A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Tuyển sinh đại học 2022: Thí sinh cần lưu ý gì để tránh trượt oan?

Bắt buộc phải đăng ký xét tuyển trực tuyến tất cả các nguyện vọng lên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kể cả các nguyện vọng đã được các trường đại học thông báo đủ điều kiện trúng tuyển; đóng lệ phí xét tuyển đúng quy trình và đúng thời gian quy định… là điểm được các chuyên gia đặc biệt lưu ý với thí sinh năm nay để tránh trượt oan.

Ảnh minh họa.

Phải đăng ký xét tuyển trực tuyến với Bộ

Năm nay là năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai phần mềm lọc ảo chung cho tất cả các phương thức xét tuyển của các trường thay vì chỉ lọc ảo với phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông như mọi năm nên quy trình thực hiện có nhiều điểm mới.

Theo đó, tất cả các thí sinh phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng sư phạm theo tất cả các phương thức xét tuyển vào tất cả các trường theo hình thức trực tuyến lên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia, kể cả các nguyện vọng đã có kết quả trúng tuyển sớm.

Sau khi có kết quả xét tuyển, thí sinh phải xác nhận nhập học. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trước 17 giờ ngày 30/9, tất cả các thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống.

Thời gian đăng ký đến 17 giờ ngày 20/8. Thí sinh được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng, được điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần trong thời gian này. Các nguyện vọng phải được sắp xếp theo thứ tự từ 1 đến hết, trong đó nguyện vọng 1 là ưu tiên cao nhất. Hệ thống của Bộ sẽ xử lý, lọc ảo để mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng đã đăng ký khi đảm bảo điều kiện trúng tuyển.

Từ ngày 21/8 đến ngày 17 giờ ngày 28/8, thí sinh phải xác nhận số lượng, thứ tự nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống đồng thời nộp lệ phí xét tuyển theo số lượng nguyện vọng xét tuyển bằng hình thức trực tuyến.

PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh cho hay đây là điểm thí sinh cần đặc biệt lưu ý vì nếu không thực hiện đúng quy trình đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống chung trong thời gian quy định, thí sinh coi như không có nguyện vọng xét tuyển và không trúng tuyển đại học. Khi đó, dù đã được các trường thông báo đủ điều kiện đỗ thí sinh vẫn không thể nhập học.

Sắp xếp nguyện vọng thông minh

Với việc triển khai hệ thống lọc ảo chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm nay, mỗi thí sinh sẽ chỉ trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất ở một phương thức duy nhất thay vì có thể trúng tuyển ở nhiều nguyện vọng với nhiều phương thức xét tuyển như mọi năm. Vì thế, theo các chuyên gia, thí sinh cần cân nhắc, sắp xếp hệ thống nguyện vọng thông minh, phù hợp với nhu cầu, sở thích, năng lực của bản thân.

Theo PGS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Đại học Giao thông Vận tải, do hệ thống sẽ ưu tiên các nguyện vọng có vị trí cao hơn nên để có kết quả tốt nhất, thí sinh đăng ký thứ tự các ngành mà mình mong muốn nhất rồi đến trường mà mình sẽ học. Các nguyện vọng sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ một đến hết, trong đó nguyện vọng 1 là ưu tiên cao nhất.

Nếu xác định ngành học đã trúng tuyển sớm là ngành sẽ theo học thì thí sinh đặt ngành đó ở vị trí ưu tiên cao nhất là nguyện vọng 1. Nếu ngành đã trúng tuyển không phải là nguyện vọng mong muốn theo học nhất, thí sinh nên xếp các ngành học, trường mình yêu thích lên vị trí nguyện vọng cao hơn và xếp ngành học đã trúng tuyến xuống vị trí nguyện vọng thấp hơn để đảm bảo việc trúng tuyển.

Chia sẻ về cách thức xác định các nguyện vọng, các chuyên gia cho rằng thí sinh nên thực hiện theo ba bước.

Thứ nhất là xác định được ngành học phù hợp với bản thân. Thí sinh có thể tham khảo các thông tin đã được rất nhiều chuyên gia chia sẻ trên nhiều kênh thông tin khác nhau như báo chí, internet… Tiếp đó, thí sinh tìm hiểu thông tin các trường có đào tạo ngành học đó, như đặc thù đào tạo (có trường thiên về nghiên cứu, trường thiên về thực hành…), học phí, khoảng cách địa lý, môi trường đào tạo, điểm chuẩn hàng năm… Từ đó, chọn ra các trường phù hợp.

Thứ hai là ước lượng điểm chuẩn của các ngành, trường đã chọn. Để thực hiện điều này thí sinh có thể tham khảo thông tin điểm chuẩn của các trường những năm trước đây kết hợp với điểm thi của năm nay. Việc này giúp thí sinh tìm được các trường phù hợp với kết quả học tập, kết quả thi của mình.

Thứ ba là sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên tùy theo năng lực, sở thích của thí sinh. Trong đó các ngành, trường có điểm chuẩn cao hơn sẽ xếp ở vị trí cao hơn. Do số lượng đăng ký nguyện vọng không hạn chế và không tính điểm chênh nên thí sinh có thể chọn một số ngành cao hơn, một số ngành bằng và một số ngành có điểm chuẩn ước lượng thấp hơn kết quả thi của mình để đảm bảo cơ hội đỗ.

Tuyết Mai

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết