A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Hà Nội: 3 người đứng đầu bị xử lý liên quan đến tham nhũng

Liên quan đến việc phát hiện, xử lý tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, Hà Nội đã xử lý 3 trường hợp người đứng đầu là lãnh đạo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố.

Hà Nội xử lý 3 người đứng đầu liên quan đến tham nhũng là lãnh đạo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố. Ảnh: Ngọc Thắng

Đó là con số được nêu tại báo cáo kết quả công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024 của UBND thành phố Hà Nội gửi tới Kỳ họp thứ 20, HĐND thành phố Hà Nội khoá XVI.

Theo UBND thành phố Hà Nội, công tác PCTN được thành phố xác định là một trong các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, quan trọng. UBND thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác này.

Trong kỳ báo cáo, thành phố đã triển khai kiểm tra 522 cơ quan, tổ chức, đơn vị về việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động.

Thành phố đã thực hiện đề án thí điểm thi tuyển chức danh trưởng phòng, chi cục trưởng, thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã và đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND thành phố.

Năm 2024, có 9 vị trí lãnh đạo, quản lý khối giáo dục được bổ nhiệm thông qua thi tuyển.

Bên cạnh đó, thành phố cũng đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn. Trong năm nay, có 471 trường hợp đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác (213 công chức, 98 công chức xã, 160 viên chức).

Đặc biệt, thành phố quan tâm tới việc kiểm tra công vụ. Năm 2024, toàn thành phố thực hiện 292 cuộc kiểm tra công vụ.

Trong đó, đoàn kiểm tra công vụ thành phố thực hiện 22 cuộc kiểm tra đột xuất; kiểm tra theo chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng UBND thành phố 1 cuộc.

Cùng với đó, các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã và đơn vị hiệp quản trên địa bàn thực hiện 270 cuộc (167 cuộc kiểm tra đột xuất, 103 cuộc kiểm tra theo kế hoạch) với hơn 1.082 lượt đơn vị được kiểm tra.

Đáng chú ý, liên quan đến việc phát hiện, xử lý tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, UBND TP Hà Nội cho biết, đã quan tâm chỉ đạo thực hiện thanh tra, kiểm tra để phát hiện, ngăn ngừa, xử lý vi phạm.

Đặc biệt, thành phố tập trung thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện quy định về PCTN để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm, chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về PCTN ở các lĩnh vực: Đầu tư mua sắm công, tài chính ngân sách, quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng...

Trong kỳ báo cáo, Công an thành phố Hà Nội đã thụ lý 173 vụ, với 497 bị can; đã giải quyết 102 vụ với 370 bị can; đang điều tra 66 vụ, với 90 bị can.

TAND thành phố Hà Nội đã thụ lý 86 vụ, với 331 bị cáo; đã giải quyết 77 vụ với 291 bị cáo; đang giải quyết 9 vụ, với 40 bị cáo.

Liên quan tới kết quả xử lý trách nhiệm người đứng đầu, trong kỳ báo cáo, đã có 3 trường hợp người đứng đầu bị xử lý, các trường hợp này thuộc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội.

Ngoài ra, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã tăng cường công tác kiểm tra nội bộ, phát huy quy chế dân chủ và công khai các hoạt động trong cơ quan, tổ chức, đơn vị để phòng ngừa tham nhũng.

Qua công tác tự kiểm tra nội bộ của các đơn vị chưa phát hiện và xử lý vụ việc nào tại đơn vị có liên quan đến tham nhũng.

UBND thành phố đánh giá, công tác PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã có những chuyển biến tích cực, được người dân đồng tình, ủng hộ.

Tuy nhiên, Hà Nội cũng thẳng thắn nhìn nhận, công tác PCTN vẫn còn hạn chế so với yêu cầu; một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả thấp.

Việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế; việc thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả chưa cao.

Bên cạnh đó, công tác giám định, định giá tài sản vẫn còn gặp một số vướng mắc, nhất là việc xác định tài sản bị thiệt hại do hành vi tham nhũng trong vụ án thuộc lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng...

Do đó, Hà Nội đặt ra nhiều giải pháp thực hiện trong thời gian tới, trong đó đặc biệt chú ý tới tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử trong việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng.

Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, thu hồi triệt để tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát…

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết