Pháp luật và cuộc sống: Bào chữa cho người phạm tội dưới 18 tuổi
Chiều muộn, tôi sắp xếp công việc để ra về thì văn phòng báo có khách. Tôi không ngờ vị khách ấy lại là Thư, bạn học thời phổ thông với tôi. Thế mà đã hơn 20 năm chúng tôi mới gặp lại nhau.
Sau những câu chuyện xã giao, Thư trình bày: Con trai của Thư năm nay chưa đủ 18 tuổi, vừa qua cháu bị một nhóm người lớn tuổi rủ đi khai thác vườn cây tràm, cây keo của người khác trồng trái phép trên đất xâm canh chưa được phép của chính quyền để bán lấy tiền tiêu xài. Ngoài ra còn dùng hung khí khống chế, hăm dọa, uy hiếp tinh thần người nhà của hộ dân này, đuổi họ ra khỏi rẫy để chiếm đoạt vườn nhãn, vườn vải của họ. Cơ quan chức năng đã khởi tố, điều tra và chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử. Thư không hiểu vì sao mà con trai của Thư bị khởi tố về hai tội danh. Thư hỏi tôi trường hợp con của Thư có được chỉ định người bào chữa không và Thư không phải là luật sư thì có được tham gia bào chữa cho con của mình hay không? Kiểm tra nhanh những tài liệu do Thư cung cấp, tôi giải thích:
Việc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng khởi tố, điều tra, truy tố và đưa ra xét xử con trai của Thư về hai tội danh là có căn cứ. Bởi vì mặc dù đất xâm canh của hộ dân nói trên chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng những tài sản gắn liền trên đất do họ trồng và xây dựng như cây keo, vải, nhãn và một số loại cây ăn quả... là tài sản thuộc quyền sở hữu của họ. Như vậy, những ai có hành vi lợi dụng sự vắng mặt của họ khai thác cây trồng của chủ sở hữu là phạm tội “trộm cắp” theo quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017; còn hành vi dùng hung khí khống chế, hăm dọa, uy hiếp tinh thần người nhà của hộ dân này, đuổi họ ra khỏi rẫy để chiếm đoạt vườn nhãn, vườn vải là phạm tội “cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 170 cũng bộ luật trên.
Ảnh minh họa / VoV.vn |
Trường hợp con trai của Thư khi phạm tội chưa đủ 18 tuổi, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 76 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải yêu cầu hoặc đề nghị đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử người bào chữa; hoặc trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư bào chữa; hoặc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cử bào chữa viên nhân dân bào chữa.
Con trai của Thư, Thư hoặc chồng của Thư (cha của cháu) có quyền từ chối việc chỉ định người bào chữa của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà yêu cầu tổ chức hành nghề luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý bằng hình thức của luật sư bào chữa. Ngoài ra, tự Thư, chồng Thư hoặc cả hai vợ chồng Thư cùng đăng ký bào chữa cho con của Thư; hoặc cùng lúc cả 4 người (luật sư chỉ định, luật sư do Thư mời, Thư và chồng Thư) cùng bào chữa đều được.
Như đã phân tích trên, thì việc Thư đăng ký bào chữa cho con của Thư được pháp luật quy định. Cụ thể, tại điểm b khoản 2 Điều 72 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015: “Người bào chữa có thể là người đại diện của người bị buộc tội nếu họ không vi phạm khoản 4 điều này quy định về những người không được bào chữa”. Trong trường hợp này, Thư không có chứng chỉ hành nghề luật sư vẫn có thể trở thành người bào chữa cho con của mình.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 78 Bộ luật Tố tụng Hình sự thì khi Thư là mẹ đăng ký bào chữa cho con dưới 18 tuổi phải xuất trình chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân kèm theo bản sao có chứng thực và giấy tờ có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về mối quan hệ mẹ con giữa Thư và con.
Sau khi trò chuyện và trao đổi, Thư nói sẽ làm thủ tục đăng ký bào chữa cho con nhưng cũng rất mong muốn tôi bào chữa cho cháu. Trước đề nghị của cô bạn học cũ và nhận thấy có căn cứ để bào chữa nên tôi nhận lời bào chữa miễn phí.
Luật sư ĐÀO KHOA THỨC