Cái giá quá đắt từ vụ cháy chung cư mini tại Khương Đình- Hà Nội
Hơn 50 người được đưa đi cấp cứu, trong đó có người đã tử vong – một cái giá quá đắt cho vụ cháy chung cư mini đặc biệt nghiêm trọng tại Khương Đình (Hà Nội).
“Cứu tôi với nhà tôi có con trẻ” – tiếng kêu cứu thất thanh, tuyệt vọng của nạn nhân trong vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng đêm qua, tại một chung cư mini ở phố Khương Hạ, phường Khương Đình, được nhân chứng kể lại.
Theo Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội), đến 5 giờ sáng ngày 13/9, lực lượng chức năng đã cứu hộ thành công trên 70 người dân, đưa đi cấp cứu 54 người.
Số người tử vong trong vụ việc này chưa được cơ quan chức năng thông tin cụ thể, song bước đầu xác định là có, ít nhất 10 người và con số này có thể chưa dừng lại.
Một cái giá quá đắt cho một vụ cháy mà nếu làm tốt hơn công tác quản lý, công tác phòng cháy thì hậu quả có thể đã không nghiêm trọng như vậy.
Vụ cháy chung cư mini tại Khương Đình khiến hàng chục người thương vong |
Trong thông cáo báo chí của UBND Quận Thanh Xuân (Hà Nội) phát đi sáng nay, một chi tiết đáng chú ý đang được mổ xẻ: Diện tích căn chung cư mini chỉ khoảng 200m2 nhưng có khoảng 150 cư dân sinh sống.
Căn chung cư bị cháy được xây kiểu nhà ống với 1 mặt tiền, 3 mặt giáp nhà dân, chia được gần 50 căn hộ cho thuê, chủ yếu là các hộ gia đình và sinh viên, trong đó 1 tầng hầm để xe, 8 tầng căn hộ và 1 tầng tum.
Và đáng chú ý hơn là căn chung cư mini này trong ngách, xe chữa cháy không thể tiếp cận, phải đỗ cách xa 300-400m, dẫn tới khó khăn trong công tác chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn.
Nói đúng hơn, chính xác hơn là căn chung cư mini này có dấu hiệu chưa bảo đảm phòng cháy, chữa cháy, thậm chí có dấu hiệu chưa bảo đảm trật tự xây dựng, nhưng vẫn sừng sững đi vào hoạt động bất chấp mọi nỗ lực chống lại “giặc lửa” của các cấp, các ngành.
Tại phiên họp 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng đề tập tình hình các vụ cháy xảy ra liên tục, nghiêm trọng thời gian qua và cho rằng, tình hình cháy nổ trên địa phạm vi cả nước diễn biến rất phức tạp.
“8 tháng trong năm 2023 đã xảy ra 2.031 vụ cháy, tăng 38%, làm 83 người chết, tăng 48% so với cùng kỳ năm trước. Có thời điểm xảy ra liên tiếp các vụ cháy, chết 3 - 4 người cùng một gia đình", bà Thanh nói.
Tại Hà Nội, những năm qua đã xảy ra không ít vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng là bài học đắt giá không chỉ đối với cơ quan quản lý nhà nước. “3 cảnh sát hy sinh khi chữa cháy tại quán karaoke hồi tháng 8/2022”, “4 người chết trong đám cháy do đốt vàng mã năm 2021”, “8 người chết do xưởng bánh kẹo bị cháy hồi tháng 7/2017”, “13 người chết trong vụ cháy quán karaoke hồi tháng 11/2016”… là những điển hình.
Dẫn chứng vậy không phải để phủ nhận những nỗ lực của các cấp, các ngành, đặc biệt là lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn trong công tác phòng chống “giặc lửa” thời gian qua đang được triển khai rất quyết liệt với nhiều biện pháp, giải pháp.
Song qua vụ cháy này đang thấy công tác quản lý phòng, chống cháy nổ, quản lý trật tự xây dựng, đặc biệt là với loại hình chung cư mini trên địa bàn TP. Hà Nội đang rất có vấn đề.
UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo Công an TP. Hà Nội tập trung khắc phục hậu quả, khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ cháy, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và chắc chắn những cá nhân, tổ chức làm sai sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Nhưng như vậy thôi là chưa đủ. UBND TP. Hà Nội cần siết chặt quản lý loại hình chung cư mini, cần rà soát, kiểm tra và xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu phát hiện vi phạm. Không phải cứ mỗi lần “mất bò” chúng ta mới lo "làm chuồng”.