A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Tiếng chiêng ở buôn Drai Điết

Tôi ngỡ như sáng nay, người cả buôn Drai Điết (xã Dliê Yang, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk), đều dồn về ngôi nhà dài truyền thống của người Ê Đê nằm ở giữa buôn vậy. Khoảng sân rộng trước nhà dài xôn xao người lui tới.

Tôi ngước mắt, dưới ánh nắng mới lên, cảnh sắc buôn Drai Điết như bừng xanh. Phía xa xa, thấp thoáng những turbine điện gió đang thong thả guồng quay. Hình ảnh đó khiến tôi ngỡ ngàng, khiến tôi khấp khởi.

Ông Nie Y Chreo, Phó chủ tịch UBND xã Dliê Yang cùng bà Phạm Thị Thảo, cán bộ văn hóa xã, bước tới hồ hởi đón khách. Bà Thảo tranh thủ giới thiệu: “Buôn Drai Điết là buôn văn hóa. Nét đặc biệt nhất ở buôn là dàn cồng chiêng do những nghệ nhân của làng gìn giữ và phát triển. Mời đoàn lên nhà dài”.

 Như tức thì, từ trong nhà dài tiếng chiêng vọng ra nghe rất mời gọi. Chợt nhớ trước khi tới đây chúng tôi được ông Nguyễn Huy Dũng, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Ea H’Leo, nói rằng: “Nghe tiếng chiêng của người Ê Đê sẽ có cảm tưởng như những cô gái tuổi xuân thì, đầy sức sống”.

Ông Nie Y Chreo ghé tai tôi nói trong âm vang tiếng chiêng sôi động: “Các anh đang nghe bản chiêng đầu tiên, đó là chiêng đón khách. Người Ê Đê mỗi khi có khách quý tới thăm buôn, thăm nhà dài thường tấu lên khúc dạo đầu như vậy”. Đúng như lời ông Phó chủ tịch xã đã nói, bản chiêng đón khách nghe rất tưng bừng, vô cùng chào đón, lại nghe như lời tâm tình thủ thỉ của cô gái độ xuân thì như vậy thử hỏi lòng nào mà không muốn tới.

Chúng tôi nhanh chóng bước hẳn vào trong ngôi nhà dài. Đó là ngôi nhà sàn truyền thống của người Ê Đê, nghĩa là một ngôi nhà của một gia đình, chỉ có khác là bên trong ngôi nhà này, ở ngay cửa ra vào là một gian nhà rộng dài hoàn toàn không kê hay bày đồ đạc. Tôi nhẩm mắt ước lượng chiều dài của gian nhà, cỡ chừng gần chục mét. Chính giữa gian dài rộng, chủ nhân hay chính xác hơn là bà con trong buôn đã đặt một chum rượu cần được cắm sẵn mấy chiếc cần hút, như đang mời mọi người cùng ngồi xuống để thưởng thức thứ nước uống không thể thiếu của buôn làng. Rượu cần Ê Đê cũng được nấu như rượu cần của người cao nguyên. Nếu có khác là ở chỗ mỗi người nấu rượu đều có “bí quyết” riêng của mình.

Theo lời bà Phạm Thị Thảo, ngôi nhà dài này là của gia đình ông Adrơng Y Đên, tên thường gọi là A Ma Lơn, hiện được coi là “Nhà văn hóa cộng đồng” của buôn Drai Điết. Tôi hơi ngạc nhiên bởi hiểu ngay đó là sự tự thân của những người dân thật thà, chất phác và rộng rãi, dùng ngay chính ngôi nhà của mình để làm địa điểm sinh hoạt chung. Đó là điều không hề đơn giản chút nào vì đã là “nhà văn hóa cộng đồng” thì sẽ rất phiền phức trong sinh hoạt gia đình. Hơn nữa, khi ngó vào phía trong, tôi thấy một người đàn bà đang ngồi giặt, bên cạnh là chiếc xe nôi với một bé trai chừng hơn tuổi đang ngồi nhìn mẹ. Kế đó là gian bếp kiểu bếp kiềng đun củi, một nồi nước gì đó đang sôi lăn tăn, tiếng củi cháy, mùi nước sôi tỏa lên làm lòng tôi thấy nhớ nôn nao thuở nào còn ở quê nhà.

  Dàn chiêng được chơi bởi những người Ê Đê. 

Một người đàn ông trong trang phục Ê Đê đang say sưa “đâm” chiếc dùi gỗ, đầu dùi được quấn vải, vào mặt chiếc chiêng khá to. Ông Nie Y Chreo giới thiệu đó là ông Ksơr Y Chap, người chỉ huy dàn cồng chiêng của buôn. Bấy giờ tôi mới quan sát kỹ hơn, dàn cồng chiêng hôm nay có 10 chiếc chiêng đồng. Trong đó có 3 chiêng núm và 7 chiêng bằng. Chiêng núm bao giờ cũng lớn hơn chiêng bằng và ở chính giữa mặt chiêng có một núm lồi lên, người đánh chiêng sẽ đánh vào núm đó. Còn chiêng bằng thì nhỏ, người đánh chiêng đánh vào mặt phẳng của chiêng. Người Ê Đê khi đánh chiêng thường ngồi thành hàng trên chiếc ghế dài kê dọc bên trái nhà dài. Chiêng được sắp xếp theo thứ tự, đầu hàng là chiêng núm, trong đó chiếc chiêng núm lớn nhất được bố trí ở vị trí thứ ba, người chơi chiêng núm lớn sẽ là người giữ nhịp cho dàn chiêng. Những chiếc chiêng bằng cũng sắp xếp từ chiêng to nhất đến chiêng nhỏ nhất ở cuối hàng. Các chiêng đều có móc và được treo thả xuống, khi chơi chiêng thì người đánh chiêng sẽ kéo chiêng xuống và kê chiêng lên đùi mình.

