A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Bình Dương: Nhiều kết quả tích cực trong công tác chuyển đổi số

Trong 6 tháng đầu năm, công tác chuyển đổi số được UBND tỉnh Bình Dương tập trung, chỉ đạo, đẩy mạnh thực hiện. Nhiều mục tiêu trong chính quyền số, kinh tế số, xã hội số… đã được triển khai thực hiện có hiệu quả…

6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Bình Dương đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác chuyển đổi số. Ảnh: A.X

Theo UBND tỉnh Bình Dương, trong lĩnh vực chính quyền số, hạ tầng viễn thông trong tỉnh đã được các doanh nghiệp viễn thông tiếp tục đầu tư, nâng cấp hoàn thiện hạ tầng đảm bảo nhu cầu kết nối băng rộng cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Đến nay, toàn tỉnh có trên 3.000 trạm phát sóng 3G/4G và mạng truyền dẫn cáp quang đã đến cấp khu ấp, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ băng rộng cho người dùng; tốc độ băng rộng di động trung bình đạt 50Mbps, băng rộng cố định đạt 114Mbps.

Mạng truyền số liệu chuyên dùng băng thông rộng cho các cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn tỉnh phủ đến cấp xã với hơn 184 điểm kết nối, đảm bảo cho các kết nối đến ứng dụng nội bộ của tỉnh.

Trung tâm dữ liệu tỉnh đã hoàn thành kết nối và đưa vào khai thác có hiệu quả các dịch vụ liên quan đến cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đáp ứng các yêu cầu về an toàn thông tin theo hướng dẫn Bộ Thông tin và Truyền thông.

Hiện tại trung tâm dữ liệu chính đã được đầu tư bổ sung trang thiết bị, đánh giá an toàn thông tin, gia hạn bản quyền và phối kết hợp với trung tâm dữ liệu dự phòng (theo hướng thuê dịch vụ) để đảm bảo vận hành các cơ sở dữ liệu để kết nối, chia sẻ gồm: Thông tin đất đai; thông tin quy hoạch đô thị; doanh nghiệp; cán bộ công chức viên chức; hộ tịch; công thương; thông tin quản lý ngành Giáo dục và Đào tạo (đã áp dụng chữ ký số vào ký học bạ điện tử); văn hóa, du lịch; thông tin quản lý dữ liệu ngành Y tế...

Các hệ thống thông tin dùng chung như hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc; hệ thống thư công vụ; cổng thông tin điện tử tỉnh; hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh; hệ thống đường dây nóng tiếp nhận, trả lời phản ánh kiến nghị đang được triển khai giai đoạn 2. Trong đó, có bổ sung các tính năng mới đáp ứng các quy định và yêu cầu người dùng trong quá trình sử dụng.

Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) của tỉnh đã thu thập, kết nối dữ liệu và tích hợp lên hệ thống IOC hơn 1.039 chỉ số ở 27 lĩnh vực kinh tế - xã hội. Triển khai kết nối dữ liệu chia sẻ từ trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ - Văn phòng Chính phủ gồm thu ngân sách Nhà nước của tỉnh so với kế hoạch năm chính phủ giao; so sánh với vùng kinh tế - xã hội; so sánh với toàn quốc; số liệu về tỷ giá trung tâm. Các huyện, thị xã, thành phố cũng đang triển khai xây dựng, thành lập trung tâm giám sát, điều hành thông minh cấp huyện.

Thực hiện số hóa hệ thống báo cáo kinh tế xã hội tỉnh và kết nối liên thông hệ thống báo cáo cấp tỉnh với hệ thống báo cáo quốc gia, đến nay đã nhận 8 mẫu báo cáo từ hệ thống báo cáo quốc gia để thực hiện trên địa bàn tỉnh…

Đối với lĩnh vực kinh tế số, số doanh nghiệp công nghệ số (cung cấp dịch vụ CNTT và các dịch vụ số khác) trên địa bàn tỉnh là 8.705/62.000 doanh nghiệp. Tỉnh đã tổ chức hội thảo về chuyển đổi số để tuyên truyền, định hướng cho các doanh nghiệp thực hiện, đặc biệt chú trọng vào doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Các địa phương trong tỉnh cũng đã triển khai tuyến đường thanh toán không dùng tiền mặt để thúc đẩy phát triển công dân số trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông ký kết hợp tác với 7 đơn vị cung cấp chữ ký số miễn phí (đã cung cấp hơn 10.000 chữ ký số miễn phí cho người dân).

Trong lĩnh vực xã hội số, hiện nay có 82% người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính hợp pháp khác; 89% người dân biết kỹ năng về CNTT và truyền thông. Đến nay có hơn 580 tổ công nghệ số cộng đồng với hơn 3.300 thành viên, bước đầu hỗ trợ người dân trong công tác chuyển đổi số; đang mở rộng phạm vi tổ công nghệ số cộng đồng đến các tổ chức đoàn thanh niên, công đoàn...

Hệ thống đường dây nóng tiếp nhận, trả lời phản ánh kiến nghị và điều phối cấp cứu ngoại viện và ứng dụng Bình Dương Số cung cấp đa dạng các kênh, tiện ích hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, giúp gia tăng kết nối, tương tác giữa Chính quyền với người dân, doanh nghiệp.

UBND tỉnh Bình Dương cũng đã chỉ đạo ngành Thông tin và truyền thông tỉnh ký kết với Tỉnh đoàn để triển khai mở rộng tổ công nghệ số cộng đồng để cung cấp nguồn lực phục vụ phát triển xã hội số, công dân số…


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết