A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

"Ông trùm BOT" Tasco lỗ gần 700 tỷ trong 3 năm vì dự án thu phí không dừng VETC

Năm 2022, sau thời gian miễn phí, VETC chính thức thông báo mức phí dán thẻ thu phí tự động không dừng (ETC) vào tháng 8. Theo đó, khách hàng sẽ phải trả 120.000 đồng/xe khi dán thẻ ETC của VETC. Doanh thu 2022 nhờ vậy đã tăng đột biến.

 

"Ông trùm BOT" Tasco lỗ gần 700 tỷ trong 3 năm vì dự án thu phí không dừng VETC - Ảnh 1.

Là đơn vị duy nhất trực tiếp cung cấp dịch vụ thu phí không dừng giai đoạn 1, Công ty thu phí tự động không dừng VETC từng là quân bài chiến lược của Công ty cổ phần Tasco (mã: HUT).

Tasco từng đặt nhiều tham vọng vào dự án VETC, và coi là động lực tăng trưởng dài hạn cho công ty. Theo Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022, Tasco đang nắm giữ 99,35% tỷ lệ lợi ích tại công ty.

Giai đoạn 2016 - 2021, VETC ghi nhận doanh thu tăng trưởng với tốc độ lớn theo từng năm: Từ 6 tỷ đồng năm 2016 lên 185 tỷ đồng năm 2021. Tuy nhiên, số lỗ năm sau lại cao hơn năm trước.

Năm 2019, VETC lỗ 126 tỷ đồng. Khi đó Tasco đã đòi trả lại dự án cho Bộ GTVT vì lo phá sản. Đến năm 2020, VETC lỗ lịch sử 300 tỷ.

Năm 2022, sau thời gian miễn phí, VETC chính thức thông báo mức phí dán thẻ thu phí tự động không dừng (ETC) vào tháng 8. Theo đó, khách hàng sẽ phải trả 120.000 đồng/xe khi dán thẻ ETC của VETC, áp dụng với tất cả phương tiện dán mới hoặc thay thẻ (dán lại).

Hoạt động này mang lại doanh thu cao đột biến cho VETC trong năm 2022, qua đó xóa dần mức lỗ lũy kế hàng trăm tỷ đồng mà VETC đang gánh. Thực tế, doanh thu năm 2022 của VETC đã tăng gần gấp đôi lên 346 tỷ. Điều này giúp số lỗ được thu hẹp, chỉ còn lỗ 132,6 tỷ.

Trong 3 năm từ 2020 - 2022, VETC đã lỗ tổng cộng 691 tỷ đồng. Đơn vị phải đứng ra “ôm” khoản lỗ lũy kế khổng lồ của VETC không ai khác ngoài công ty mẹ Tasco.

"Ông trùm BOT" Tasco lỗ gần 700 tỷ trong 3 năm vì dự án thu phí không dừng VETC - Ảnh 2.

Mặc dù lỗ nặng nhất trong số các hoạt động của Tasco, song xét cơ cấu doanh thu năm 2022, thu phí điện tử không dừng đóng góp 32% vào tổng doanh thu thuần 1.073 tỷ đồng của Tasco, đạt tỷ trọng đóng góp lớn thứ 2 sau thu phí đường bộ BOT.

Một khoản lỗ khác mà Tasco đang "gánh" trong năm 2022 là lỗ hơn 41 tỷ từ đầu tư, kinh doanh bất động sản. Trong khi đó, xây lắp và hoạt động khác vẫn lãi 258 tỷ, và BOT lãi 65 tỷ nhưng chỉ bằng 60% của cùng kỳ năm ngoái.

Hồi 2021, Tasco đã có kế hoạch rót thêm 500 tỷ đồng cho VETC để tránh tình trạng tiếp tục âm vốn và đề phòng kết quả kinh doanh tiếp tục thua lỗ.

Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản VETC đạt 2.318 tỷ đồng, nợ phải trả doanh nghiệp còn 2.281 tỷ đồng, chiếm 29% tổng nợ của Tasco.

Công ty TNHH Thu phí tự động VETC được thành lập vào tháng 7/2016 tại Hà Nội. Giới thiệu trên website của mình, VETC cho biết công ty được thành lập với mục tiêu trở thành đơn vị triển khai và vận hành hệ thống thu phí tự động ETC (Electronic Toll Collection) tại Việt Nam.

Năm 2015, VETC bắt đầu thử nghiệm hệ thống thu phí tự động đường bộ tại 3 trạm: Tasco Quảng Bình, Hoàng Mai (Nghệ An) và Toàn Mỹ (Đăk Nông).

Cho đến nay, đã có hàng chục tuyến/trạm thu phí được vận hành thu phí tự động VETC trên cả nước như: trạm Tân Đệ (Thái Bình); Mỹ Lộc (Nam Định); Hà Nội – Bắc Giang (Bắc Ninh); Hoàng Mai (Nghệ An); Quán Hàu, Tasco Quảng Bình (Quảng Bình); Đông Hà (Quảng Trị); Phú Bài, Bắc Hải Vân (Huế); Hòa Phước, Tam Kỳ (Quảng Nam); Tư Nghĩa (Quảng Ngãi); Toàn Mỹ 14 (Đăk Nông); Đức Long 1, Đức Long 2 (Gia Lai), Bến Thủy 1&2 (Nghệ An), Cam Thịnh (Khánh Hòa), Bình Thuận, Cầu Đồng Nai, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cần Thơ Phụng Hiệp...


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết