A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Sức khỏe bệnh nhân mắc cúm A/H9N2 đầu tiên tại Việt Nam như thế nào?

Ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, bệnh nhân đầu tiên mắc cúm A/H9N2 tại Việt Nam hiện đang điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. Do bệnh nhân có bệnh nền là xơ gan và tiểu đường nên bệnh nhân có dấu hiệu triệu chứng nặng hơn.

Hiện bệnh nhân đang điều trị tại phòng cách ly áp lực âm của Khoa Hồi sức tích cực chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh với chẩn đoán theo dõi nhiễm trùng huyết từ viêm phổi, cúm A, nhiễm nấm xâm lấn, biến chứng suy hô hấp, xuất huyết phổi, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương thận cấp, xơ gan do rượu, theo dõi u gan… Kể từ khi bệnh nhân cách ly, điều trị tại bệnh viện đến nay, những người tiếp xúc gần với bệnh nhân hiện sức khỏe bình thường.

Hiện bệnh nhân đầu tiên mắc cúm gia cầm A/H9N2 tại Việt Nam vẫn đang điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. Ảnh: suckhoedoisong.vn 

Theo ông Hoàng Minh Đức, cúm A/H9N2 là chủng độc lực có nguy cơ thấp, thường gây triệu chứng nhẹ và không gây bệnh trên gia cầm nên rất khó phát hiện. Đến nay chưa có dấu hiệu, trường hợp nào lây nhiễm từ người sang người. "Do đó chúng tôi khẳng định nguy cơ thành dịch rất thấp, tuy nhiên nguy cơ về số mắc là có vì với điều kiện thời tiết, giao thương buôn bán gia cầm, chim và động vật hoang dã di cư theo thời tiết", ông Hoàng Minh Đức nói.

Về giải pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm, ông Hoàng Minh Đức yêu cầu cần tập trung vào các giải pháp ngăn chặn lây nhiễm từ gia cầm sang người, chú trọng các đối tượng có nguy cơ cao; đồng thời tăng cường truyền thông các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm bệnh từ gia cầm sang người, chú trọng vào các đối tượng có sức đề kháng kém và có bệnh nền. Cùng với đó, tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, nhất là tại các cơ sở điều trị và các khu vực nguy cơ cao để phát hiện sớm các trường hợp viêm phổi nặng nghi do virus; tiếp tục phối hợp với cơ quan thú y nhằm kịp thời nắm bắt các thông tin về dịch cúm trên gia cầm, đánh giá nguy cơ chung để có các biện pháp kiểm soát dịch bệnh trên người kịp thời và hiệu quả. Bên cạnh đó, phối hợp với WHO, USCDC để cập nhật, chia sẻ tình hình dịch bệnh cúm gia cầm trên thế giới, theo dõi biến đổi gen của các chủng virus cúm gia cầm nhằm đánh giá và nhận định nguy cơ kịp thời...

NGỌC ANH


Tags: cúm A
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết