A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa!

TS Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam khẳng định như vậy với phóng viên Báo Công Thương.

Thưa ông, sau 13 năm triển khai, ông nhận định gì về hiệu quả Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đối với các doanh nghiệp?

Tôi cho rằng trong quá trình triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thì đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất chính là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, kể cả doanh nghiệp siêu nhỏ. Vì khi lựa chọn hàng hoá, người tiêu dùng sẽ quan tâm đến chất lượng, giá cả và thương hiệu. Tất cả những yếu tố này thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa “đuối sức” hơn các doanh nghiệp lớn.

Đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa!
TS Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

Do đó, nhờ vận động ưu tiên dùng hàng Việt Nam, người tiêu dùng đã nghĩ nhiều hơn đến hàng Việt, ưu tiên lựa chọn hàng Việt, nhất là hàng hoá do doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất.

Cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng nhận thức được một cách sâu sắc về vấn đề sản xuất kinh doanh và rất hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam. Vai trò của hàng Việt Nam trong cơ cấu tiêu dùng ngày một nâng cao và có sự đóng góp quan trọng của Cuộc vận động.

Tôi cũng cho rằng, Cuộc vận động này chưa thể kết thúc được vì thương hiệu của nhiều sản phẩm, hàng hoá Việt chưa thực sự bền vững trong tâm trí người tiêu dùng. Bên cạnh đó, khi nhắc đến việc ưu tiên dùng hàng Việt Nam thì còn nói đến việc tuyên tuyền, luôn tạo nên sự nhắc lại, yếu tố tâm lý để người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn hàng Việt Nam. Khi nào việc sử dụng hàng Việt trở thành thói quen, khi nào hàng Việt Nam có được chất lượng tốt hơn nữa, chinh phục người tiêu dùng hiệu quả hơn nữa thì mới dừng được.

Để tận dụng nhiều hơn nữa hiệu quả của Cuộc vận động, ông cho rằng các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần phát huy hoạt động sản xuất kinh doanh ra sao trong thời gian tới?

Doanh nghiệp phải tôn trọng những giá trị đích thực của hàng hoá, đó là chất lượng phải tốt. Bên cạnh đó, khi tuyên truyền cũng không được nói quá để người tiêu dùng ngộ nhận về sản phẩm. Nói cách khác thì phải tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Doanh nghiệp phải luôn ý thức về chất lượng, uy tín sản phẩm.

Ngoài ra, phải tăng cường đổi nới sáng tạo để hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm. Phải áp dụng khoa học công nghệ để giải quyết vấn đề đó chứ không còn cách nào khác.

Đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa!
Doanh nghiệp nhỏ và vừa được hưởng lợi từ Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam

Tôi cho rằng, hiện nay, tài nguyên lớn của ta chính là các công trình nghiên cứu khoa học. Những công trình nghiên cứu này rất quý, có sẵn. Khối tài sản này cần được khai thác, giao cho cộng đồng doanh nghiệp khai thác. Nếu vì một quy trình nào đó mà cứ cất giữ thì các công trình nghiên cứu không được sử dụng, rất lãng phí. Nếu chúng ta coi doanh nghiệp là tài sản quốc gia, doanh nhân cũng là tài sản quốc gia thì họ có đủ quyền tiếp cận khai thác kho công trình khoa học quý giá cũng là tài sản quốc gia đó. Chúng tôi đủ năng lực khai thác, sử dụng, theo cơ chế thị trường. Đây là một điểm đột phá mà Hiệp hội chúng tôi nhiều lần mạnh dạn đề nghị với Chính phủ.

Thời gian qua, việc liên kết, sử dụng hàng hóa của nhau giữa các doanh nghiệp được đánh giá rất cao. Quan điểm của ông về hoạt động này như thế nào?

Tôi cho rằng liên kết, sử dụng hàng hoá của nhau là việc rất quan trọng. Một trong những yếu tố doanh nghiệp nhỏ và vừa cần củng cố là liên kết với nhau bởi hiện nay có thực trạng là từng doanh nghiệp làm thì tốt nhưng liên kết lại thì khó khăn.

Càng doanh nghiệp nhỏ thì càng phải ý thức là nếu không liên kết thì không làm được gì hết. Đây là đòi hỏi sống còn để cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao sức cạnh tranh.

Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn thường xuyên nói về yếu tố này. Đồng thời phân tích cho doanh nghiệp hiểu tại sao khó liên kết được? Liên kết thì sẽ nhận được lợi ích như thế nào? Liên kết là chuỗi, là chuyên nghiệp hoá, mỗi doanh nghiệp phải giữ và làm tốt công đoạn của mình, rồi liên kết với nhau để nâng cao sức cạnh tranh.

Tôi cũng đánh giá rất cao việc Bộ Công Thương thời gian qua đã dành nhiều tâm huyết và có nhiều chương trình để thúc đẩy hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thời gian tới, chúng tôi mong muốn những chương trình này sẽ được triển khai mạnh hơn nữa trong thời gian tới để doanh nghiệp nhận thức rõ hiệu quả và làm theo.

Xin cảm ơn ông!

 

Tác giả: Phương Lan thực hiện
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết