A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Công nghệ và trách nhiệm

Nhằm tăng cường sự tương tác, gắn kết giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền các cấp tại Thủ đô, UBND TP Hà Nội đã cho ra mắt ứng dụng “Công dân Thủ đô số-iHanoi”.

Đây là một phần mềm có thể dễ dàng cài đặt trên điện thoại di động chỉ bằng một vài thao tác đơn giản. Bên cạnh việc cung cấp các thông tin về chính sách, một điều gây ấn tượng là ứng dụng iHanoi đã tích hợp chức năng phản ánh hiện trường để người dùng có thể phản ánh những vấn đề vi phạm về an ninh, trật tự xã hội, cơ quan chức năng sẽ tiếp nhận ý kiến, xác minh và có phản hồi tới người dân ngay trên phần mềm.

Ảnh minh họa: chinhphu.vn 

Để triển khai ứng dụng iHanoi tới người dân và đội ngũ cán bộ các cấp một cách nhanh chóng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ban hành công điện yêu cầu các địa phương thuộc thành phố triển khai cài đặt ứng dụng cho 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý trước ngày 30-7. Điều này cho thấy nỗ lực và quyết tâm rất lớn của TP Hà Nội trong việc thực hiện đồng thời hai mục tiêu là thúc đẩy chuyển đổi số và gắn kết người dân với chính quyền thành phố.

Cùng với TP Hà Nội, nhiều địa phương trên cả nước đã tích cực triển khai ứng dụng trên các nền tảng số với mong muốn thúc đẩy giao tiếp và hỗ trợ người dân một cách tối đa trong việc tiếp cận thông tin cũng như các chủ trương, chính sách của chính quyền các cấp. Có thể kể đến ứng dụng công dân số “My Ninh Bình” của tỉnh Ninh Bình; ứng dụng “Lào Cai số” trên nền tảng Zalo của tỉnh Lào Cai... Những ứng dụng này khi ra mắt đều được đông đảo người dân địa phương hưởng ứng và bước đầu đã phát huy hiệu quả nhất định.

Tuy nhiên, phần mềm hay công nghệ dù có hiện đại đến mấy cũng chỉ là công cụ hỗ trợ, người dân dù có tích cực phản ánh thông tin qua ứng dụng nhưng nếu cán bộ, công chức, viên chức không nêu cao trách nhiệm trong xử lý các phản ánh của người dân thì hiệu quả của các ứng dụng tương tác sẽ rất thấp. Vì vậy, vai trò của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở các bộ, ngành, địa phương trong việc giải đáp, xử lý những vướng mắc, phản ánh của người dân là yếu tố quyết định. 

Để nâng cao hiệu quả trong việc gắn kết người dân với chính quyền thì cán bộ các cấp cần thực hiện chức trách, nhiệm vụ trên tinh thần lời dạy của Bác Hồ: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Cần chủ động, sâu sát hơn nữa trong việc bám dân, chia sẻ và nắm bắt thông tin từ người dân chứ không đợi đến khi người dân phản ánh rồi mới vào cuộc. Đội ngũ cán bộ cấp phường, xã, tổ dân phố là lực lượng gần với người dân nhất, có thể bám nắm được hầu hết các vấn đề tại nơi mình sinh sống và phụ trách. Vì vậy, cán bộ cấp xã, phường, tổ dân phố cần tăng cường quan sát, trò chuyện, chia sẻ, để từ đó nắm được những khó khăn, vướng mắc với người dân, những vấn đề đang đặt ra.

Bên cạnh đó, với các vi phạm đã được người dân, doanh nghiệp phản ánh, chính quyền địa phương cần nhanh chóng kiểm tra, xác minh và có biện pháp xử lý nghiêm minh, khách quan, kịp thời. Chỉ có như vậy, lòng tin mới được giữ vững, qua đó góp phần củng cố bền chặt mối liên kết giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương.

HOÀNG CHUNG


Tags: công nghệ
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết