“Nữ hoàng chuyển phát nhanh” Trung Quốc: 22 tuổi thành góa phụ điều hành công ty, 43 tuổi bán cổ phần cho Alibaba thu về 14,6 tỷ, chuyển hướng kinh doanh ô tô thu về bộn tiền
Vốn chỉ là một công nhân bình thường trong một xưởng in và nhuộm, nhưng chỉ trong vài năm, “nữ hoàng chuyển phát nhanh” đã vươn lên số phận với tài sản ròng hàng tỷ NDT.
Tại Chiết Giang, Trung Quốc có một nữ tỷ phú gắn liền nhiệt huyết tuổi trẻ của mình với ngành chuyển phát nhanh, bà từng bán STO cho Alibaba và thu về 14,6 tỷ NDT và kiếm được 20 tỷ NDT nhờ kinh doanh ô.
Nữ tỷ phú này chính là Trần Tiểu Anh, bà được mệnh danh là “Nữ hoàng chuyển phát nhanh”. Dựa trên năng lực xuất chúng, Trần Tiểu Anh và chồng sáng lập nên STO Express, đồng thời là những người tiên phong gia nhập ngành chuyển phát nhanh tư nhân tại Trung Quốc. Năm 2019, Trần Tiểu Anh quyết định bán tất cả cổ phần trong công ty cho Jack Ma và thu về 14,6 tỷ NDT.
Bước đầu “cắm rễ” vào ngành chuyển phát nhanh
Trần Tiểu Anh sinh ra trong một gia đình nghèo khó, để giải quyết áp lực cuộc sống, cô phải bỏ học và đi làm từ rất sớm. Trần Tiểu Anh gặp Nhiếp Đằng Phi khi cả hai đang làm việc cùng nhau tại xưởng in và nhuộm, vì gia cảnh có nét đồng điệu nên họ nhanh chóng nảy sinh tình cảm và tiến tới hôn nhân.
Năm 1992, Khu vực Phố Đông Thượng Hải được thành lập và ngoại thương giữa Hàng Châu và Thượng Hải rất thịnh vượng. Vào thời điểm đó, để vận chuyển hàng ra nước ngoài cần tuân thủ các quy định gửi tờ khai và vận đơn đến cục hải quan.
Nhưng từ Hàng Châu đến Thượng Hải phải mất ít nhất ba ngày. Vì vậy, trong một lần gửi tờ khai cho nhà xưởng, Nhiếp Đằng Phi đã tinh ý phát hiện ra cơ hội kinh doanh. Sau khi bàn bạc kỹ lưỡng cùng Trần Tiểu Anh, họ quyết định thành lập một công ty chuyển phát nhanh nhỏ chuyên giúp các doanh nghiệp gửi tờ khai.
Khi việc kinh doanh của công ty ngày càng phát đạt, họ quyết định đổi tên công ty thành STO Express. Theo đó, STO trở thành công ty hàng đầu trong ngành chuyển phát nhanh và hoạt động kinh doanh dần phủ sóng đến các khu vực lân cận.
Trở thành góa phụ ở tuổi 22, kiên cường vượt qua khủng hoảng
Năm 1998, Nhiếp Đằng Phi không may qua đời trong một vụ tai nạn giao thông, công ty rơi vào tình thế khủng hoảng. Khi ấy Trần Tiểu Anh mới 22 tuổi, và buộc phải tiếp quản vị trí của chồng. Bà gặp phải nhiều khó khăn trong việc quản lý công ty, khiến bà gần như suy sụp hoàn toàn.
Sau khi Nhiếp Đằng Phi qua đời, em trai ông bắt đầu lôi kéo ban giám đốc điều hành cấp cao của STO, để thành lập nên công ty chuyển phát nhanh của riêng mình. Điều quá đáng hơn là em trai của Nhiếp Đằng Phi đã lấy đi tất cả các khách hàng lớn của công ty, STO gần như đứng trước bờ vực phá sản, không thể chống chọi thêm bất kỳ sóng gió nào. May thay, Trần Tiểu Anh đã chèo chống và vượt qua tất cả khó khăn, khôi phục lại hoạt động kinh doanh cho công ty.
Bán cổ phần cho Alibaba thu về 14,6 tỷ NDT
Nhận thấy đà phát triển của STO ngày càng tốt, các công ty chuyển phát nhanh khác nhanh chóng gia nhập hàng ngũ cạnh tranh cùng STO. Trần Tiểu Anh không hề e ngại trước tình thế này, đặt mục tiêu phát triển hướng đến Alibaba. Sau nhiều vòng đàm phán, STO chính thức trở thành đối tác đầu tiên của Alibaba, song phương đạt thỏa thuận đôi bên cùng có lợi.
Không chỉ vậy, bà còn sử dụng mô hình nhượng quyền bưu cục, cho phép thương hiệu chuyển phát nhanh của bà phủ sóng khắp các thành phố lớn. Với mô hình hoạt động và phát triển mới này đã mang đến cho STO một sự lột xác hoàn toàn.
Năm 2019, Trần Tiểu Anh trực tiếp bán toàn bộ số cổ phần đang nắm trong tay cho Jack Ma. Sau khi hai bên ký kết thỏa thuận, bà thu về 14,6 tỷ NDT và rút khỏi công ty. Kể từ đó, STO Express phát triển thành một chuỗi công nghiệp trực thuộc Alibaba. Dù Trần Tiểu Anh đã rút lui khỏi “tiền tuyến” trong ngành, nhưng huyền thoại về bà vẫn được lưu truyền trong giới kinh doanh.
Chuyển hướng kinh doanh sang sản xuất ô, thu về lợi nhuận béo bở
Theo lý mà nói, Trần Tiểu Anh có thể sống một cuộc sống không lo cơm áo gạo tiền, nhưng bà có tham vọng của riêng mình. Thông qua sự hiểu biết về khách hàng trong nhiều năm kinh doanh, bà tìm cơ hội kinh doanh mới trong ngành sản xuất dụng cụ đi mưa. Bà trở về quê nhà, mua bằng sáng chế phát minh ô và áp dụng bằng sáng chế này vào việc sản xuất ô dù.
Những chiếc ô do bà sản xuất, so về chất lượng và công nghệ sản xuất đều chắc chắn hơn các loại ô thông thường. Bề mặt của ô được làm bằng chất liệu không thấm nước, chỉ cần vẩy chiếc ô vài lần sau khi sử dụng liền có thể giúp ô khô ráo, tránh tình trạng nhiễu nước ở khắp mọi nơi. Ngoài ra, trên tay cầm của ô có đèn chiếu sáng, rất tiện lợi khi điều kiện ánh sáng kém như trời nhiều mây hoặc ban đêm.
Khi sản phẩm được ra mắt, nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người tiêu dùng. Trong vòng một năm, bà đã kiếm được 20 tỷ NDT, vượt qua con số bán cổ phần cho Alibaba trước đó. Hiện nay, với lợi nhuận thu về hàng chục tỷ đồng, bà đã trích một khoản nhỏ đóng góp vào các quỹ từ thiện cộng đồng.
Một sự thực chứng minh, kinh nghiệm kinh doanh của Trần Tiểu Anh rất phong phú, cách thức bà tìm cơ hội kinh doanh vô cùng nhạy bén. Trần Tiểu Anh là người tiên phong cũng như có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của lĩnh vực chuyển phát nhanh.
Trong suốt cuộc đời, sự chăm chỉ của bà có thể là do cuộc sống nghèo khó từ nhỏ, hoặc có thể là do tính cách mạnh mẽ của bà, nhưng bất kể từ góc độ nào, tinh thần dũng cảm đối mặt với những gập ghềnh trong cuộc sống của bà, thật đáng để tất cả chúng ta khâm phục.