Ứng dụng công nghệ thông tin: "Mũi nhọn đột phá" trong cải cách hành chính ngành Tài chính
Coi chất lượng và hiệu quả cải cách hành chính (CCHC) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, thời gian qua, bên cạnh việc đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính (TTHC), Bộ Tài chính đã chủ động, từng bước đưa ứng dụng công nghệ thông tin trở thành mũi nhọn đột phá trong CCHC, một công cụ hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý, điều hành ngân sách và tài chính.
Ứng dụng công nghệ thông tin vào CCHC góp phần lớn vào giảm chi phí, TTHC cho các doanh nghiệp, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh.
Dẫn đầu về ứng dụng công nghệ thông tin
Công tác CCHC của Bộ Tài chính ngày càng được quan tâm và đi vào nề nếp, chất lượng và hiệu quả công việc ngày một rõ nét hơn, góp phần vào thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung của Đất nước. Kết quả này đã thể hiện sự nỗ lực, cố gắng của Bộ Tài chính trong triển khai công tác CCHC 6 tháng đầu năm 2024.
Cùng với việc quyết liệt triển khai công tác CCHC, trọng tâm là công tác cải cách TTHC, Bộ Tài chính đã xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số một cách đồng bộ và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực tài chính. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước ngày càng được nâng lên và phát triển theo hướng hiện đại hóa đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước của Bộ.
Doanh nghiệp, người dân cũng thấy rõ lợi ích khi ngành Tài chính triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Các chương trình chuyển đổi số nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Các thủ tục đã được thực hiện vô cùng nhanh chóng, giúp cho thời gian hao phí trước đây tính bằng giờ, bằng ngày thì nay tính bằng phút.
TS. Nguyễn Đức Hiển - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã ghi nhận những kết quả đạt được trong chuyển đổi số ngành Tài chính. Theo TS. Nguyễn Đức Hiển, đến nay, việc triển khai chuyển đổi số, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của ngành Tài chính đã thu được nhiều kết quả nổi bật. Bộ Tài chính cũng là một trong những bộ ngành đầu tiên ban hành các văn bản định hướng nghiên cứu, thực hiện chuyển đổi số.
“Trong nhiều năm liên tiếp, Bộ Tài chính luôn dẫn đầu trong xếp hạng về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (chỉ số ICT Index). Các lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc luôn tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số với các kết quả ấn tượng”, TS. Nguyễn Đức Hiển nhận định.
Thời gian qua, Bộ Tài chính xác định đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) là ưu tiên hàng đầu trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số để tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Đến nay, 764 TTHC thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính đã được cung cấp DVCTT, trong đó: có 347 DVCTT toàn trình, 108 DVCTT một phần và 309 dịch vụ cung cấp thông tin cho tổ chức, cá nhân. Đồng thời, đã hoàn thành kết nối, tích hợp 284 DVCTT trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Tốc độ cải cách nhanh, khối lượng dịch vụ lớn
Thời gian qua, ngành Tài chính tiếp tục ghi dấu trong nỗ lực CCHC thông qua việc đạt được nhiều thành quả trong công tác hiện đại hóa lĩnh vực Thuế, Hải quan, Kho bạc.
Trong đó, đối với lĩnh vực Kho bạc, 100% TTHC lĩnh vực kho bạc đã được cung cấp DVCTT toàn trình và tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan đẩy mạnh thu phí, lệ phí và thu phạt trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng nộp ngân sách đối với nhà cung cấp nhằm tiết kiệm chi phí và thời gian tổ chức thu...
Đối với lĩnh vực hải quan, trước yêu cầu đẩy mạnh CCHC và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin của Chính phủ, việc ứng dụng công nghệ thông tin của ngành Hải quan đã có bước tiến lớn. Về triển triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, tính đến ngày 30/6/2024, đã có 250 TTHC của 13 bộ, ngành kết nối với 7,43 triệu bộ hồ sơ của hơn 72 nghìn doanh nghiệp. Về cơ chế một của ASEAN, Việt Nam tiếp tục trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước ASEAN...
Về Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS và các hệ thống công nghệ thông tin tập trung của ngành Hải quan, ngành Hải quan tiếp tục quản lý, giám sát và đảm bảo vận hành Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS và các hệ thống công nghệ thông tin tập trung của ngành Hải quan ổn định 24/7, đảm bảo an ninh, an toàn, đường truyền thông suốt phục vụ đắc lực cho việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.
Trong lĩnh vực thuế, ngành Thuế đã triển khai hệ thống hóa đơn điện tử tại 63 tỉnh, thành phố. Kết quả từ ngày 1/7/2022 đến ngày 30/6/2024, tổng số hóa đơn đã tiếp nhận và xử lý là gần 8,3 tỷ hóa đơn; Triển khai hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, tính đến ngày 30/6/2024, có 71.329 doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền thành công.
Về triển khai Chính phủ điện tử, Chính phủ số quốc gia, ngành Thuế đã triển khai thành công ứng dụng E-tax trên Mobile, số lượt tải, cài đặt, sử dụng ứng dụng eTax Mobile là 1.170.779 lượt, số giao dịch qua ngân hàng thương mại là 1.867.349 giao dịch với tổng số tiền đã nộp thành công 4.376 tỷ đồng. Đáng chú ý, cơ quan thuế đã triển khai Cổng Thông tin điện tử cho nhà cung cấp nước ngoài; tiếp nhận thông tin từ các sàn thương mại điện tử trong nước; Triển khai hệ thống tích hợp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...
Theo TS. Lê Duy Bình - Chuyên gia Kinh tế, Giám đốc Economica Vietnam, Bộ Tài chính là cơ quan có sự giao thoa, giao tiếp với doanh nghiệp nhiều nhất trong tất cả các bộ, ngành. Trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã nỗ lực thực hiện CCHC, tạo ra những thay đổi lớn trong cách thức làm việc của cơ quan thuộc Bộ cũng như các doanh nghiệp, từ đó tác động tích cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận Bộ Tài chính là đơn vị có tốc độ CCHC nhanh, khối lượng dịch vụ được cải cách lớn. Các doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều từ điều này, đơn cử như giảm tần suất phải nộp báo cáo tài chính; chuyển sang sử dụng thuế điện tử... Tất cả những cải cách này đã đóng góp rất lớn về giảm chi phí, TTHC cho các doanh nghiệp, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh.
Trong thời gian tới, ngành Tài chính sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong CCHC để xây dựng bộ máy tinh gọn; đội ngũ công chức đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ và ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 để hiện đại hóa hoạt động nhằm hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.