A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Việc điều phối ngăn chặn, xử lý tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác được pháp luật quy định như thế nào?

Bạn đọc Doãn Hà Linh ở phường Tam Thanh, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn, hỏi: Việc điều phối ngăn chặn, xử lý tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 6 Nghị định số 91/2020/NĐ-CP ngày 14-8-2020 của Chính phủ. Cụ thể như sau:
1. Thông tin, dữ liệu từ hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác và các nguồn thông tin, dữ liệu khác được sử dụng để điều phối xử lý, ngăn chặn tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác.
2. Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục An toàn thông tin) là cơ quan điều phối ngăn chặn, xử lý tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác.
3. Tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet, thư điện tử và người quảng cáo có trách nhiệm tuân thủ các yêu cầu điều phối ngăn chặn, xử lý tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục An toàn thông tin).
* Bạn đọc Vũ Thị Thanh ở xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, trách nhiệm của người giải quyết khiếu nại trong việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật được quy định như thế nào?

Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Điều 31 Nghị định số 124/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể như sau:
1. Chậm nhất là 5 ngày làm việc, kể từ ngày quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, người giải quyết khiếu nại có trách nhiệm áp dụng các biện pháp để thực hiện hoặc có văn bản chỉ đạo cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật. Văn bản chỉ đạo nêu rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức thi hành; cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hiện; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; nội dung, thời hạn phải thực hiện; việc báo cáo kết quả thực hiện với người giải quyết khiếu nại.
2. Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có trách nhiệm tự mình hoặc giao cho cơ quan, tổ chức có liên quan thi hành hoặc cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật. Trường hợp phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ, không kịp thời quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật thì áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền để xử lý kịp thời, nghiêm minh. Trường hợp vượt quá thẩm quyền thì kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý.

QĐND

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết