A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

LTS: Việc sửa đổi Luật Đất đai có liên quan trực tiếp tới quyền, lợi ích, trách nhiệm của công dân và chủ thể trong xã hội. Do đó, ngày 23-12-2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo kế hoạch, việc lấy ý kiến nhân dân sẽ được tiến hành đến hết ngày 15-3-2023. Một số vấn đề trọng tâm được đưa ra để lấy ý kiến của nhân dân về dự thảo luật, gồm: (1) Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; (2) Thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; (3) Phát triển quỹ đất; (4) Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; (5) Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; (6) Cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; (7) Chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; (8) Phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; (9) Hộ gia đình sử dụng đất.

Thời gian qua, Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Để hưởng ứng nội dung rất quan trọng này, từ số báo hôm nay, Báo Quân đội nhân dân mở chuyên mục “Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)" để đăng tải các ý kiến góp ý về dự thảo luật. Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về địa chỉ thư điện tử: kinhte@qdnd.vn hoặc kinhtebqd@gmail.com.

Ảnh minh họa: Thanh Vũ/TTXVN 

TS Nguyễn Hữu Dũng, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân:

Bảo đảm giá đất phù hợp với thị trường và không chịu chi phối từ các nhóm lợi ích

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này được xem như là chuyển từ cách tiếp cận giá đất được ấn định từ trên xuống, sang hướng dựa vào thị trường để xác định giá đất. Dự thảo cũng đưa ra 5 phương pháp xác định giá đất và các điều luật cũng định hướng cách áp dụng những phương pháp này trong các điều kiện cụ thể. Điều 154 dự thảo luật quy định: “Căn cứ nguyên tắc, phương pháp định giá đất, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm giúp UBND cấp tỉnh xây dựng bảng giá đất, được thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất để xây dựng bảng giá đất; trình Hội đồng Thẩm định bảng giá đất; căn cứ kết quả của Hội đồng Thẩm định bảng giá đất trình UBND cấp tỉnh để trình HĐND cấp tỉnh thông qua bảng giá đất trước khi UBND cấp tỉnh quyết định ban hành”. Đây là bước tiến mới vì cập nhật hơn, nhưng có lẽ vẫn chưa phải là một giải pháp đột phá theo đúng nghĩa vì bản thân phương pháp định giá này đứng một mình chưa giải quyết được tận gốc rễ vấn đề.

Thứ nhất, trong dự thảo luật đã bỏ khung giá đất, nhưng phương pháp xác định giá đất chỉ quy định rất đơn giản là giao “Chính phủ quy định chi tiết”. Trong luật nên quy định có tính chất định hướng, tính nguyên tắc về các phương pháp xác định giá đất một cách cơ bản. Trên cơ sở đó, Chính phủ tiếp tục cụ thể hóa các phương pháp định giá đất một cách linh hoạt và chính xác.

Thứ hai, giá đất được quyết định bởi các yếu tố như địa điểm, có thể sử dụng vào mục đích gì... đòi hỏi những hiểu biết sâu về khu vực đó để có thể định giá chính xác. Để đưa bảng giá đất sát với giá thị trường cần cho phép thành lập cơ quan định giá đất độc lập để hỗ trợ xây dựng bảng giá đất, thẩm định lại kết quả xác định giá đất, điều chỉnh khi có biến động. Như vậy, giá đất mới bảo đảm được tính độc lập về chuyên môn, tính trung thực khách quan, bảo đảm giá đất phù hợp với thị trường và hạn chế việc chịu áp lực, chi phối từ các nhóm lợi ích...

Thứ ba, dự thảo luật chưa định nghĩa rõ thế nào là “thị trường”, trong khi rõ ràng là thị trường đất ở nước ta còn chưa hoàn thiện với hiện tượng đầu cơ còn khá phổ biến và ảnh hưởng tới toàn bộ thị trường.

Thứ tư, chúng ta cần phải làm rõ thế nào là “giá phổ biến trên thị trường” bởi giá cả sẽ dao động và đâu là căn cứ để biết đó là giá phổ biến để điều chỉnh giá đất.

Thứ năm, khi đất nông nghiệp bị thu hồi thì giá đất được tính bằng giá đất nông nghiệp thấp hơn rất nhiều so với giá đất thương mại và đất ở sau khi đã chuyển đổi mục đích sử dụng. Điều này cũng dẫn tới việc nông dân đòi quyền lợi và kéo dài thời gian giải phóng mặt bằng.

Như vậy, xác định giá đất gần hơn với giá thị trường đòi hỏi cần nhiều nỗ lực kết hợp chứ không chỉ là bảng giá đất, ví dụ như công tác xây dựng và thực thi Luật Thuế, việc quản lý thị trường... Công việc quan trọng cho các nhà làm luật tại thời điểm hiện tại là phải xác định được đúng thế nào là “thị trường” trong khi định giá đất.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết