“Số hóa” phương tiện công cộng – Hướng phát triển thành phố thông minh của Hà Nội
Việc đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông minh trong việc quản lý và điều hành xe buýt, đường sắt trên cao thời gian qua đã cải thiện đáng kể các tiện ích dành cho hành khách sử dụng. Điều này đang giúp phương tiện công cộng thu hút thêm hành khách, cũng như hướng tới phát triển Hà Nội trở thành thành phố thông minh và hiện đại.
Chuyển đổi là tất yếu
TP Hà Nội hiện có hệ thống vận tải hành khách công cộng quy mô và hiện đại nhất Việt Nam với mạng lưới xe buýt dày đặc với 154 tuyến, 2 tuyến đường sắt đô thị đang hoạt động, thu hút hàng trăm nghìn hành khách sử dụng hằng ngày. Xe buýt và đường sắt đô thị là hai loại hình vận tải văn minh, tiện ích có trong mọi đô thị hiện đại.
Mặc dù khái niệm đường sắt đô thị không còn mới mẻ đối với người dân Hà Nội, nhưng khi đưa vào sử dụng vẫn gây ấn tượng mạnh, phấn khích. Đối với nhiều hành khách, trải nghiệm dịch vụ tiện ích hiện đại, không phải chịu cảnh tắc đường và được ngắm nhìn Hà Nội từ trên cao là điều hoàn toàn khác lạ.
Một điểm đặc biệt khác là toàn bộ hệ thống nhà ga, vận hành tàu, công tác an ninh đều được tự động hóa tạo ra sự thuận tiện cho người dân. Tại các nhà ga, trên các đoàn tàu, thông tin về hành trình và thời gian được hiển thị chính xác. Chính vì thế, không quá ngạc nhiên khi các tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông và đoạn trên cao Nhổn - Ga Hà Nội đi vào khai thác trong thời gian ngắn đã đón hàng triệu lượt khách sử dụng.
Thói quen sử dụng phương tiện công cộng đang dần hình thành trong một bộ phận người dân Hà Nội. |
Để thuận tiện hơn cho hành khách, nhiều công nghệ tiên tiến đã được áp dụng để giúp hành khách không cần mang vé cũng có thể sử dụng dịch vụ. Cụ thể, tuyến đường sắt trên cao Nhổn - Ga Hà Nội đã ứng dụng công nghệ diện khuôn mặt người mua vé tháng để tránh tình trạng cho mượn hay mất vé.
Không chỉ đường sắt đô thị, hệ thống xe buýt Hà Nội cũng đang dần thay đổi với nhiều ứng dụng thông minh, tiện ích như: Busmap hay thẻ vé điện tử, mua vé trực tuyến trên web… Đặc biệt, hành khách có thể sử dụng vé điện tử mà không cần kết nối internet trên toàn hệ thống tuyến.
Những ứng dụng này giúp hành khách tìm lộ trình di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng trong thành phố. Tính năng kết hợp xe buýt và xe công nghệ gợi ý hành khách lộ trình di chuyển, kèm theo gợi ý về chi phí cho chuyến đi; cung cấp cho hành khách các chỉ dẫn cụ thể về cách thức di chuyển từ điểm xuất phát đến điểm đến, giúp hành khách biết chính xác vị trí của mình.
Ngoài ra, các ứng dụng sử dụng cho xe buýt ở Thủ đô còn có một số tính năng tra cứu tuyến xe; theo dõi và thông báo xe đến điểm dừng; thông tin thời gian thực xe đến điểm dừng; tìm xe theo biển số xe; góp ý, phản ánh về chất lượng dịch vụ.
“Để việc chuyển đổi số trong vận hành các phương tiện giao thông công cộng cần có sự đồng bộ, tích hợp tất cả tiện ích, phương tiện công cộng, đặc biệt là xe buýt phải được sự ưu tiên trên đường phố. Việc di chuyển thuận lợi, nhanh chóng cùng với những tiện ích mà việc chuyển đổi số đem lại chắc chắn sẽ thu hút hành khách sử dụng phương tiện giao thông công cộng”, chuyên gia giao thông, Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Thắng đánh giá.
Thay đổi thói quen của người dân khi sử dụng phương tiện công cộng
Chị T.H.N, nhân viên văn phòng làm việc tại phố Cát Linh, Hà Nội chia sẻ: “Tôi gắn bó với phương tiện công cộng đã 2 năm nay. Hằng ngày, tôi di chuyển bằng tàu điện từ Ga Yên Nghĩa lên tới Ga Cát Linh và mất thêm khoảng 5 phút đi bộ để tới chỗ làm. Hiện nay, qua ứng dụng trên điện thoại, tôi có thể biết được các tuyến tàu điện nào sắp đến ga để chuẩn bị thời gian đi lại cho hợp lý”.
Theo chị T.H.N, nhờ việc ứng dụng công nghệ thông minh, đặc biệt là ứng dụng trên điện thoại là một trong những lý do chị lựa chọn phương tiện công cộng thay vì phương tiện cá nhân.
Việc ứng dụng công nghệ hiện đại và tiện ích đã thu hút người dân Thủ đô đến với phương tiện công cộng nhờ sự tiện lợi và dễ sử dụng. |
Sinh viên Đào Minh Tuấn, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: “Hằng ngày em sử dụng xe buýt để đi lại. Mới đây, việc mua vé xe trực tuyến qua ứng dụng đã tiết kiệm nhiều thời gian, chỉ cần một vài thao tác, tem vé xe buýt sẽ được giao đến tận nhà”.
Việc ứng dụng công nghệ trong việc quản lý và điều hành hệ thống giao thông công cộng không chỉ mang lại lợi ích cho hành khách mà đang góp phần vào công tác cải cách hành chính của TP Hà Nội, góp phần bảo vệ môi trường, giảm chi phí phát sinh.
Đại diện Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội đánh giá, vận tải hành khách công cộng đang đứng trước những thách thức rất lớn, số lượng hành khách chưa đạt kỳ vọng. Vì thế, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ chính là yếu tố sống còn để thu hút hành khách.
Việc áp dụng các công nghệ thông minh và chuyển đổi số góp phần gia tăng tiện ích, giúp hành khách dễ tiếp cận và sử dụng dịch vụ. Đây cũng là kênh thông tin quan trọng để hành khách phản ánh, đánh giá về chất lượng dịch vụ; từ đó là căn cứ để chấm điểm các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng.
Hiện ngành Giao thông Thủ đô đang triển khai “Đề án giao thông thông minh”, Busmap Hà Nội, hệ thống thẻ vé điện tử cho xe buýt, triển khai hệ thống phần mềm GPS chính là những bước đi đầu tiên trong quá trình chuyển đổi số trên tinh thần lấy người dân, hành khách là trung tâm phục vụ, từng bước xây dựng hệ thống giao thông thông minh.
Theo chuyên gia giao thông, Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Thắng, TP Hà Nội đã và đang triển khai nhiều nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng. Mục tiêu của các nghiên cứu là từng bước chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng hoạt động quản lý và đưa giao thông công cộng thành phương tiện đi lại chính, thuận tiện cho người dân. Trong tương lai, các phương tiện công cộng nói riêng và giao thông nói chung sẽ áp dụng công nghệ nhiều hơn, tạo nên hệ thống giao thông thông minh, xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại hơn.
PHƯƠNG THẢO