Hoàn thiện khung pháp lý cho đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp bổ sung nhiều quy định quan trọng, khép kín quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 13/5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Hoàn thiện khung pháp lý cho đầu tư vốn nhà nước đa tầng
Liên quan vấn đề phân cấp, phân quyền, đơn giản thủ tục hành chính, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ; Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; người đại diện phần vốn nhà nước; người đại diện phần vốn của doanh nghiệp.
![]() |
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi. Ảnh: VPQH |
Cắt giảm 7/24 (khoảng 30%) thủ tục hành chính; khoảng 50% số thủ tục trình lên Thủ tướng Chính phủ được cắt giảm hoặc phân cấp cho cơ quan đại diện chủ sở hữu, tăng cường phân cấp cho doanh nghiệp.
Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu, quy định đối tượng áp dụng bao gồm doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp từ dưới 50% vốn điều lệ.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, trên cơ sở nguyên tắc quản lý vốn nhà nước thông qua người đại diện chủ sở hữu hoặc người đại diện phần vốn, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, bổ sung quy định phù hợp.
Theo đó, dự thảo Luật đã làm rõ khái niệm “người đại diện phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên”. Đồng thời, chỉnh lý các điều khoản liên quan như Điều 37, 38, 39, khoản 3 Điều 54… nhằm bảo đảm bao quát cả việc quản lý phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có tỷ lệ sở hữu từ 50% trở xuống.
“Quan điểm được quán triệt là: Ở đâu có vốn của Nhà nước, ở đó phải có sự quản lý của Nhà nước với mức độ phù hợp", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính nhấn mạnh.
Về doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước đầu tư vốn (doanh nghiệp F2, F3…): Một số ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng áp dụng là doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước đầu tư vốn (F2) và quy định mức độ quản lý tương ứng.
Về nội dung này, Báo cáo thẩm tra nêu rõ, theo nguyên tắc, Nhà nước thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm tương ứng với tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp, không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh hay quản trị điều hành của doanh nghiệp.
Dự thảo Luật kế thừa Luật số 69, tiếp tục quy định việc quản lý doanh nghiệp F2 thông qua người đại diện phần vốn của doanh nghiệp F1 (doanh nghiệp có vốn nhà nước). Do vậy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không bổ sung doanh nghiệp F2 vào phạm vi điều chỉnh của Điều 2. Tuy nhiên, để đảm bảo không có khoảng trống pháp lý, dự thảo Luật đã quy định rõ về việc quản lý vốn đầu tư của doanh nghiệp tại Điều 28 và quyền, trách nhiệm của người đại diện phần vốn tại Điều 40.
Không để khoảng trống pháp lý trong quản lý vốn nhà nước
Một số ý kiến đề xuất bổ sung vào đối tượng áp dụng các doanh nghiệp do tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, hội nghề nghiệp thành lập, để có cơ sở pháp lý cho các tổ chức này hoạt động.
Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Do vốn điều lệ của các doanh nghiệp thuộc nhóm đối tượng này thường sử dụng nhiều nguồn vốn hỗn hợp, không hoàn toàn từ ngân sách nhà nước, nên việc đưa vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật là chưa phù hợp. Tuy nhiên, để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động đầu tư và quản lý vốn, dự thảo đã bổ sung một điều khoản riêng tại phần quy định về thi hành luật.
![]() |
Sáng 13/5, Quốc hội tiến hành họp phiên toàn thể tại hội trường. Ảnh: VPQH |
Liên quan đến Ngân hàng Hợp tác xã, đây là đối tượng được thành lập từ Quỹ tín dụng nhân dân trung ương và là đối tượng điều chỉnh của Luật Các tổ chức tín dụng, không phải doanh nghiệp theo định nghĩa của dự thảo Luật. Do đó, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật số 69 cũng như dự thảo Luật hiện hành. Tuy nhiên, trong bối cảnh Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 quy định Ngân hàng Hợp tác xã là một tổ chức hoạt động theo mô hình hợp tác xã, việc thiếu hành lang pháp lý rõ ràng đang gây khó khăn trong quản lý tài chính và giám sát vốn của Nhà nước.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã bổ sung quy định tại Điều 55: Quản lý và đầu tư vốn của tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên tại doanh nghiệp; Điều 56: Quản lý vốn nhà nước tại Ngân hàng Hợp tác xã.
Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật gồm có 08 Chương, 59 Điều, giảm 3 Điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8. |