Sau hồi chiêng đón khách, cùng những bước chân nhún nhảy và những cái nắm tay nhau bước nhịp nhàng của đội múa xoang thì không gian nhường lại cho những câu chào, cho những lời thăm hỏi. Mọi người hồ hởi nối nhau bước đến chum rượu cần và nhẹ nhàng ngồi xuống. Những chiếc cần uống rượu bây giờ có cảm tưởng như những dòng nước ngọt ngào thơm phưng phức đang không ngừng tuôn chảy. Sau từng nhịp người đến bên chum rượu cần là những gương mặt chợt bừng đỏ, là từng gương mặt hỉ hả vui tươi.

Buôn Drai Điết hiện có 176 hộ dân với hơn 900 nhân khẩu, bao gồm nhiều dân tộc cùng chung sống, người Ê Đê ở buôn được coi là chủ đạo bởi buôn này do chính họ lập nên. Tuy cuộc sống đã khấm khá lên nhiều bởi bà con ngoài trồng ngô, khoai, mì và 35 hộ trồng lúa nước, cấy một năm hai vụ trên diện tích 4,5ha ra thì nhiều năm trở lại đây, hướng sản xuất vào trông cà phê, hồ tiêu. Gần đây theo xu hướng chung của huyện nên bà con đã trồng cây mắc ca, cây sầu riêng. Ông Adrơng Y Puih, Trưởng buôn cho hay: “Kinh tế cũng được đẩy lên nhưng vẫn còn 10 hộ nghèo. Những hộ nghèo này đang được buôn làng tích cực giúp đỡ. Trên địa bàn xã hiện có dự án điện gió và đang tạo nên một bức tranh sinh động. Người dân trong buôn có điện cho sinh hoạt và sản xuất nên từng nhà cũng nhiều đổi thay”.

Tiếng chiêng lại cất lên mời gọi. Lần này những nghệ nhân của buôn trình tấu cho đoàn chúng tôi một thức mới, đó là chiêng cúng lúa mới. Trong tiếng cười nói xôn xao, những thiếu nữ Ê Đê lại nắm tay nhau cùng nhún nhảy bước chân dạo thành từng vòng xoang rộn rã. Bà Phạm Thị Thảo bấy giờ mới cho chúng tôi hay: “Đội múa xoang này được buôn duy trì thường xuyên, tập luyện đều đặn. Hiện nay, đội gồm các cháu gái tuổi 15, 16, vừa kết thúc năm học cuối cùng của trung học cơ sở”. Tôi buột miệng: “Thảo nào thấy đội múa xoang rất nhịp nhàng, uyển chuyển và rất chuyên nghiệp”.

Những thiếu nữ Ê Đê xinh đẹp trong trang phục truyền thống. Nhìn những nét mặt trẻ trung, tươi xinh mà tôi đã hình dung về đời sống no đủ của bà con. Nhìn những bước chân nhịp nhàng mà tôi đã mường tượng về một nét sinh hoạt truyền thống được nuôi dưỡng ngay từ khi những đứa trẻ Ê Đê ra đời và lớn lên cùng buôn làng. Điệu múa xoang là một điệu múa lâu đời của người Ê Đê, trong dàn cồng chiêng dứt khoát không thể thiếu đội múa xoang. Cùng với tiếng chiêng tạo nên hồn cốt của buôn làng thì múa xoang chính là cái vía của núi rừng cao nguyên.

Tôi lặng im để lắng nghe tiếng chiêng thủ thỉ. Tôi nhắm mắt để tận hưởng những nhịp chân rậm rịch trên sàn. Dường như cả đất trời đang dồn về chung với tiếng chiêng. Dường như cả cây cỏ hoa lá đang dồn vào từng nhịp chân uyển chuyển. Lại những người tiến đến chum rượu cần. Tôi bây giờ đã mạnh dạn hơn, bước đến ngồi kiểu chân quỳ bên chum rượu. Bàn tay tôi giơ ra đón nhận cần hút mà ông A Ma Lơn đưa cho. Ông A Ma Lơn nhìn tôi nháy nháy đôi mắt khích lệ. Tôi hít hơi thở sâu rồi hút mạnh vào đầu cần. Rượu trong chum hay rượu từ núi rừng ùa vào cổ họng tôi ngọt lịm. Tôi không vội nuốt ngay mà ngậm miệng lại để cho rượu thấm vào trong họng. Tôi muốn tận hưởng đầy đủ vị của cao nguyên, muốn tận hưởng bằng hết nghĩa tình của người dân buôn làng.

Tiếng chiêng cúng lúa mới vẫn vang lên ấm áp. Những bước chân nhịp nhàng nhún nhảy, vẫn đều đều vòng xoay. Trong cảm giác lâng lâng men rượu tôi ngỡ như rừng cây sông suối và hoa lá đang chập chờn uốn lượn bên mình. Đâu đó là những bóng hình tuổi xuân thì, tràn căng sức sống.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết