A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Giá trị của việc nắm vững kiến thức pháp luật

Sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và lực lượng vũ trang trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã mang lại hiệu quả cao.

Năm 2009, một số người dân trên địa bàn huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai bị kẻ xấu dụ dỗ, tin theo tà đạo Hà Mòn, vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Tuy nhiên, bằng những chủ trương, giải pháp đồng bộ trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và cương quyết xử lý các đối tượng vi phạm, đến nay, huyện Mang Yang đã loại bỏ được tà đạo, giúp người dân có cuộc sống bình yên, hạnh phúc.

Công an và cán bộ chính quyền các cấp huyện Mang Yang (Gia Lai) gặp gỡ, nói chuyện với người dân làng Kret Krot, xã H’ra.     

Anh Đinh Ngo ở làng Kret Krot, xã H’ra, huyện Mang Yang còn ngượng ngùng khi chúng tôi nhắc lại quá khứ theo tà đạo Hà Mòn. Anh căm ghét những luận điệu xuyên tạc của kẻ xấu, cái gọi là “đức mẹ Maria hiện hình”, cầu nguyện để không phải lao động vẫn có tiền, sống sung sướng, ốm đau không chữa trị cũng khỏi bệnh, vay vốn ngân hàng sẽ được xóa nợ... đã làm mất tình cảm vợ chồng, anh em, làng xóm; mai một văn hóa truyền thống, nương rẫy bị bỏ hoang, cuộc sống bần cùng, nghèo đói.

“Năm 2010, tôi u mê tin theo tà đạo Hà Mòn, gây mất trật tự, vi phạm pháp luật. Sau khi chịu hình phạt nghiêm minh của pháp luật và được cán bộ chính quyền các cấp, lực lượng công an, bộ đội tuyên truyền, giáo dục, tôi đã nhận ra sai lầm của mình”, anh Đinh Ngo chia sẻ.

Với sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, anh Đinh Ngo đã được học nghề thợ xây, vay vốn ngân hàng, tặng cây giống, con giống để phát triển kinh tế gia đình. Giờ đây, anh Đinh Ngo không những tự biết xây cho gia đình một ngôi nhà khang trang mà còn thường xuyên nhận công trình, tập hợp đội thợ xây của làng để cùng làm; đồng thời phát triển vườn cây cà phê hơn 5 sào bắt đầu cho quả vào năm tới và 3 sào trồng lúa, cùng với đàn dê 3 con. Nhờ chăm chỉ làm ăn nên gia đình anh từng bước thoát nghèo, tới đây xin ra khỏi hộ cận nghèo.

Theo ông Kơ, Bí thư chi bộ kiêm Thôn trưởng làng Kret Krot: Làng Kret Krot có 180 hộ, đều là người dân tộc Ba Na. Năm 2009, tin lời kẻ xấu, hơn 50% hộ dân đi theo tà đạo Hà Mòn, gây mất an ninh trật tự tại địa phương. Tuy nhiên, bằng cách làm hiệu quả trong tuyên truyền, PBGDPL của các lực lượng chức năng, đồng bào đã từ bỏ tà đạo trở về sinh hoạt tôn giáo theo pháp luật, tích cực sản xuất, phát triển kinh tế, nhiều gia đình có cuộc sống khá giả, thu nhập mỗi năm hơn 100 triệu đồng, như gia đình ông Vũng, ông Kũi...

Năm 2009, không chỉ có làng Kret Krot mà các làng: Bơ Chăk, Kdung I, Jơ Long của xã H’ra và một số làng ở địa phương khác, tà đạo Hà Mòn hoành hành, làm ảnh hưởng lớn đến an ninh trật tự trên địa bàn. Trước thực trạng đó, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Mang Yang đã lãnh đạo, chỉ đạo huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đơn vị lực lượng vũ trang tăng cường tuyên truyền, PBGDPL cho nhân dân như: Phân công cán bộ, đảng viên phụ trách từng gia đình để giải thích cho người dân hiểu về pháp luật, tránh xa tà đạo Hà Mòn; tổ chức các buổi nói chuyện, tuyên truyền về chủ trương, chính sách, pháp luật; tổ chức kiểm điểm những người theo tà đạo, vi phạm pháp luật trước quần chúng nhân dân; phát huy vai trò của già làng, người có uy tín trong cộng đồng; sử dụng các thiết chế văn hóa, những người theo tà đạo trở về tuyên truyền cho nhân dân. Huyện cũng huy động các nguồn lực tổ chức đào tạo nghề, tặng cây giống, con giống, tạo sinh kế cho nhân dân và cương quyết xử lý các đối tượng vi phạm.

Theo đồng chí Trần Thanh Tuấn, Chủ tịch UBND xã H’ra, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và lực lượng vũ trang trong tuyên truyền, PBGDPL đã mang lại hiệu quả cao. Hiện nay, tà đạo Hà Mòn đã bị loại khỏi đời sống nhân dân, song xã H’ra sẽ không chủ quan, không để người dân “đói” kiến thức pháp luật, tạo môi trường cho các đối tượng FULRO lợi dụng móc nối, dụ dỗ, xúi giục người dân sinh hoạt tà đạo, vi phạm pháp luật.

“Bài học quý mà xã H’ra đúc rút được là phải tăng cường sự lãnh đạo của tổ chức đảng, nêu cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong tuyên truyền, PBGDPL cho nhân dân nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Việc tuyên truyền, PBGDPL phải được thực hiện đến tận thôn, làng, thậm chí đến từng nhà để tiếp cận trực tiếp với mọi người dân; đồng thời phối hợp với cấp trên, các cơ quan chức năng thường xuyên nói chuyện chuyên đề về những vấn đề pháp luật có tính thời sự; giải thích, hướng dẫn các tình huống pháp luật cụ thể, quy định pháp luật mới có liên quan trực tiếp đến đồng bào”, đồng chí Trần Thanh Tuấn nhấn mạnh.

Đồng chí Hoàng Thị Lan Anh, Phó chủ tịch UBND huyện Mang Yang cho biết: "Công tác tuyên truyền, PBGDPL cho nhân dân được cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể huyện Mang Yang xác định là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; trên cơ sở đó lãnh đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, chặt chẽ.

Từ năm 2020 đến nay, Huyện ủy, UBND huyện Mang Yang đã lãnh đạo, chỉ đạo đăng tải 160 tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức 5 cuộc thi tìm hiểu pháp luật; cấp phát 20.968 tài liệu tuyên truyền pháp luật; tổ chức 5 phiên tòa lưu động với 580 người tham dự. Công tác hòa giải ở cơ sở đã tiếp nhận 127 vụ việc, trong đó hòa giải thành công 96 vụ, đạt 75,6%.

Tại cơ sở cũng đã tổ chức 407 lượt gọi hỏi, giáo dục, răn đe 1.593 lượt đối tượng thuộc diện quản lý, giáo dục tại cộng đồng... Người dân hiểu biết pháp luật không những góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội mà còn thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Vì thế, khi người dân hiểu được pháp luật sẽ mang lại nhiều mục tiêu tốt đẹp trong đời sống xã hội".

Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN


Tags: pháp luật
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết