A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Cảnh giác trước thủ đoạn giả danh quân nhân để lừa đảo

Thời gian gần đây, tình trạng mạo danh, giả danh quân nhân để lừa đảo diễn ra khá phức tạp.

Theo Cục Chính trị Quân khu 7, tính từ tháng 7-2023 đến nay, trên địa bàn Quân khu 7 đã phát hiện 75 vụ việc mạo danh, giả danh cán bộ, nhân viên Quân đội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ông Nguyễn Duy Sáu, chủ cửa hàng phân bón Duy Sáu, xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai) cho biết, chỉ trong một tháng, có đến 3 lần ông bị các đối tượng mạo danh sĩ quan Quân đội gọi điện thoại đặt mua gần 10 tấn phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cho đơn vị. “Tôi rất mong các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo để người dân nâng cao cảnh giác, tránh thiệt hại về tài sản và ảnh hưởng đến hình ảnh tốt đẹp Bộ đội Cụ Hồ”, ông Sáu nói.

Các đại biểu tại cuộc họp do Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai tổ chức bàn giải pháp phòng, chống giả danh Quân đội cuối năm 2023. 

Tương tự, bà Nguyễn Thị Thiết, ở ấp Thọ Bình, xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai), chủ dịch vụ nấu ăn Hương Quê cũng bị một đối tượng xưng là Bảo, cán bộ Ban CHQS huyện Xuân Lộc gọi điện thoại đặt 9 bàn tiệc với số tiền gần 19 triệu đồng. Để tạo lòng tin, đối tượng này đặt cọc 500.000 đồng và yêu cầu chở đồ ăn đến Ban CHQS huyện Xuân Lộc. Tuy nhiên, sau khi làm xong, chuyển đồ ăn đến Ban CHQS huyện Xuân Lộc thì bà Thiết mới biết mình bị lừa... Ngoài gọi điện thoại, các đối tượng còn mặc quân phục để gọi video khiến nạn nhân tin tưởng, mất cảnh giác.

Riêng tại tỉnh Đồng Nai đã phát hiện hơn 30 vụ việc với kịch bản này, trong đó có 3 vụ nạn nhân “sập bẫy” với số tiền gần 300 triệu đồng... Nhằm góp phần ngăn chặn tình trạng mạo danh, giả danh quân nhân để lừa đảo, Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo ban CHQS các huyện, thành phố và các đơn vị trực thuộc phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ, nắm chắc các hành vi, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng xấu.

Các cơ quan chức năng cũng cảnh báo một thủ đoạn lừa đảo mới. Theo đó, một số đối tượng gọi điện thoại hoặc gửi tin nhắn cho người dân, tự xưng là “chỉ huy, quản lý” của con em đang công tác trong Quân đội để thông báo liên quan đến hành vi vi phạm kỷ luật và đề nghị người dân chuyển tiền đền bù thiệt hại, khắc phục hậu quả do con em mình gây ra. Thực tế, các cơ quan, đơn vị không làm việc qua điện thoại theo cách này, bởi vậy người dân cần bình tĩnh, cảnh giác, tuyệt đối không chuyển tiền theo yêu cầu, đồng thời cần kịp thời thông báo với cơ quan chức năng để có hướng giải quyết, tránh rơi vào bẫy của những kẻ lừa đảo... 

Đại tá Nguyễn Như Trúc, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7 cho rằng, cùng với tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan chức năng ngành tuyên giáo, thông tin và truyền thông... cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan quân sự, công an cùng cấp, thống nhất các nội dung thông tin tuyên truyền trực tiếp đến người dân nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức, hiểu biết và tinh thần cảnh giác của nhân dân. Cùng với đó, cần điều tra, xử lý nghiêm minh các đối tượng lừa đảo để tạo sự răn đe. 

Bài và ảnh: NGUYỆT TRINH


Tags: lừa đảo
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết