A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Người chèo lái Viettel Store

Giai đoạn 2018-2019, Trung tâm Bán lẻ Viettel (Viettel Store), Công ty Thương mại và Xuất nhập khẩu Viettel, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội rơi vào giai đoạn cực kỳ khó khăn: Lượng hàng tồn lớn, kinh doanh không hiệu quả, tỷ lệ nhân viên nghỉ việc cao, lại thêm đúng thời điểm “chết lâm sàng” của rất nhiều doanh nghiệp trên cả nước bởi ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19...

Thế nhưng, sau 3 năm dưới sự chèo lái của Thiếu tá QNCN Đinh Thị Dung, Viettel Store đã hồi sinh, trở thành hệ thống bán lẻ thuộc tốp đầu cả nước với doanh thu và lợi nhuận luôn đạt ở mức cao kỷ lục...

“Vượt bão” 

Sau nhiều lần đặt lịch, chúng tôi mới có được cái hẹn với Thiếu tá QNCN Đinh Thị Dung, Giám đốc Viettel Store-có mạng lưới gần 400 đại lý nằm khắp 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Khoảng thời gian chị dành tiếp chúng tôi không dài, lại thường xuyên bị cắt ngang bởi những người vào xin chữ ký, những cuộc điện thoại xin ý kiến giải quyết công việc đột xuất từ các nơi gọi về. Chứng kiến cách chị xử lý công việc, chúng tôi cảm nhận rất rõ một nguồn năng lượng mạnh mẽ, tràn đầy nhiệt huyết, sự quyết đoán và táo bạo ở con người chị. Chia sẻ cảm nhận đó với Thiếu tá QNCN Đinh Thị Dung, chị hồn hậu trả lời: "Nếu chúng ta quyết tâm, mọi khó khăn đều sẽ có phương cách giải quyết".

Quả thực, sự “trở mình” ngoạn mục của Viettel Store trong 3 năm trở lại đây là minh chứng rõ nét cho điều chị nói.

Những năm 2017-2018, Viettel Store rơi vào giai đoạn khó khăn nhất. Để cứu vãn Trung tâm, Đảng ủy, Ban giám đốc Tập đoàn Viettel đưa ra quyết định vô cùng táo bạo: Giao vai trò chèo lái Viettel Store cho Thiếu tá QNCN Đinh Thị Dung kèm theo “tối hậu thư”: Phải bằng mọi cách làm “hồi sinh” Trung tâm.

Nhắc lại thời điểm đó, chị Dung kể: "Năm 2018, khi đang giữ cương vị Trưởng phòng Kế hoạch Kinh doanh của Công ty Thương mại và Xuất nhập khẩu Viettel, tôi được đồng chí Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel kiêm Giám đốc Công ty Thương mại và Xuất nhập khẩu Viettel trao đổi, động viên nhận nhiệm vụ tại Trung tâm. Thực trạng Trung tâm lúc đó nhiều người biết và bày tỏ sự lo ngại liệu tôi có “vượt bão” thành công. Chính tôi cũng cảm thấy rất băn khoăn, lo sợ... Nhưng rồi tôi cũng lại nghĩ đến trách nhiệm của một người đảng viên, đến sự tin tưởng và kỳ vọng của Ban lãnh đạo Công ty, của đồng nghiệp...".

Bắt tay vào nhiệm vụ, Thiếu tá QNCN Đinh Thị Dung mới cảm thấy rõ những vấn đề mà Viettel Store đang đối mặt.

Bất cứ ai làm trong lĩnh vực kinh doanh cũng hiểu rất rõ, nếu không xử lý được hàng tồn đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ không thể nào vượt lỗ. “Thay đổi hoặc là chết! Nếu không thay đổi, không nghĩ ra cách làm mới và quyết tâm thực hiện thì không bao giờ chúng tôi có thể vượt lỗ chứ đừng nói đến có lãi”, Thiếu tá QNCN Đinh Thị Dung nhớ lại.

Thiếu tá QNCN Đinh Thị Dung (mặc quân phục) kiểm tra hoạt động của một siêu thị Viettel tại Hà Nội. 

Có một điều hết sức may mắn là thời điểm ấy, Trung tâm Bán lẻ Viettel bắt đầu ứng dụng công cụ quản lý hàng hóa trên ERP (phần mềm quản trị bán lẻ), để quản lý tới từng chi tiết của hàng tồn như tuổi tồn, tình trạng tồn, kiểm soát chặt chẽ quy trình xuất, nhập. Nắm được điểm mạnh này, chị tiếp tục tăng cường triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành. Do đó, thông tin hàng hóa được xử lý hằng ngày, hằng tuần chứ không phải đến hằng tháng, hằng năm như trước, không để “hàng tồn xấu”. Bằng cách này, lượng hàng tồn từng bước được giải quyết một cách kịp thời, ổn thỏa, vốn được thu hồi nhanh và quay vòng hiệu quả. Từ cú vượt lỗ ngoạn mục đó, Trung tâm Bán lẻ Viettel được đánh giá là hệ thống bán lẻ kiểm soát hàng tồn kho tốt bậc nhất trong các doanh nghiệp bán lẻ điện thoại.

Hàng tồn đã tìm được biện pháp xử lý. Tiếp đó, để nâng cao hiệu quả của chuỗi bán lẻ, Thiếu tá QNCN Đinh Thị Dung áp dụng giải pháp mạnh: Cho đóng cửa hàng loạt đại lý hoạt động không hiệu quả. Đây cũng là một trong những quyết định khó khăn nhất của chị. Đề cập đến việc này, chị Dung chia sẻ: "Thú thật, mỗi lần đóng cửa một đại lý là một lần tôi đau thắt lòng. Thế nhưng ở thời điểm đó, có những siêu thị hoạt động không hiệu quả, vị trí lại không thuận lợi, khó có cơ hội hòa vốn, đời sống nhân viên không được bảo đảm. Dù đau lòng, song chúng tôi buộc phải đóng cửa để tập trung cho những siêu thị hoạt động tốt và có triển vọng".

Sau một thời gian bám nắm sát sao, Thiếu tá QNCN Đinh Thị Dung quyết định đề nghị lãnh đạo cho duy trì tiếp gần 300 siêu thị còn lại, chấp nhận có một số siêu thị chưa hiệu quả, để vẫn giữ được quy mô, vị trí cạnh tranh và lợi thế khi làm việc tới các đối tác. Tiếp đó, chị Dung tham mưu và đề xuất với Đảng ủy Công ty Thương mại và Xuất nhập khẩu Viettel và Đảng ủy Trung tâm áp dụng chính sách “đào tạo và phát hiện cán bộ”, mạnh dạn giao quyền cho cấp dưới, đồng thời gắn trách nhiệm với chỉ huy các đơn vị.

Với chị, đây là những quyết định vô cùng “cân não” thể hiện tư duy nhạy bén, sắc sảo và quyết liệt của người lãnh đạo liên quan đến vận mệnh của hàng nghìn con người trong toàn hệ thống. Đến thời điểm này, toàn bộ hệ thống siêu thị của Viettel Store đã hoạt động hiệu quả, tỷ lệ siêu thị lãi đạt hơn 90%.

Tối ưu hóa con người

Cùng với việc quyết định đóng cửa hàng loạt siêu thị trong toàn hệ thống, "nữ tướng" Viettel Store còn đương đầu với thách thức không kém phần khốc liệt: Quyết định tối ưu hơn 1.000 nhân sự. “Bấy giờ, cũng có nhiều ý kiến lo ngại rằng, tối ưu hơn 1.000 người, cụ thể là từ gần 4.000 người xuống còn hơn 2.000 người như vậy thì chất lượng chăm sóc khách hàng sẽ thế nào? Rủi ro thất thoát tiền hàng có tăng không?”, Thiếu tá QNCN Đinh Thị Dung cho biết. Những băn khoăn, lo ngại đó cũng có cơ sở, tuy nhiên, không bắt tay vào thực hiện thì sao biết được kết quả. Trong rất nhiều cuộc họp, Thiếu tá QNCN Đinh Thị Dung luôn khẳng định chắc nịch: “Chúng ta làm được”.

Ít người biết rằng, để nói ra 4 chữ đó, Đinh Thị Dung đã có sự tính toán rất kỹ về việc chuyển đội ngũ nhân viên bán hàng từ chuyên môn sang đa nhiệm.

Có nghĩa là, trước đây, tại các siêu thị bán lẻ, nhân viên bán hàng chỉ bán hàng, nhân viên làm dịch vụ chỉ làm dịch vụ, nhân viên kỹ thuật chỉ cài đặt máy, ngay cả kế toán, thanh toán quầy cũng là bộ phận riêng lẻ. Do đó, đôi khi khách vào gặp nhân viên bán hàng đầu tiên, nhưng muốn đổi dịch vụ lại được giới thiệu sang bàn dịch vụ. Nếu nhân viên dịch vụ bận, khách lại phải chờ. “Vì thế, tôi quyết định thay đổi mô hình, vừa yêu cầu, vừa động viên và thúc đẩy các nhân viên bán hàng của mình trở nên đa nhiệm”, Thiếu tá QNCN Đinh Thị Dung nhấn mạnh. Để đáp ứng mô hình chuyển đổi, thời gian đầu, chị cùng Ban giám đốc Trung tâm tăng cường mở những lớp bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo, huấn luyện, trao đổi kinh nghiệm cho đội ngũ nhân viên trong hệ thống.

Cách thức này đã góp phần tối ưu hóa con người trong quá trình làm việc. Nghĩa là, nếu như trước đây, một cửa hàng cần tới 10, thậm chí 12 người, thì giờ đây, chỉ với 5 người đã có thể đảm đương một siêu thị. Một nhân viên siêu thị sẽ có đủ cả chuyên môn để tư vấn, làm dịch vụ cho khách và ngay cả việc thanh toán cũng thực hiện được luôn. Điều này giúp cho nhân viên tự tin khi đón tiếp khách và giải quyết được mọi yêu cầu, thắc mắc của khách hàng, từ đó mang tới sự phục vụ khiến khách hàng hài lòng, làm gia tăng trải nghiệm khách hàng.

Cùng với tối ưu hóa con người, Trung tâm áp dụng cơ chế lương khoán, từ trả lương "cứng" và lương "mềm" sang bỏ lương "cứng", chỉ có lương "mềm" gắn với đơn giá lương theo sản phẩm, bán nhiều hưởng nhiều, bán ít hưởng ít, không bán được, Trung tâm sẽ bù lương tối đa 3 tháng, không thay đổi sẽ bị loại khỏi hệ thống.

Theo cách này, chất lượng dịch vụ tăng, nghiệp vụ của nhân viên nâng cao và nhất là đời sống của đội ngũ người lao động tại Trung tâm cũng tăng theo. Những yếu tố này giúp họ ngày càng tin tưởng và muốn cống hiến hết mình cho công việc.

Đi tới thành công

Quyết liệt thay đổi là yếu tố cốt lõi giúp Thiếu tá QNCN Đinh Thị Dung cùng Trung tâm Bán lẻ Viettel đạt được những thành tựu.

Điều này một lần nữa được chứng minh. Khi Trung tâm bắt đầu đi vào sự ổn định thì tiếp tục gặp cú sốc lớn: Đại dịch Covid-19 bùng phát trên cả nước. Có những thời điểm dịch căng thẳng, đặc biệt là trên địa bàn các tỉnh phía Nam, số lượng nhân viên trong hệ thống Viettel Store đi làm giảm chỉ còn 1/10 so với bình thường. Nhiều siêu thị đứng trước nguy cơ phải đóng cửa. Với vai trò người đứng đầu hệ thống, bài toán đặt ra cho Thiếu tá QNCN Đinh Thị Dung là làm thế nào để bảo đảm an toàn cho nhân viên mà kinh doanh vẫn hiệu quả.

Sau nhiều đêm thức trắng, lời giải bài toán đã được chị tìm ra, đó là chuyển đổi phương thức bán hàng từ offline sang online. Cùng với đó, cho nhân viên làm việc theo phương thức “3 tại chỗ”; chia ca theo tuần thay vì theo ngày, bàn giao ca theo hình thức online... Trong khi nhiều doanh nghiệp lao đao với đại dịch Covid-19 thì năm 2021, cách làm táo bạo, nhanh nhạy, quyết đoán của người đứng đầu Trung tâm trong chuyển đổi phương thức bán hàng đã đưa Viettel Store vượt lên, đứng vào tốp đầu các doanh nghiệp bán lẻ trên thị trường Việt Nam với doanh thu đạt gần 7.000 tỷ đồng, tăng gấp 1,5 lần, lợi nhuận tăng gấp 2,1 lần so với năm 2020, hoàn thành 176% kế hoạch.

Thế nhưng khi nói về những thành công của bản thân, Thiếu tá QNCN Đinh Thị Dung cho rằng: “Bản thân phải chịu trách nhiệm với mỗi quyết định đưa ra. Quyết định đó phải nhanh gọn, chính xác và phù hợp với từng thời điểm”. Quả đúng như vậy, trong kinh doanh, nếu người đứng đầu không có sự nhạy bén, quyết liệt, táo bạo với tư duy dám làm dám chịu sẽ rất dễ để vuột mất cơ hội và mất đi khách hàng thân thiết. Khó khăn là cơ hội để bứt phá-phương châm hành động đó đã đưa đến thành công cho người chèo lái Viettel Store: Nhiều năm liền, Trung tâm Bán lẻ Viettel nằm trong tốp 10 nhà bán lẻ uy tín trong nước; bản thân Thiếu tá QNCN Đinh Thị Dung 4 năm là Chiến sĩ thi đua cơ sở, Chiến sĩ thi đua toàn quân năm 2022, trở thành cá nhân điển hình xuất sắc Viettel toàn cầu năm 2021 và được đề nghị Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam khen thưởng điển hình tiên tiến Phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” trong Quân đội, giai đoạn 2017-2022.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết