Làm 1 nghề không thể đủ ăn: Người bỏ việc văn phòng khởi nghiệp, người làm thêm kiếm 20 triệu/ tháng
Người trẻ có nhiều cách giải quyết khủng hoảng tài chính trong làn sóng sa thải hàng loạt.
Khả Vy (24 tuổi, Hà Nội), quyết định nghỉ việc văn phòng để được làm công việc yêu thích: "Từ khi mình ra trường, may mắn là lần đầu tiên đi xin việc đã được nhận làm việc trong lĩnh vực thương mại điện tử. Tuy nhiên, khi làm được 1 năm rưỡi, mình muốn tìm lại đam mê thuở đầu, chạy xuyên qua nỗi sợ và quyết định nghỉ làm chỉ trong vòng 3 ngày. Trùng hợp thời điểm đó, hàng loạt các công ty lớn sa thải nhiều nhân viên. Mình mơ hồ có cảm giác bất an nếu cứ làm văn phòng mãi. Nó sẽ giống như việc, chén cơm bạn vất vả kiếm được bị người khác lấy lại bất cứ khi nào họ muốn. Vậy nên, mình đã có 1 ý định táo bạo: Khởi nghiệp bằng chính niềm đam mê ăn vặt!"
Vẫn lựa chọn làm tiếp công việc văn phòng, 8 tiếng/ngày, nhưng Phạm Thiện (25 tuổi, Quảng Ninh) cho biết: "Thời bây giờ mà làm 1 nghề sẽ đói. Nếu đợi đến lúc có kinh nghiệm và chuyên môn trong nghề, được cất nhắc chức cao cũng phải 2-3 năm sau rồi. Trong thời gian đó, nếu chỉ sống với mức lương trung bình của 1 nhân viên, thì sẽ rất vất vả." Vậy nên, tận dụng khoảng thời gian còn lại, và kỹ năng sẵn có, Thiện nhận thêm việc làm để tăng thu nhập.
Đứng giữa làn sóng sa thải và suy thoái kinh tế, người trẻ tìm cách giải quyết sự bất an trong tài chính của mình.
Làm 1 nghề thì không thấy đủ
Với những người trẻ hiện nay, việc làm 1 nghề khiến họ luôn cảm thấy không đủ. Phạm Thiện (Quảng Ninh) đưa ra ý kiến: "Mình nhận được lời khuyên từ những người đi trước rằng: 1 nghề cho chín còn hơn chín nghề. Còn với những bạn trẻ xung quanh, lại lựa chọn đi theo: 1 nghề chuyên nghiệp và nhiều nghề tay trái hỗ trợ.
Mình thấy cả 2 quan điểm đều không sai. Suy cho cùng thì đến 1 lúc nào đó, chúng ta đều phải học cách thích nghi với môi trường. Ví như những người trẻ giống mình, nếu chỉ sống bằng lương tháng thì sẽ không đủ. Tụi mình không chỉ gói gọn nhu cầu trong ăn, mặc là đủ. Khi mà xã hội ngày càng khắt khe hơn, cái gì cũng cần đến tiền.
Hiện tại, mình đang làm 1 nghề chính và 2 việc phụ trong thời gian tự do: 8 tiếng tại công ty tài chính, thời gian rảnh còn lại thì nhận làm dự án tư vấn ngoài và đầu tư. Ngoài tiền lương đều đặn hàng tháng, mình kiếm trung bình 20 triệu/ tháng từ làm thêm.
Hoạt động trong mảng tài chính gần 3 năm, mình nhận ra chuyên môn là cốt lõi để kiếm tiền. Mà để có kỹ năng, tư duy và chuyên môn tốt, thì chính mình phải thực chiến rất nhiều. Bên cạnh đó, phải không ngừng tìm hiểu các thông tin của những mảng liên quan. Nên việc làm thêm ngoài giờ hành chính cũng giúp ích nhiều trong quá trình phát triển sự nghiệp. Chỉ cần chọn đúng việc làm thêm, bạn sẽ vừa tiết kiệm được thời gian, vừa kiếm được tiền, nâng cao mức thu nhập. Chính những điều này, cũng giúp bạn đứng vững hơn trong bão sa thải. Chỉ cần thu nhập không phụ thuộc vào 1 nguồn duy nhất thì mình nghĩ mọi người có thể yên tâm nếu công ty có chính sách sa thải nhân viên."
Khả Vy (Hà Nội) dứt khoát chọn nghỉ việc văn phòng, vì cô nàng cho rằng đây là rủi ro chứ không phải sự ổn định: "Nhiều người thích sự ổn định, họ chọn làm công sở rồi nhận lương hàng tháng. Nhưng giai đoạn sa thải hàng loạt vừa qua, ai cũng sẽ nhận ra rủi ro của việc này. Nếu chẳng may, bạn là người bị công ty cho thôi việc, không những tài chính bị ảnh hưởng mà còn khủng hoảng về tinh thần. Khi những người đó liên tục đặt ra câu hỏi: "Tại sao mình bị sa thải?"
Bỗng dưng mất đi nguồn thu nhập duy nhất, chúng ta sẽ rất khó xoay xở tài chính cho giai đoạn tiếp theo. Vậy nên, làm công ăn lương với mình không phải ổn định, cũng chẳng an toàn. Có suy nghĩ như vậy, nên mình lựa chọn theo đuổi con đường mới: Dùng tiền tiết kiệm để mở shop ăn vặt online, 1 shop bán quần áo và nhận làm nội dung tự do. Mất khoảng 3 tháng đầu tiên mình loay hoay với việc kinh doanh. Nhưng nhờ việc hoạt động sôi nổi trên các nền tảng mạng xã hội, mình được chú ý nhiều hơn và đều đặn chốt đơn mỗi ngày. Trong quá trình đó, mình cũng tham gia các khóa học để phát triển kênh bán hàng, cũng như tạo dựng thương hiệu cá nhân. Hiện tại, mình hài lòng với kết quả sau khi nghỉ việc, cũng không còn nơm nớp lo sợ bỗng dưng bị sa thải."
Người trẻ buộc phải xoay xở tài chính trong bão sa thải
Nếu không tìm ra được cách kiếm tiền thông minh hơn, nhiều người sẽ dễ gặp khủng hoảng tài chính khi bão giá, bão sa thải. Không chỉ chi phí sinh hoạt ngày càng cao, mà mục tiêu tài chính trong tương lai cũng khó thực hiện. Khả Vy chia sẻ: "Nếu lương hành chính 8-10 triệu/tháng thì không đủ sống ở đất Hà Nội, chứ đừng nói mua nhà mua xe. Còn mức lương cao hơn, khoảng 20 triệu/tháng đổ lên thì chỉ dành cho quản lý hoặc 1 số ngành nghề thu nhập cao. Nhưng rất khó để 1 người bình thường làm văn phòng có được mức thu nhập cao, chống lại được bão giá, bão sa thải.
Cách khắc phục duy nhất là nỗ lực tăng thu nhập và xây dựng tài sản tích lũy. Ít nhất phải có khoản để mình phòng trừ trường hợp khẩn cấp, như thất nghiệp hay đau ốm, bệnh tật,... Việc nâng cao thu nhập thì hoặc lựa chọn tăng ca, làm thêm công việc, tận dụng thời gian để nâng cao kiến thức và giá trị của bản thân. Hoặc nếu là người giỏi về kinh tế, tài chính thì học về đầu tư, kinh doanh, góp vốn,... Làm gì cũng sẽ có rủi ro, nhưng khi còn trẻ, sức khỏe và đầu óc nhanh nhạy, thì nhất định phải xoay xở để kiếm thật nhiều tiền."
Phạm Thiện cũng đang cố gắng hết mình để có được cuộc sống mơ ước: "Thứ bây giờ mình có thể đánh đổi cho tương lai, đó chính là sức trẻ. Cơ hội mở ra rất nhiều đối với những người biết nắm bắt. Mình thường xuyên học hỏi từ những anh chị đi trước, tạo dựng mối quan hệ tốt cùng sếp, khách hàng, đối tác,... để được họ tạo chút điều kiện trong công việc. Không ai lại ghét những người chăm chỉ và kiên trì. Nhiều người cũng mở lời kêu mình góp vốn làm ăn, khá hấp dẫn nhưng buộc phải từ chối vì biết đó không phải điểm mạnh của mình.
Thay vào đó, mình tập trung phát triển hơn trong mảng đầu tư và tài chính. Mình nhận ra được tiềm năng của nó trong tương lai. Từ đó, mình tìm cách để tiếp cận nó mỗi ngày. Những gì có thể làm thêm để lấy kiến thức, tăng thu nhập mình đều không từ chối. Khi xã hội đòi hỏi ở 1 người trẻ nhiều hơn, thì tụi mình càng phải cố gắng để không bị tụt lùi."