A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Tuyên truyền, giáo dục pháp luật để người lao động tự bảo vệ mình tốt hơn

Sáng 10/12, Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 04b/NQ-TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong công nhân, viên chức, lao động trong tình hình mới.

Theo ông Phùng Thái Quang, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giúp công nhân, người lao động hiểu rõ, ý thức hơn từ đó tự bảo vệ mình, tự phát hiện những vấn đề chưa đúng trong quá trình lao động cũng như đời sống xã hội. Đồng thời khẳng định nếu cả hai bên (gồm người lao động và người sử dụng lao động) cùng hiểu và tuân thủ pháp luật sẽ xây dựng được mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.

Chia sẻ thực trạng 10 năm thực hiện công tác tuyên truyền của các cấp Công đoàn trong công nhân, viên chức, lao động, ông Phùng Thái Quang chỉ ra nhiều điểm mạnh, cách làm mới, đa dạng, phù hợp, góp phần đưa chính sách, pháp luật vào thực tiễn đời sống xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn một số nơi việc triển khai chưa thật sự phù hợp, chưa đa dạng do vậy cần tiếp tục đổi mới phương thức, hình thức tuyên truyền; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để truyền tải chính sách pháp luật nhanh, dễ hiểu và dễ thực hành.

Định hướng giải pháp hiệu quả hoạt động này thời gian tới, ông Phùng Thái Quang yêu cầu, các cấp Công đoàn tăng cường thực hiện chính sách pháp luật liên quan đến người lao động; chú trọng bảo vệ người lao động, nhất là lực lượng lao động nghiệp đoàn trong tình hình mới, chịu tác động từ kinh tế toàn cầu…

Bà Nguyễn Thị Bích Liên, Phó Chủ tịch Công đoàn viên chức Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị đã xây dựng “Kênh tư vấn pháp luật online”, thành lập “Văn phòng tư vấn pháp luật”; ký kết liên tịch nhiều sở, ngành liên quan thực hiện hiệu quả chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động. Công đoàn tổ chức nhiều hội thi, hội thảo tìm hiểu pháp luật, phiên tòa giả định, ngày hội giải quyết thủ tục hành chính…, qua đó giải quyết nhu cầu cấp thiết của người lao động, người sử dụng lao động.

Theo Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, qua 10 năm triển khai thực hiện, có 98% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy định của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Có hơn 85% cán bộ, đoàn viên Công đoàn, công nhân, viên chức, lao động được phổ biến Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp… Qua đó đã có 11.978/16.663 doanh nghiệp ký thỏa ước lao động tập thể (đạt 71,8%), trong đó nhiều thỏa ước có chất lượng cao hơn, tiến bộ hơn với nội dung có lợi cho người lao động.

Các cấp Công đoàn Thành phố phối hợp trang bị 757 phòng đọc sách, thư viện với 7.772 tủ sách, kệ sách các loại phục vụ công nhân, viên chức, lao động); trên 60,15% khu nhà trọ, doanh nghiệp có đông công nhân được trang bị
“Giỏ sách pháp luật, “Tủ sách pháp luật” góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động. Đặc biệt, qua 10 năm thực hiện, đội ngũ cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động bước đầu có chuyển biến về nhận thức, tích cực lao động, sản xuất, học tập nâng cao trình độ học vấn, tay nghề, có ý chí phấn đấu vươn lên, ý thức xây dựng tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động…

Dịp này, Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh tặng Bằng khen cho nhiều tập thể có thành tích trong công tác triển khai thực hiện nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong công nhân, viên chức, lao động trong tình hình mới./.

Thanh Vũ


Tác giả: Phan Thanh Vũ
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết