A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Tương lai của ngành công nghiệp chip toàn cầu

Doanh số máy tính cá nhân sụt giảm là lời giải thích rõ ràng cho lý do tại sao các bộ vi xử lý của AMD và Intel không có nhu cầu cao như thời kỳ đầu của đại dịch.

 

Theo The Verge, dấu hiệu suy thoái của ngành công nghiệp chip đã bắt đầu từ cuối mùa hè năm nay, khi hàng loạt sự cố liên quan đến tiền số khiến các công ty khai thác Bitcoin bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Gần như chỉ sau một đêm, nhu cầu card đồ họa đã giảm mạnh, dẫn tới việc giá phần cứng giảm gần một nửa so với đầu năm.

Tháng 8 vừa qua, Jensen Huang - CEO của Nvidia, thừa nhận rằng công ty đã sản xuất quá nhiều card đồ họa khiến họ phải bán chúng với giá thấp hơn. Tuy nhiên, Nvidia không đơn độc trong mớ hỗn độn này.

Chỉ mới năm ngoái, câu chuyện duy nhất về chip là các nhà sản xuất không thể sản xuất đủ để đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ về điện tử tiêu dùng, ô tô và các sản phẩm khác cần chất bán dẫn. Nhưng ngay cả khi tình trạng thiếu hụt một số loại chất bán dẫn vẫn đang tiếp tục, câu chuyện trở nên đa sắc thái hơn, đặc biệt là đối với những gã khổng lồ như Samsung và AMD. Đây là hai trong số các công ty đạt được mức doanh thu và lợi nhuận cao trong năm 2021 và đầu năm 2022.

Còn ở thời điểm hiện tại, họ đang chịu ảnh hưởng tương tự đợt "thủy triều" đã quét qua Nvidia và Intel trong mùa hè. Theo Bloomberg, trong tuần này, Samsung sẽ đưa ra dự báo cắt giảm 32% doanh số bán hàng, trong khi AMD cũng cảnh báo các nhà đầu tư rằng họ sẽ không đạt được doanh thu dự kiến trước đó là khoảng 1 tỷ USD.

Doanh số máy tính cá nhân (PC) sụt giảm là lời giải thích rõ ràng cho lý do tại sao các bộ vi xử lý của AMD và Intel không có nhu cầu cao như thời kỳ đầu của đại dịch. Khi đó, nhiều người phải nâng cấp máy tính xách tay, máy chơi game và các thiết bị phục vụ việc làm việc tại gia. Còn giờ đây, doanh số đã chậm lại.

Tương lai của ngành công nghiệp chip toàn cầu   - Ảnh 1.

Các nhà phân tích Gaurav Gupta, Joseph Unsworth và Jon Erensen của Gartner cho rằng các công ty OEM (nhà sản xuất thiết bị gốc) cũng đang phải đối mặt với vấn đề hàng tồn kho cao và nhu cầu thấp.

"Nhiều hãng máy tính đặt hàng gấp đôi so với nhu cầu. Kết quả là hàng tồn kho của các công ty OEM chất đống vào năm 2021 và nửa đầu năm 2022", họ cho biết thêm.

Mảng kinh doanh bộ nhớ và chip lưu trữ của Samsung đã giúp tập đoàn này vượt qua Intel để trở thành nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới năm 2018. Tháng 7 vừa qua, Intel báo lỗ với doanh thu sụt giảm 22% do nhu cầu PC thấp.

Trong khi đó, nhu cầu về chip các loại đạt đỉnh vào năm 2022 và những công ty như Samsung đã đạt doanh thu cao kỷ lục vào năm 2021 với lợi nhuận tăng 26% (so với mức cao trước đó vào năm 2020) nhờ việc nhu cầu về điện tử tiêu dùng như điện thoại thông minh và TV cao hơn.

Nhưng theo WJS, hiện giá hợp đồng đã giảm 15% với chip DRAM và 28% với chip NAND (hai linh kiện chính mà Samsung sản xuất). Dự đoán của TrendForce cho thấy mức giảm đó sẽ tiếp tục cho đến cuối năm 2023.

Bên cạnh đó, cũng có lo ngại bởi các lệnh hạn chế xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc. Các nhà phân tích của Gartner cho rằng điều này sẽ làm chậm tiến độ của các công ty Trung Quốc và ảnh hưởng đến mục tiêu dài hạn của họ là tự chủ ngành công nghiệp bán dẫn.

Quy định mới sẽ yêu cầu những nhà sản xuất như Intel và Micron phải có giấy phép xuất khẩu chất bán dẫn và thiết bị sản xuất chip cho các công ty Trung Quốc.

Nguồn: The Verge


Tác giả: Mộc Tiên
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết