Viglacera tìm tư vấn định giá để thoái vốn nhà nước, cổ phiếu VGC tăng vọt lên mức cao nhất từ đầu năm
Bộ Xây dựng hiện sở hữu 38,6% vốn của Viglacera.
Trước đó, VGC đã thoái vốn Nhà nước giai đoạn 1 vào năm 2019.
Trong phiên giao dịch sáng 29/5, cổ phiếu VGC đã bật tăng 6% lên 39.850 đồng - mức cao nhất kể từ đầu năm. Vào tháng 9/2022, cổ phiếu VGC từng lên đến mức gần 70.000 đồng.
Mới đây, Bộ Xây dựng cũng vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính dự kiến nguồn thu từ bán vốn nhà nước nộp về ngân sách Nhà nước (NSNN) giai đoạn 2021 - 2025. Trong năm nay, Bộ lên kế hoạch thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Viglacera dự kiến thu về hơn 5.800 tỷ đồng.
Kế hoạch thoái vốn cũng được VGC đề cập trong tài liệu họp ĐHĐCĐ sắp tới đây. Song song, Công ty còn lên kế hoạch thực hiện lộ trình tái cơ cấu vốn tại các đơn vị, như (i) tăng vốn tại Công ty ViMariel, (ii) tăng tỷ lệ sở hữu vốn tại Công ty TNHH Kính nổi Việt Nam (VFG), (iii) góp vốn đầu tư thành lập CTCP Viglacera Thái Nguyên để triển khai đầu tư, xây dựng, kinh doanh và (iv) vận hành khu đô thị, đô thị dịch vụ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Kết thúc quý 1/2023, VGC ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.775 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ năm trước. Trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp Viglacera đạt 666 tỷ đồng, giảm 52% so với cùng kỳ,biên lợi nhuận gộp thu hẹp về 24%.
Công ty cho biết trong kỳ doanh thu mảng kinh doanh nhà ở thương mại của Công ty bị sụt giảm mạnh so với cùng kỳ, cùng với đó, lĩnh vực vật liệu xây dựng cũng gặp khó khăn trong công tác tiêu thụ, giá bán và sản lượng tiêu thụ giảm gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.
Với kết quả trên, quý đầu năm VGC đã đã hoàn thành được 17,3% kế hoạch doanh thu và 11,7% kế hoạch lợi nhuận.
Tính đến 31/3/2023, tổng tài sản Công ty ở mức 23.317 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,5% so với đầu năm. Về phía nguồn vốn, Công ty đang ghi nhận 14.092 tỷ đồng nợ phải trả, trong đó nợ ngắn hạn chiếm 60%. Tổng nợ vay ở mức 4.041 tỷ đồng.