A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Viettel Gia Lai tiên phong, chủ lực, kiến tạo xã hội số

Ngày 15-10-2002, Viettel Gia Lai, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông quân đội (Viettel) chính thức được thành lập, đánh dấu sự có mặt của doanh nghiệp viễn thông quân đội trên thị trường viễn thông tại Gia Lai.

Từ 3 trạm phát sóng và 5 cán bộ, nhân viên ngày đầu thành lập đến nay Viettel Gia Lai đã có hạ tầng mạng lưới rộng khắp, doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

Đi lên từ con số 0

Theo Đại tá Vũ Văn Viện, nguyên Giám đốc Viettel Gia Lai (giai đoạn 2005-2006), Viettel Gia Lai gần như bắt đầu làm viễn thông từ con số 0 với hàng loạt khó khăn, thách thức. Đặc biệt, địa bàn của tỉnh Gia Lai rộng, nhiều thôn, làng ở vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí thấp, hạ tầng kinh tế-xã hội còn lạc hậu đã đặt ra cho Viettel Gia Lai những “bài toán khó” trong xây dựng hạ tầng mạng lưới, đào tạo nhân lực, phát triển dịch vụ. Nhưng bằng chiến lược phát triển đúng đắn, sáng tạo với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tổng Công ty Viễn thông Quân đội Viettel (nay là Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông quân đội), sự hỗ tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương, các đơn vị quân đội, Viettel Gia Lai từng bước chiếm lĩnh lòng tin của khách hàng, chiếm lĩnh thị trường, tạo ra những kỳ tích mới. “Trong khi những nhà mạng khác xác định, di động phục vụ cho người giàu thì Viettel xác định khách hàng là những người nghèo, người thu nhập thấp, mạng lưới di động phải triển khai rộng khắp từ vùng khó khăn đến các trung tâm kinh tế-xã hội. Chỉ hơn 1 năm sau khi thành lập, Viettel Gia Lai đã triển khai được 30 trạm phát sóng, nâng tổng số thuê bao lên gần 100.000, thu nhập hằng tháng của cán bộ, nhân viên tăng lên 6 lần”, Đại tá Vũ Văn Viện chia sẻ.  

Viettel Gia Lai phát sóng trạm di động vệ tinh miền núi. 

Ngày 15-10-2004, Viettel Gia Lai khai trương, cung cấp dịch vụ di động trên địa bàn tỉnh Gia Lai với trạm BTS đầu tiên mang mã số GLI001. Sự kiện này đã mở ra trang mới trên thị trường viễn thông tại Gia Lai, khi lần đầu tiên dịch vụ viễn thông được giảm giá thấp hơn 40%, bằng việc Viettel ra mắt cách tính cước theo Block 6s, tạo sự đột phá trên thị trường, biến dịch vụ di động từ xa xỉ trở thành bình dân, phổ cập đến mọi người dân, từ đồng bằng đến miền núi, từ thành thị đến nông thôn…

Viettel Gia Lai bàn giao Trung tâm thử nghiệm điều hành thành phố thông minh Pleiku (tỉnh Gia Lai). 

Thượng tá Trần Văn Thuân, Giám đốc Viettel Gia Lai phấn khởi cho biết, hiện nay, Viettel Gia Lai đã xây dựng được 743 trạm phát sóng BTS, đảm bảo độ phủ sóng 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Thị phần thuê bao di động đạt 67%, thị phần về cố định băng rộng đạt 50%, trở thành nhà cung cấp dịch vụ viễn thông số 1 tại tỉnh Gia Lai. Viettel Gia Lai đã đầu tư xây dựng được trên 1.300 trạm 2G, 3G và 4G, hạ tầng cáp quang đạt gần 7.000km, phủ sóng di động đến 100% huyện, thị xã, thành phố và 99,7% thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Gia Lai... đảm bảo cung cấp dịch vụ cho gần 1 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ của Viettel.

Kinh doanh gắn liền với trách nhiệm xã hội

Thực hiện triết lý này, Viettel Gia Lai đã triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hạ tầng, cung cấp phần mềm quản lý trường học, với tổng kinh phí đầu tư hàng chục tỷ đồng, đưa Internet đến 672 trường học và cơ sở giáo dục của tỉnh Gia Lai. Góp phần cùng với ngành giáo dục cụ thể hóa các mục tiêu, giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn. Viettel Gia Lai cũng đã cung cấp giải pháp công nghệ thực hiện Đề án xây dựng đô thị thông minh tại thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai); là đơn vị tiên phong trên lĩnh vực chuyển đổi số.

Viettel Gia Lai hỗ trợ tỉnh Gia Lai kinh phí phòng, chống dịch Covid-19.

Ông Hồ Phước Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai khẳng định: "Trong 20 năm qua, Viettel Gia Lai đã đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Gia Lai. Nhất là trên lĩnh vực chuyển đổi số, giúp tỉnh Gia Lai từng bước thực hiện chính quyền số, kinh tế số và xã hội số".

Tại sự kiện Tuần lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập tỉnh Gia Lai, Viettel Gia Lai tài trợ số hóa 16 điểm du lịch nổi tiếng trên địa bàn nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh, vùng đất con người Gia Lai đến với du khách trong và ngoài nước, tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng. Ngoài ra, Viettel Gia Lai còn ký kết hợp tác với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Gia Lai thực hiện chương trình chuyển đổi số trong các doanh nghiệp, giai đoạn 2022-2025. Và dự kiến trong quý IV năm 2022, Viettel Gia Lai sẽ phát sóng thử nghiệm trạm 5G.

Viettel Gia Lai trao tặng học bổng cho con công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh Gia Lai.

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Viettel Gia Lai đã sát cánh, đồng hành cùng với chính quyền và lực lượng trên tuyến đầu chống dịch. Hỗ trợ tỉnh Gia Lai lắp đặt, vận hành 2 máy đo thân nhiệt tự động từ xa tại Sân bay Pleiku; hệ thống đo thân nhiệt tự động tại 4 khu vực cách ly y tế tập trung và camera giám sát tại bệnh viện dã chiến, tổng trị giá trên 700 triệu đồng. Tặng nhiều trang bị, vật tư y tế, nhu yếu phẩm cho Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai và xây dựng công trình chẩn đoán bệnh từ xa.

Các chương trình “Trái tim cho em”, “Internet trường học”, “Vì em hiếu học”, “Tiếp bước đến trường”, “Xây nhà tình nghĩa”, “Viettel vì cộng đồng”, “Quân đội chung tay vì người nghèo”, “Tuổi trẻ tập đoàn chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Viettel hỗ trợ thương, bệnh binh nặng”, “Chương trình dâng hoa mộ liệt sĩ”... với kinh phí hàng chục tỷ đồng đã mang lại niềm vui cho hàng nghìn gia đình chính sách, hộ nghèo, trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh, trẻ em hiếu học trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Bài và ảnh: ANH SƠN - QUỲNH GIANG


Tags: Viettel
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết