A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Lãnh đạo Vietnam Airlines nói các hãng hàng không đang rất khó khăn: Tình hình kinh doanh của doanh nghiệp trong ngành như thế nào?

Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, cho rằng các hãng hàng không vẫn gặp nhiều khó khăn.

 

Lãnh đạo Vietnam Airlines nói các hãng hàng không đang rất khó khăn: Tình hình kinh doanh của doanh nghiệp trong ngành như thế nào? - Ảnh 1.

Tại hội nghị của Bộ Giao thông Vận tải mới đây, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines chia sẻ thị trường hàng không quốc tế mới phục hồi 60% so với trước đại dịch Covid-19 và các hãng hàng không vẫn gặp nhiều khó khăn.

Trong đó, thị trường quốc tế mới chỉ phục hồi khoảng 60% so với trước dịch. Trung Quốc - thị trường khách lớn của Việt Nam - mới chỉ phục hồi 9%.

Riêng Vietnam Airlines dù cơ bản đã phục hồi cả mảng đường bay nội địa và quốc tế, song 6 tháng cuối năm còn rất nhiều khó khăn.

Giá nhiên liệu xăng dầu tăng nhanh, có lúc tăng gấp đôi trước dịch, trong khi nhiên liệu chiếm 60% chi phí hàng không.

“Chi phí vận hành rất cao, nhưng giá vé máy bay như vé hè rẻ nhất trong 6 năm gần đây. Các hãng hàng không rất khó khăn. Theo tôi được biết, một hãng hàng không khá lớn của Việt Nam gần đây đã báo cáo Chính phủ xin bảo hộ phá sản”, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết.

Vị này cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Chính phủ tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ ngành hàng không phục hồi.

Với vấn đề tắc nghẽn tải hàng không, theo lãnh đạo Vietnam Airlines, hiện nay, thời gian phải bay chờ rất dài, gây tốn kém rất lớn. Đơn cử như các chuyến bay tới TP HCM khi hạ cánh phải bay chờ 30 phút, tại Nội Bài cũng phải bay chờ 20 phút.

Ông Hòa cũng đề nghị quản lý slot (giờ cất, hạ cánh) chặt chẽ hơn, thu hồi slot các hãng không khai thác. Với slot chuyến bay quốc tế, quản lý theo nguyên tắc có đi có lại với các quốc gia.

Lãnh đạo Vietnam Airlines nói các hãng hàng không đang rất khó khăn: Tình hình kinh doanh của doanh nghiệp trong ngành như thế nào? - Ảnh 2.

Lãnh đạo Vietnam Airlines cho rằng các hãng hàng không Việt Nam đang gặp khó khăn. Ảnh minh họa.

Tình hình kinh doanh của các hãng hàng không Việt Nam

Vietnam Airlines có doanh thu thuần quý 1/2023 tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, đạt 23.494 tỷ đồng. Đây là mức doanh thu cao nhất của hãng hàng không quốc gia kể từ quý 4/2019.

Trong kỳ, giá vốn hàng bán của công ty tăng 63%, thấp hơn mức tăng trưởng của doanh thu thuần, nhờ đó lợi nhuận gộp của công ty đạt 1.959 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gộp 1.595 tỷ đồng. Mức lợi nhuận gộp này đã tương đương thậm chí vượt mốc trước đại dịch (cao hơn quý 4/2019).

Tuy nhiên, dù doanh thu tài chính của Vietnam Airlines tăng gấp 3,5 lần lên 366 tỷ đồng song các khoản chi phí của doanh nghiệp cũng đều tăng mạnh, trong đó, chi phí tài chính tăng 46,3% lên hơn 773 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng 187% lên 1.048 tỷ đồng.

Kết quả, Vietnam Airlines ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý 1/2023 đạt 19,3 tỷ đồng, trong khi quý 1/2022 lỗ hơn 2.621 tỷ đồng, qua đó kết thúc chuỗi thua lỗ 12 quý liên tiếp, kéo dài từ quý 1/2020. Dù vậy, sau khi trừ thuế, Vietnam Airlines vẫn lỗ sau thuế 104 tỷ đồng trong quý 1/2023, cải thiện đáng kể so với mức lỗ sau thuế 2.685 tỷ của cùng kỳ.

Khoản lỗ ròng của công ty mẹ cũng thu hẹp còn 104 tỷ đồng, giảm mạnh so với khoản lỗ ròng 2.613 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Đến hết quý 1/2023, lỗ lũy kế của Vietnam Airlines ở mức 34.303 tỷ đồng.

Trong khi đó, tính đến 31/12/2022, Vietnam Airlines có lỗ lũy kế 34.200 tỷ đồng (riêng năm 2022 lỗ 10.369 tỷ đồng), vốn chủ sở hữu âm 10.199 tỷ đồng. Pacific Airlines, một thành viên của Vietnam Airlines với tỷ lệ sở hữu 68,85%, có kết quả kinh doanh tệ hơn khi tính đến cuối năm 2021 âm vốn chủ sở hữu 4.583 tỷ đồng (năm 2020 và 2021 lỗ lần lượt 2.144 tỷ đồng và 2.308 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ là 3.522 tỷ đồng).

Kết quả kinh doanh quý 1/2023 của Vietjet Air về doanh thu vận chuyển hàng không đạt 12.880 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 168 tỷ đồng, tăng lần lượt 286% và 320% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh thu hoạt động phụ trợ đạt 4.312 tỉ đồng, đóng góp hơn 33% tổng doanh thu.

Về kết quả kinh doanh hợp nhất, Vietjet ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 12.898 tỉ đồng và 173 tỉ đồng.

Trong ba tháng đầu năm, Vietjet đã khai thác an toàn 31,3 nghìn chuyến bay, vận chuyển gần 5,4 triệu lượt hành khách, tăng 57% và 75% so với quý 1/2022. Các chuyến bay của hãng đạt hệ số sử dụng ghế bình quân cao 85%, độ tin cậy kỹ thuật đạt 99,59%.

Tính đến ngày 31-3-2023, tổng tài sản của Vietjet đạt hơn 69,2 nghìn tỷ đồng, chỉ số nợ vay/vốn chủ sở hữu một lần và chỉ số thanh khoản 1,3 lần nằm ở mức an toàn trong ngành hàng không.

Hôm 10/4, tại Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023, lãnh đạo Bamboo Airways cho biết trong quý 1/2023 hãng này gần đạt điểm hòa vốn. Tại sự kiện, phương án phát hành cổ phiếu để hoán đổi nợ, tăng vốn đã được nêu ra. Theo đó, trong trường hợp khả quan, hãng hàng không này sẽ tăng thêm 6-8 tàu bay trong năm nay và 10 tàu giai đoạn 2024 - 2026. Qua đó, Bamboo sẽ có lãi trong năm 2025 và có thể niêm yết trong năm 2026-2027.

Hoạt động kinh doanh cốt lõi của Bamboo Airways vẫn lỗ, phải huy động từ các nguồn các nhà đầu tư gần 8.000 tỷ đồng. Hiện một trong những chủ nợ quan trọng nhất của Bamboo Airways là chủ tàu bay.

Vừa qua, Vietravel Airlines đã tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023. Theo đó, Vietravel Airlines tăng tổng số chuyến bay thực hiện lên 48%, tổng số giờ bay tăng 55,1%, tổng số ghế ứng tăng 43,3% và tổng số hành khách tăng 42,7% so với giai đoạn 06 tháng đầu năm 2022.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết