Hà Nội sẵn sàng cho năm học mới
Chỉ còn ít ngày nữa, cùng với cả nước, hơn 2,2 triệu học sinh Hà Nội chính thức bước vào năm học mới 2023-2024. Đến thời điểm này, ngành Giáo dục Thủ đô đã chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất chào đón năm học mới.
Xây mới nhiều trường, lớp học
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội, chào đón năm học mới, sở đã yêu cầu các trường học tổng vệ sinh môi trường, trang hoàng trường lớp, rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi… để đón học sinh tựu trường và tham dự lễ khai giảng.
Lễ khai giảng năm nay, tất cả các trường sẽ đồng loạt tổ chức vào buổi sáng ngày 5/9 với yêu cầu bảo đảm trang trọng, ngắn gọn và lấy học sinh làm trung tâm, đặc biệt quan tâm đến học sinh đầu cấp.
Năm học này, ngành Giáo dục Thủ đô tiếp tục phát động phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển, thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm”, nhận đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tặng sách giáo khoa, quần áo, đồ dùng học tập… để không học sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không thể đến trường.
Khó khăn, thách thức lớn nhất với ngành Giáo dục Thủ đô là tình trạng sĩ số học sinh tăng quá nhanh. Toàn TP hiện có hơn 2.800 trường học với hơn 2,2 triệu học sinh, bình quân mỗi năm tăng từ 50.000 đến 60.000 học sinh, tương ứng với việc cần phải xây mới từ 30 đến 40 trường học.
Tuy nhiên, theo Sở GD&ĐT Hà Nội, hiện nay quỹ đất ở các quận hạn hẹp, việc xây mới trường học rất khó khăn. Vì vậy, Hà Nội đã có đề nghị các cấp, ngành xem xét, cho phép Hà Nội nâng tầng trường học ở khu vực nội thành.
Năm học 2023 - 2024, TP Hà Nội đã xây mới 1 trường công lập (Trường THPT Thọ Xuân, huyện Đan Phượng); bố trí vốn cho 8 dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo các trường, dự kiến có 3 dự án hoành thành phục vụ năm học mới (Trường Mầm non B, THPT Tự Lập, THPT Phúc Thọ).
Ngoài ra, TP Hà Nội cũng cấp phép thành lập 2 trường tư thục có nhiều cấp học. Đó là Trường Tiểu học, THCS&THPT Ngôi Sao Hà Nội - Hoàng Mai tại Khu Đô thị mới Kim Văn - Kim Lũ và Trường Tiểu học, THCS-THPT Vinschool Brighton College Việt Nam tại Khu Đô thị Ocean Park Gia Lâm…
Hà Nội đang nỗ lực khắc phục những khó khăn về cơ sở vật chất, trường lớp học, quyết tâm nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, giảm dần khoảng cách về chất lượng giữa các địa bàn để giảm quá tải về trường, lớp học ở các quận nội thành…
Tuyển dụng thêm hàng trăm giáo viên
Cùng với đầu tư cơ sở vật chất, Hà Nội cũng đầu tư kinh phí hàng trăm tỷ đồng cho việc mua sắm thiết bị phục vụ học tập cho các trường và quan tâm tuyển dụng thêm hàng trăm giáo viên, đáp ứng yêu cầu dạy và học, đặc biệt với các khối lớp theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, hiện nay, TP có gần 123.000 giáo viên. Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, về cơ bản, TP Hà Nội không thiếu giáo viên, việc thiếu giáo viên chỉ xảy ra cục bộ.
Để giải quyết tình trạng này, vừa qua, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết về việc giao chỉ tiêu lao động hợp đồng đối với đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục và y tế năm 2023, trong đó bổ sung cho ngành Giáo dục 3.112 chỉ tiêu giáo viên hợp đồng.
Sở GD&ĐT cũng vừa tổ chức tuyển dụng hơn 600 giáo viên các trường trực thuộc; các quận, huyện, thị xã cũng đang tổ chức tuyển dụng giáo viên mầm non, tiểu học và THCS.
Đặc biệt, các đơn vị cũng đã triển khai ký hợp đồng với 3.112 giáo viên theo nghị quyết của HĐND TP Hà Nội.
“Như vậy, năm học mới này, TP có hơn 6.000 giáo viên các cấp học được bổ sung vào đội ngũ giáo viên hiện có, đủ để các nhà trường thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 bảo đảm chất lượng” - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định.
Bên cạnh quan tâm tới chất lượng dạy và học, năm học 2023-2024, ngành Giáo dục Thủ đô cũng đặc biệt chú trọng tới đảm bảo an toàn cho học sinh.
Trước thềm năm học mới, Sở GD&ĐT Hà Nội đã gửi văn bản tới 30 trưởng phòng GD&ĐT, hiệu trưởng các nhà trường, giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm an ninh, an toàn cho học sinh.
Đối với các trường đưa đón học sinh bằng xe ô tô phải có các giải pháp bảo đảm an toàn. Tăng cường hướng dẫn học sinh kỹ năng tự bảo vệ, kỹ năng phòng, tránh tai nạn thương tích khi tham gia các hoạt động giáo dục, ở nhà và khi tham gia giao thông...
Với quy mô học sinh nhiều nhất cả nước, trong đó số lượng học sinh bán trú rất lớn, Sở GD&ĐT yêu cầu các trường có bếp ăn tập thể kiểm tra mọi điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, tổng vệ sinh bếp ăn.
Đến thời điểm này, các trường đều cam kết lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ cung ứng thực phẩm uy tín, đủ căn cứ pháp lý và có quy trình giám sát chặt chẽ, có sự tham gia của phụ huynh học sinh.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra thu, chi đầu năm học Đầu năm học mới, các khoản thu luôn là vấn đề được các bậc phụ huynh học sinh quan tâm. Để ngăn chặn tình trạng lạm thu, Sở GD&ĐT Hà Nội đã ban hành các văn bản hướng dẫn thu, chi đối với trường học công lập, bảo đảm công khai, minh bạch, thu đúng, thu đủ và tuyệt đối không được lạm thu. Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, trong các hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới ở từng cấp học, lãnh đạo ngành đều nhấn mạnh yêu cầu, ngoài các khoản thu theo quy định các trường không được thu bất kỳ khoản nào khác; không được lợi dụng danh nghĩa cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định. Sở cũng lưu ý các trường không giao cho giáo viên trực tiếp thu, chi tiền. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về các khoản thu sai quy định. Về kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, Sở yêu cầu thực hiện theo Điều lệ Ban Đại diện cha mẹ học sinh do Bộ GD&ĐT ban hành. Đặc biệt, Sở sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thu - chi đầu năm học và công bố số điện thoại đường dây nóng để phụ huynh học sinh kịp thời phản ánh vấn đề liên quan. |