A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

“Giải độc” cho trẻ em trên mạng xã hội

LTS: Trẻ em là tương lai của đất nước cần được quan tâm, chăm lo rèn luyện trong môi trường lành mạnh để phát triển toàn diện. Tuy nhiên, trong bối cảnh mạng xã hội (MXH) bùng nổ hiện nay, nếu không có sự định hướng, quản lý, giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội thì nhiều trẻ em dễ bị "ngập" trong biển thông tin "thượng vàng hạ cám" trên MXH.

Những thông tin về bạo lực, lối sống buông thả, hưởng lạc... mỗi ngày ngấm dần khiến nhiều em xuất hiện suy nghĩ lệch lạc về cuộc sống, về xã hội, về ý thức phấn đấu; nhiều em mất đi lý tưởng, lẽ sống cao đẹp và trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội. Vì vậy, việc làm cấp thiết hiện nay là phải quan tâm xây "thành lũy" phòng độc và giải độc cho trẻ em trên MXH.

Bài 1: Nhiều thông tin nhảm nhí

Việc tiếp cận với thông tin sai trái, chưa được kiểm duyệt sẽ gây ra nhiều hệ lụy, khiến trẻ em có thể tiếp nhận nhiều thông tin hỗn độn, song vẫn có thể thiếu thốn về tri thức.

“Đốt” thời gian trên màn hình điện tử

Khoảng 22 giờ ngày cuối tháng 11-2022, một quán kinh doanh internet tại khu vực trung tâm Hà Nội vẫn kín người. Bước vào không gian chật hẹp nồng mùi thuốc lá, chúng tôi chứng kiến cảnh gần 20 trẻ em đang mải mê chơi trò chơi trực tuyến, lướt MXH, rồi thỉnh thoảng nói tục, chửi bậy như chốn không người. Khi đồng hồ điểm 22 giờ 30 phút, chủ quán chạy vội ra kéo sập cánh cửa sắt để tránh bị lực lượng an ninh “làm phiền”, bên trong mọi thứ vẫn hoạt động xuyên đêm.

  Một quán internet trên địa bàn Hà Nội hoạt động xuyên đêm.

Theo chủ quán internet NQL, nhiều trẻ em ra đây để tìm thú vui giải trí, có đứa vì giận cha, cãi mẹ mà bỏ nhà đi mấy ngày liền đành tá túc lại quán internet. Hết chơi games, chúng lại lướt Facebook, Zalo hay YouTube, cày view cho thần tượng, thậm chí là xem phim khiêu dâm. Thực phẩm phục vụ cho những “anh hùng bàn phím” này là mì ăn liền, bánh mì, nước tăng lực, hay đôi khi là uống nước cầm hơi.

Dạo quanh một vòng Hà Nội, những quán internet phục vụ khách xuyên đêm không phải ít. Theo lý giải của anh NQL thì “có cầu ắt có cung”. Ngoài ra, đối với quán inernet thì chỉ có hoạt động liên tục mới mang lại doanh thu cao. Không chỉ ở Hà Nội, tại nhiều tỉnh, thành phố khác, nhu cầu sử dụng internet của trẻ em liên tục tăng cao, nhất là vào đợt lễ, Tết, nghỉ hè.

Qua câu chuyện của anh NQL, chúng tôi nhớ đến trường hợp của em CVT, cựu học sinh Trung tâm Giáo dục thường xuyên thành phố Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh). Do được nuông chiều từ nhỏ, cuộc sống đủ đầy nên CVT thường bỏ nhà đi bụi mỗi khi bị bố mẹ trách mắng. Mỗi lần như thế, CVT đã cùng đám bạn rủ nhau ra quán internet giải trí, rồi uống rượu, tập hút thuốc, hút cần sa. Có lần, vì bị khiêu khích trên MXH, CVT cùng đám bạn hẹn gặp đối tượng đó giải quyết mâu thuẫn bằng một trận ẩu đả và bị công an tạm giữ để giải quyết.

Ngoài những tụ điểm vui chơi tại các quán internet, hiện có nhiều trẻ em được cha mẹ trang bị cho điện thoại thông minh, thiết bị điện tử có kết nối internet nên thời gian lướt MXH, chơi trò chơi trực tuyến rất khó kiểm soát. Theo thông tin từ Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cung cấp cho phóng viên Báo Quân đội nhân dân, tính đến tháng 9-2022, nước ta có 953 MXH của các tổ chức, doanh nghiệp trong nước được cấp phép hoạt động, tổng số lượng người sử dụng của nhóm 10 MXH hàng đầu Việt Nam đạt khoảng 120 triệu tài khoản. Đối với MXH của nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, số lượng tài khoản người Việt Nam sử dụng như sau: Facebook có khoảng 70 triệu tài khoản, YouTube khoảng 60 triệu tài khoản và Tiktok khoảng 45 triệu tài khoản.

Theo kết quả của Viện Nghiên cứu Thanh niên (Trung ương Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh), Việt Nam đứng thứ 22 toàn cầu về số lượng người sử dụng MXH và là một trong 10 quốc gia có lượng người dùng Facebook, YouTube cao nhất thế giới. Cụ thể, 85% người dùng MXH truy cập vào các trang MXH ít nhất một lần mỗi ngày và 70% người thừa nhận họ phải đăng nhập vào MXH đầu tiên ngay khi vừa mở máy tính hoặc thiết bị di động. Đối với nhiều người, nhu cầu sử dụng MXH thậm chí còn cao hơn cả ham muốn được ngủ và nghỉ ngơi.

Nhằm phục vụ cho bài viết, chúng tôi đã thiết kế phiếu và khảo sát trực tuyến gần 1.500 trẻ em trên toàn quốc và nhận được kết quả: Gần 60% trẻ em khi được hỏi thừa nhận sử dụng MXH từ 2 đến 6 tiếng đồng hồ mỗi ngày; hơn 50% trẻ em thường xem thông tin giải trí từ những facebooker, tiktoker, người nổi tiếng, người có ảnh hưởng (KOL); gần 40% trẻ em khi được hỏi nói rằng bố mẹ không cấm sử dụng MXH hoặc cấm nhưng các em vẫn lén lút sử dụng...

Mất cân bằng cuộc sống thực-ảo

Sự phát triển của MXH đặt ra nhiều thách thức cho con người, đặc biệt là trẻ em bởi độ tuổi này dễ bị lôi kéo và tổn thương nhất. Theo PGS, TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), những trẻ em sử dụng MXH từ 6 giờ đồng hồ trở lên thường có thành tích học tập thấp, thiếu vắng những mối quan hệ xã hội có ý nghĩa. Trong cuộc sống hằng ngày, những em này trở nên dễ lo lắng và sợ hãi thái quá. “Hệ quả của việc sử dụng MXH nhiều là các em dễ bị hút vào những trò chơi trực tuyến để né tránh với những khó khăn trong xã hội thực. Các em thu mình, mất năng lực xây dựng và duy trì các mối quan hệ thân mật dẫn đến càng cô đơn hơn. Hầu như trẻ em ít phân biệt được tin giả và tin đáng tin cậy trong môi trường trực tuyến. Không chỉ có thông tin sai lệch, tin giả, tin nhảm nhí mà trẻ em có thể tiếp xúc một cách chủ động và thụ động với những thông tin đồi trụy. Bởi vậy, nhiều trẻ em Việt Nam hiện nay đang “chết đuối” trong bể thông tin hỗn độn, nhưng lại “chết đói” về tri thức”, PGS, TS Trần Thành Nam cảnh báo.

Cùng quan điểm trên, PGS, TS Trịnh Hòa Bình, Phó tổng thư ký Hội Xã hội học Việt Nam cho rằng, ngày nay, trẻ em tiếp cận nhiều thông tin tích cực lẫn tiêu cực. Những thông tin tiêu cực dễ xâm lấn vào suy nghĩ của giới trẻ bởi câu chuyện giật gân, cách truyền tải hấp dẫn hơn. Điều đáng nói, trẻ em chưa có kinh nghiệm để nhận biết điều đó, chưa được trang bị bộ “giáp phục” để chống lại những thông tin độc hại. Việc trẻ em tiếp cận với nhiều thông tin không được kiểm chứng, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến thái độ, tình cảm, xu hướng để tiếp thu giá trị đạo đức cho đến tinh thần. Nguy hại hơn, nhiều bạn trẻ sa vào thế giới ảo mà sống thiếu lý tưởng, thiếu mục tiêu, trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội. 

Mặc dù các ứng dụng MXH thường quy định tuổi lập tài khoản là 13 tuổi nhưng nhóm từ 8 đến 11 tuổi vẫn có khoảng 20% trẻ có tài khoản MXH do bố mẹ lập hộ. Hiện nay, trẻ càng nhỏ tuổi sử dụng MXH thường để hồ sơ của mình ở chế độ công khai, không quan tâm đến tính riêng tư hay bảo mật. Các em thậm chí công khai cả số điện thoại, địa chỉ nhà, sở thích, học lớp nào, trường nào trên MXH.

Theo bà Nguyễn Thị Nga, Phó cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), một nguy cơ rất lớn mà trẻ em phải đối diện trên môi trường mạng là bắt nạt, quấy rối, xâm hại trực tuyến. Lấy dẫn chứng cho nhận định trên, bà Nguyễn Thị Nga cho biết: “Theo thống kê của Tổng đài bảo vệ trẻ em 111, năm 2021 có 458 cuộc gọi liên quan đến vấn đề môi trường mạng, tăng gấp đôi so với năm 2020; trong đó, cuộc gọi tư vấn là 422 cuộc, tăng 236 cuộc so với năm 2020. Số lượt thông báo về kênh clip có nội dung liên quan đến xâm hại trẻ em trên môi trường mạng là 132 lượt, tăng hơn 5 lần so với năm 2020. Trong 7 tháng đầu năm 2022, tổng đài đã nhận được 287 cuộc gọi liên quan đến MXH, trong đó, số cuộc gọi tư vấn là 268 cuộc và số ca can thiệp là 19. Những con số trên chỉ phản ánh một phần cho tình trạng báo động khi hàng triệu trẻ em Việt Nam đang đối mặt với những nguy hiểm rình rập trên MXH mỗi ngày”.

LÊ HỮU TRƯỞNG

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết