 104 HCĐ)... Không chỉ vượt chỉ tiêu huy chương, Đoàn thể thao Việt Nam còn xác lập kỷ lục mới khi là đoàn có số HCV nhiều nhất tại một kỳ SEA Games, vượt kỷ lục 194 HCV của đoàn Indonesia lập tại SEA Games 19 diễn ra ở Jakarta năm 1997.
Hình ảnh VĐV Felisberto De Deus khoác lên mình lá cờ Timor Leste cầm quốc kỳ Việt Nam chạy quanh sân vận động Mỹ Đình là hình ảnh tuyệt đẹp về tinh thần thể thao cao thượng tại SEA Games 31 |
Kỷ lục mà Việt Nam thiết lập tại SEA Games 31 càng ấn tượng hơn khi đây là một đại hội thể thao khác biệt so với các kỳ đại hội trước bởi trong tổng số 40 môn thể thao với 523 nội dung thi đấu thì có tới 25 môn Olympic, 12 môn ASIAD (Đại hội Thể thao châu Á) và 3 môn thể thao Đông Nam Á. Việt Nam tổ chức tất cả các môn theo quy định của Ủy ban Olympic quốc tế và không hạn chế nội dung thi đấu nào.
Phần lớn trong số HCV mà Việt Nam giành được tại SEA Games là từ các môn thi đấu Olympic, trong đó giành nhiều HCV nhất trong môn thi đấu tại được xem là “nữ hoàng” của mọi đại hội thể thao - môn điền kinh với 22 HCV. Dù thiếu vắng “nữ hoàng tốc độ” Lê Tú Chinh do bị chấn thương, các vận động viên của Việt Nam vẫn giành được 22 HCV, bỏ xa “kỳ phùng địch thủ Thái Lan” đứng thứ hai với 12 HCV. Ở một số nội dung thi đấu, các vận động viên của Việt Nam chiếm ưu thế tuyệt đối khi giành cả HCV và HCB thành tích cao hơn hẳn các đối thủ.
Điều này có thể thấy rõ ở cả môn bơi, khi “tiểu tiên cá” Nguyễn Thị Ánh Viên - vận động viên “cứ xuống nước là có vàng” giải nghệ làm giảm thành tích của các vận động viên nữ, song các kình ngư nam đã vươn lên mạnh mẽ. Đội bơi mang về cho Đoàn Việt Nam 11 tấm HCV danh giá, chỉ xếp sau các vận động viên Singapore, cường quốc về thể thao dưới nước trong khu vực với nhiều vận động viên đạt đẳng cấp hàng đầu thế giới.
Tiểu ban Chuyên môn kỹ thuật SEA Games 31 đã lựa chọn 4 gương mặt tiêu biểu để đề cử vận động viên xuất sắc nhất SEA Games 31. Trong 4 gương mặt này, thể thao Việt Nam có 2 ứng cử viên là tuyển thủ bơi lội Nguyễn Huy Hoàng và tuyển thủ điền kinh Nguyễn Thị Oanh. Việt Nam cũng giành hai suất tham dự Giải vô địch thế giới 2022 (400m tự do, 1.500m nam) trong số 4 tấm vé mà các kình ngư Đông Nam Á giành được từ các cuộc thi đấu tại SEA Games 31.
Việt Nam đã không đưa các môn thi đấu thế mạnh riêng của mình vào SEA Games 31 cũng như hạn chế thế mạnh của các quốc gia khác. Có thể coi đây là một trong những đại hội thể thao sòng phẳng nhất của SEA Games từ trước đến nay. Cách làm cao thượng, công bằng của Việt Nam là bước đi quan trọng góp phần thay đổi cách thức, định hướng tổ chức cho các đại hội thể thao của khu vực tiếp theo, nhằm nâng cao thành tích, chất lượng của thể thao khu vực, dần rút ngắn khoảng cách với châu lục, thế giới.
Điểm đến thân thiện, mến khách, an toàn
Thành công vang dội của SEA Games còn đến từ các khán đài, với những khán đài luôn đầy ắp cổ động viên, người hâm mộ dù có đội tuyển hay vận động viên chủ nhà Việt Nam thi đấu hay không. Cổ động viên khắp Đông Nam Á đã bày tỏ ấn tượng mạnh trước khung cảnh ngập tràn sắc đỏ ở sân vận động Cẩm Phả (Quảng Ninh) trong trận chung kết bóng đá nữ SEA Games 31. Trang fanpage ASEAN Football đăng tải hình ảnh một rừng cờ đỏ sao vàng trên sân Cẩm Phả kèm chú thích: “Khoảnh khắc của hôm nay (21-5). Bầu không khí tuyệt vời ở sân Cẩm Phả hôm nay. Hơn 16.000 CĐV tới xem trận chung kết bóng đá nữ”.
Trong hàng loạt bài viết trên mạng xã hội, rất nhiều cổ động viên Đông Nam Á cũng bày tỏ hết sức ấn tượng với không khí cổ vũ cuồng nhiệt khi các sân Cẩm Phả, Thiên Trường (Nam Định), Phú Thọ… luôn đầy ắp cổ động viên, rực rỡ sắc đỏ và rộn rã tiếng reo hò. Không chỉ có “môn thể thao vua” - bóng đá mà nhiều môn khác cũng nhận được sự cổ vũ cuồng nhiệt của cổ động viên nước chủ nhà. Với tình yêu thể thao cuồng nhiệt, cổ động viên Việt Nam thực sự biến SEA Games 31 trở thành ngày hội thể thao lớn nhất khu vực.
Hình ảnh vận động viên Felisberto De Deus sau khi giành HCB điền kinh - tấm huy chương đầu tiên của Đoàn thể thao Timor Leste ở đấu trường SEA Games khoác lên mình lá cờ Timor Leste, cầm trên tay quốc kỳ Việt Nam chạy quanh sân vận động Mỹ Đình trong tiếng hò reo, cổ vũ của cổ động viên chủ nhà đã vẽ lên một hình ảnh tuyệt ảnh đẹp, ý nghĩa và thiêng liêng trong ngày hội thể thao Đông Nam Á. Tất cả những điều đó như một thông điệp mạnh mẽ truyền tải đến cả khu vực về tình yêu thể thao, về sự thân thiện, hiếu khách của cổ động viên và con người Việt Nam.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn chưa chấm dứt trên quy mô toàn cầu, có những quốc gia vẫn áp dụng các biện pháp phong tỏa, cách ly… việc SEA Games 31 được tổ chức thành công, an toàn tại 12 tỉnh, thành phố là minh chứng rõ ràng cho thấy Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện. Mạng tin Yahoo nêu rõ, trong 2 năm qua đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều nước phải hoãn hay hủy bỏ các giải đấu thể thao, nhưng nước chủ nhà Việt Nam đã và đang làm tất cả những gì tốt nhất để đảm bảo SEA Games 31 diễn ra một cách an toàn, mang đậm tinh thần thể thao.
Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình ở Thủ đô Hà Nội với 20.000 khán giả trong Lễ khai mạc và 40.000 người hâm mộ trong trận chung kết bóng đá nam Việt Nam - Thái Lan, cũng như các khán đài luôn kín chỗ trong những nội dung thi đấu khác cho thấy, cổ động viên, người dân Việt Nam lạc quan, tin tưởng vào cách thức chống dịch Covid-19 của Chính phủ, đón nhận đầy đủ niềm vui cuộc sống.
Trong thời gian diễn ra SEA Games 31, nhiều hoạt động văn hóa, du lịch hưởng ứng sự kiện thể thao lớn của khu vực đã được các địa phương tổ chức. Trong đó, có các tour khuyến mại cho các vận động viên, phóng viên nước ngoài như xe buýt 2 tầng của Hà Nội… nhằm quảng bá đất nước, con người và du lịch Việt Nam cũng như của Thủ đô.
Chủ tịch Quốc hội Singapore Tan Chuan-Jin, cũng là Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc gia Singapore, đánh giá Việt Nam đã tổ chức một kỳ SEA Games “ở đẳng cấp cao”. Ông cho biết: “Tôi có trao đổi với các vận động viên và giới chức của đoàn Singapore, họ cảm thấy mọi thứ đều ổn, đặc biệt là tình cảm nồng ấm, hữu nghị và thân thiện tại đây. Tôi thực sự hạnh phúc khi Việt Nam đăng cai và tổ chức một kỳ SEA Games cho các nước trong khu vực”. Trưởng đoàn thể thao Philippines Ramon Fernandez cũng đánh giá cao công tác tổ chức của nước chủ nhà khi nêu rõ: “SEA Games tại Việt Nam được tổ chức với bầu không khí ấm áp, thân thiện”.