Amazon cũng lao đao vì suy thoái: Lệnh cho toàn bộ nhân viên ‘tiết kiệm gấp đôi’ để cắt giảm chi phí
Amazon đang “thắt lưng buộc bụng” để thích nghi với việc tốc độ tăng trưởng chậm lại và tình hình kinh tế xấu đi.
Theo một số nguồn tin thân cận của Business Insider, đội ngũ lãnh đạo của gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon đã kêu gọi nhân viên “tăng gấp đôi mức độ tiết kiệm” trong một cuộc họp toàn thể nội bộ vào tuần này.
Cụ thể, các slide được trình chiếu trong cuộc họp hướng dẫn nhân viên Amazon “hoàn thành nhiều việc hơn với ít chi phí hơn”. Điều đó đồng nghĩa với việc điều chỉnh chính sách tuyển dụng, giảm chi phí và mức độ tồn kho.
“Những hạn chế tạo ra sự thích nghi và đổi mới. Công ty hiện tại không có chính sách tăng số lượng nhân viên, quy mô ngân sách hay chi phí cố định”, trích nội dung một trang slide.
Các chiến lược cụ thể được nêu trong cuộc họp bao gồm:
- Duy trì số dư tiền mặt và tính thanh khoản
- Điều chỉnh mức tồn kho để đáp ứng nhu cầu
- Giảm chi phí tùy ý không ràng buộc với khách hàng
- Điều chỉnh việc tuyển dụng dựa trên nhu cầu và ưu tiên kinh doanh
- Ưu tiên trải nghiệm của khách hàng hơn các sáng kiến mới
- Tăng gấp đôi mức độ tiết kiệm
Trong cuộc họp, Giám đốc tài chính Brian Olsavsky của Amazon cho biết công ty đã tăng gần gấp đôi công suất hoạt động từ năm 2020 đến năm 2021 và hiện phải tiết kiệm hơn để quản lý chi phí.
Những chính sách trên cho thấy sự thay đổi đang diễn ra tại Amazon khi ông lớn bán lẻ này “thắt lưng buộc bụng” để thích nghi với tình trạng tốc độ tăng trưởng chậm lại và tình hình kinh tế xấu đi.
Từ trước đến nay, Amazon được biết đến là “chi li” hơn so với các gã khổng lồ công nghệ khác. Chính vì vậy, suy thoái kinh tế trong thời gian vừa qua đã tạo thêm áp lực để họ phải tìm mọi cách để cắt giảm chi phí hoạt động.
Cũng tại cuộc họp, CEO Andy Jassy đã truyền tải một thông điệp tương tự khi được hỏi về suy thoái kinh tế và ảnh hưởng của nó đối với các khoản đầu tư trong tương lai của Amazon. Ông cho biết Amazon sẽ suy nghĩ kỹ hơn về các khoản chi tiêu, mặc dù họ vẫn tiếp tục đầu tư vào những “ván cược” dài hạn.
“Không ít người đang lo lắng về suy thoái kinh tế. Tất nhiên, không ai trong chúng ta biết chắc điều gì sẽ xảy ra nhưng có rất nhiều dấu hiệu cho thấy đang có nhiều khó khăn trong nền kinh tế, cả ở thời điểm hiện tại và tương lai. Tôi không biết nó sẽ tồn tại trong bao lâu nhưng theo tôi, một trong những điều mà chúng ta nên làm là sắp xếp hợp lý hơn cách mà Amazon sẽ mở rộng vào năm 2023”, ông phát biểu.
Jassy chỉ ra một số kế hoạch dài hạn vẫn sẽ được chú trọng đầu tư, bao gồm trợ lý ảo Alexa và cửa hàng tạp hóa. Dù vậy, vị CEO cảnh báo rằng Amazon sẽ phải tìm ra sự cân bằng phù hợp bằng cách "kiên nhẫn về mặt chiến lược”.
“Một trong những điều mà mọi người hiểu lầm là đôi khi họ quên rằng các doanh nghiệp bền vững, có định hướng lâu dài không phải lúc nào cũng cần phải mở rộng nhanh chóng hàng năm”, Jassy nói.
Trong vài tháng qua, Amazon đã đóng cửa một loạt các dự án nổi tiếng, bao gồm cả dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa Amazon Care và ngừng thử nghiệm robot tự lái Scout. Ngoài ra, họ còn giảm đáng kể quy mô đội ngũ robot và phòng thí nghiệm ảnh chụp mặt trăng Grand Challenge. Cùng với đó là giảm bớt kế hoạch mở rộng kho hàng và đối tác giao hàng.
Một số nhân viên lo ngại rằng Amazon đang ở “Day 2” chứ không còn ở “Day 1” như trước nữa. “Day 1” là tôn chỉ mà nhà sáng lập Jeff Bezos đặt ra từng những ngày đầu và luôn theo đuổi để Amazon luôn trong trạng thái khởi đầu và đổi mới. Trong khi đó, theo nhân viên công ty, văn hóa đó dường như đang chậm lại.
Nguồn: BI