A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần vẫn gia tăng

Thảo luận tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15-5, các đại biểu đề cập đến tình trạng số người rút bảo hiểm xã hội một lần liên tục tăng, tháng 4 có gần 122.000 người rút, tăng gần 39% so với trung bình của cả quý I năm 2024....

Sáng 15-5, tiếp tục Phiên họp thứ 33, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 4-2024; tham gia ý kiến dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV. 

Cử tri đánh giá cao công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Báo cáo tại phiên họp, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho hay, cử tri và nhân dân đánh giá rất cao công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Theo đó, công tác này tiếp tục đạt được kết quả quan trọng, toàn diện, “nói đi đôi với làm”, thật sự không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai. Tại báo cáo gửi tới Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến kiến nghị với Đảng, nhà nước cần tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền thống nhất nhận thức, tạo đồng thuận cao hơn nữa trong cán bộ, công chức, viên chức, nhất là trong các tầng lớp nhân dân về các chủ trương phát triển kinh tế, xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

Bên cạnh đó, kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm minh đối với tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ, xuyên tạc sự thật làm “nhiễu” thông tin, nhất là các thông tin “xấu, độc” hòng chia rẽ, gây mất đoàn kết nội bộ, bôi nhọ, làm giảm sút uy tín của lãnh đạo, ảnh hưởng đến sự nghiệp chung của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nêu rõ, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, đã có 2.216 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó một số lĩnh vực được nhiều cử tri quan tâm như: Lao động, thương binh và xã hội; y tế; giao thông vận tải; giáo dục, đào tạo; nông nghiệp, nông thôn…

Đến nay, 2.204/2.216 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 99,5%. Tiếp thu kiến nghị của cử tri, Quốc hội đã có nhiều cải tiến, đổi mới trong công tác xây dựng luật để các luật sau khi được ban hành bảo đảm tính khả thi, thực hiện ổn định, lâu dài. Hoạt động giám sát tiếp tục thể hiện sự đổi mới liên tục, giám sát có trọng tâm, trọng điểm về những nội dung bức xúc nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm...

Tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần vẫn gia tăng

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đề cập đến tình trạng số người rút bảo hiểm xã hội một lần liên tục tăng, tháng 4 có gần 122.000 người rút, tăng gần 39% so với trung bình của cả quý I năm 2024. Vấn đề này đặt ra yêu cầu nâng cao trách nhiệm, hiệu quả của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong việc thực hiện công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội cho người lao động, nhất là trong bối cảnh dự thảo sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội có những quy định theo hướng chặt chẽ hơn để giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Đề cập đến vấn đề người lao động rút bảo hiểm một lần, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh: “Rút bảo hiểm xã hội một lần vẫn là vấn đề rất day dứt”. Đồng thời cho biết, số người tham gia bảo hiểm xã hội tiếp tục có xu hướng tăng so với năm trước nhưng tốc độ chậm lại. Mặt khác, việc rút bảo hiểm xã hội một lần vẫn là lựa chọn của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, thôi việc, mất việc làm.

Toàn cảnh Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Lý giải nguyên nhân, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi, phần lớn là do người lao động gặp khó khăn trước mắt và chưa nhận thức được các lợi ích dài hạn của bảo hiểm xã hội, chính sách bảo đảm an sinh xã hội.

Nêu giải pháp cho vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức về lợi ích và các quyền lợi của người lao động trong quá trình tham gia bảo hiểm xã hội. Đồng thời, tăng cường nghiên cứu sửa Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng tăng các chính sách cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn; tăng quyền lợi của người hưởng chính sách bảo hiểm xã hội để giữ chân người lao động ở lại trong hệ thống.

Kết luận phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, báo cáo kết quả giám sát cần làm rõ thêm những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết và trách nhiệm của các bộ, ngành, rõ về nguyên nhân, đề ra biện pháp, giải pháp sớm hoàn thành việc xử lý kiến nghị còn tồn đọng, nhất là Kỳ họp thứ bảy của Quốc hội sắp diễn ra, các ngành chức năng, các địa phương cần quan tâm đồng bộ giải quyết các tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân. Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội đặc biệt nhấn mạnh đến việc Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi cần quyết liệt, quyết tâm để được thông qua tại Kỳ họp thứ bảy sắp tới. 

THU HƯƠNG

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết