Nâng tầm thương hiệu nghệ thuật xiếc Việt Nam
Liên hoan xiếc quốc tế 2022 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức tại Hà Nội vào tuần đầu tháng 12 đúng dịp nghệ thuật xiếc Việt Nam tròn 100 năm hình thành và phát triển càng thêm ý nghĩa.
Với sự tham gia của gần 100 nghệ sĩ, diễn viên của 9 đoàn nghệ thuật, trong đó có 5 đoàn quốc tế đã tạo nên không khí sôi động cho sàn diễn Rạp xiếc Trung ương, bởi những pha trình diễn ngoạn mục, hấp dẫn.
Cùng nhau thăng hoa, cùng nhau tỏa sáng
Rạp xiếc Trung ương với hơn 1.200 chỗ ngồi trong những ngày diễn ra Liên hoan xiếc quốc tế 2022 hầu như chật kín và sôi động bởi những tràng pháo tay dài không dứt, thể hiện tình yêu, sự khâm phục của khán giả trước nghệ thuật xiếc và lòng quả cảm của người nghệ sĩ. Đúng với thông điệp “Cùng nhau thăng hoa, tỏa sáng”, các nghệ sĩ đã mang tới liên hoan nhiều “đỉnh cao”, từ vóc dáng, hình thể, phong cách trình diễn cho đến đẳng cấp kỹ thuật.
Bà Stefanova Veneta Raycheva, Giám đốc nhân sự và nghệ thuật của Công ty Stefani Art Stars (Bulgaria), thành viên Hội đồng nghệ thuật liên hoan cho biết: “Tôi đánh giá cao vai trò của nước chủ nhà đã nhanh chóng tổ chức được một liên hoan mang tầm quốc tế và cũng là liên hoan xiếc đầu tiên trong khu vực châu Á sau đại dịch. Qua đây, những người làm nghệ thuật đều nhìn nhận xiếc Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc”.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chỉ có 5 đoàn quốc tế tham dự, nhưng không vì thế mà sự kiện kém đi phần hấp dẫn. Các nghệ sĩ Ai Cập, Canada, Belarus, Lào, Campuchia đã vào cuộc rất nhiệt tình và những tiết mục của họ được khán giả cổ vũ nồng nhiệt. Trưởng đoàn xiếc quốc gia Ai Cập Waild Taha chia sẻ: “Tôi cảm nhận được sự chu đáo của nước chủ nhà cũng như sự yêu mến của khán giả Việt Nam dành cho nghệ sĩ Ai Cập. Các bạn rất nhiệt tình. Qua những tiết mục dự thi, chúng tôi đã học hỏi được rất nhiều từ cách tổ chức dàn dựng tiết mục cho tới kỹ thuật biểu diễn của các đồng nghiệp”. Trong liên hoan lần này, đoàn Ai Cập và Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam (Việt Nam) đều có một tiết mục chung về thể loại xe đạp tập thể. Nhưng cả hai tiết mục đều mang tới cho khán giả những hấp dẫn, thú vị riêng.
Tiết mục “Đu nón” của Liên đoàn Xiếc Việt Nam tham dự liên hoan. |
Ba tiết mục đoạt huy chương vàng tại liên hoan: “Dây căng cao” (Liên đoàn Xiếc Việt Nam); “Lời của biển” (Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam) và “Hồi sinh” (hình tượng tập thể nam-Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam) được bà Stefanova Veneta Raycheva bày tỏ ngưỡng mộ: “Tôi thấy các nghệ sĩ xiếc Việt Nam đã đầu tư được nhiều tiết mục xiếc tập thể rất hoành tráng, công phu. Các bạn Việt Nam không chỉ chú ý tới kỹ thuật mà cả yếu tố nghệ thuật cũng được quan tâm. Đặc biệt là đưa chủ đề vào tiết mục nâng giá trị nghệ thuật lên rõ rệt. Các bạn khai thác rất tốt những nét văn hóa truyền thống từ trang phục, âm nhạc cho đến ý tưởng dàn dựng. Đó chính là điều giúp xiếc Việt thành công trên trường quốc tế nói chung và tại liên hoan lần này. Đây là điều khán giả ngày nay quan tâm”.
Nâng tầm thương hiệu cho xiếc
“Cho tới liên hoan lần này, những người làm nghệ thuật xiếc Việt Nam đã tìm được "chìa khóa riêng", tạo nên màu sắc và phong cách của xiếc Việt để khẳng định những giá trị của mình”, Nghệ sĩ Nhân dân Tống Toàn Thắng, Phó giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho hay.
So với kỳ thi trước, kỳ này, chất lượng các tiết mục tham dự của Việt Nam được nâng cao rõ rệt. Nhiều vị giám khảo khá ngạc nhiên vì không ít gương mặt nghệ sĩ trẻ mới xuất hiện với nhiều tiềm năng hứa hẹn. Điều này thể hiện xiếc Việt trong thời gian qua có những bước chuyển mình đáng kể ở các chương trình biểu diễn, kết hợp với sân khấu cải lương dàn dựng vở diễn, tiết mục đi tham dự liên hoan quốc tế thể hiện đúng với mục tiêu: Đề cao tính mạo hiểm và sự dũng cảm để chinh phục khán giả. Tuy nhiên, để đạt tới sự mạo hiểm ấy thì người nghệ sĩ phải có đủ trình độ, đẳng cấp cao để tạo nên sự mạo hiểm. Đó chính là kết tinh của sự khổ luyện không ngừng, tạo nên những chính xác tuyệt đối. Xu thế thứ hai, đó là các tiết mục xiếc Việt Nam đã tăng yếu tố giải trí và sự hỗ trợ của công nghệ, điều này giúp nâng tầm các tiết mục xiếc, vượt xa cách làm xiếc truyền thống đơn lẻ, diễn trò nhỏ lẻ như những năm trước đây.
Nghệ sĩ Ưu tú Trần Ly Ly, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) khẳng định: “Việc tổ chức các liên hoan nghề nghiệp có tác dụng rất lớn giúp những nghệ sĩ Việt Nam có thêm động lực sáng tạo và tìm cách nâng tầm thương hiệu cho mỗi đơn vị. Rạp xiếc Trung ương liên tục chật kín, các buổi diễu hành trên tuyến phố đi bộ Hồ Gươm của các nghệ sĩ xiếc trong khuôn khổ liên hoan thu hút hàng nghìn lượt người dân và du khách quốc tế xem biểu diễn. Rõ ràng, khán giả là đối tượng hưởng lợi nhất khi được xem những sản phẩm nghệ thuật chất lượng cao với những pha trình diễn mãn nhãn đầy dũng cảm của các nghệ sĩ xiếc”.