A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Từ 2025, thẩm phán được bổ nhiệm phải tuyên thệ, có quyền miễn trừ trách nhiệm

Thẩm phán được bổ nhiệm phải tuyên thệ; khi bổ nhiệm lại thì nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác. Thẩm phán được bảo vệ và có quyền miễn trừ trách nhiệm, theo quy định mới của Luật Tổ chức TAND năm 2024.

Article thumbnail
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình chủ trì phiên họp Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao tháng 4/2024. Ảnh: congly.vn

Sáng 22/7, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố các luật vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 7.

Đầu cuộc họp báo, các đại biểu, phóng viên tham dự đã dành phút mặc niệm để tỏ lòng thành kính, tiếc thương vô hạn đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trở lại nội dung họp báo, trong các luật được công bố, có Luật Tổ chức TAND năm 2024. Luật này có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025, gồm 9 chương, 152 điều; giảm 2 chương nhưng tăng 54 điều so với luật hiện hành. Trong đó, luật sửa đổi, bổ sung 101 điều, bổ sung mới 48 điều và giữ nguyên 3 điều.

Đủ 28 tuổi mới có điều kiện được bổ nhiệm làm Thẩm phán

Một trong những điểm mới đáng chú ý, theo Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Tiến là về thẩm phán.

Theo đó, luật được sửa đổi theo hướng chỉ quy định 2 ngạch thẩm phán là thẩm phán TAND Tối cao và thẩm phán TAND. Người phải từ đủ 28 tuổi trở lên mới có thể được bổ nhiệm làm thẩm phán.

Với người được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền điều động đến để đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo tại các tòa án, luật quy định không cần điều kiện phải được “đào tạo nghiệp vụ xét xử”.

Thay vào đó, người được điều động phải có thời gian làm công tác pháp luật từ đủ 10 năm trở lên nếu được điều động sang làm lãnh đạo tại các TAND cấp huyện; từ đủ 15 năm trở lên nếu được điều động đến để đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo TAND sơ thẩm chuyên biệt, TAND cấp tỉnh, TAND Cấp cao, Tòa án Quân sự quân khu và tương đương, Tòa án Quân sự Trung ương.

Với Thẩm phán TAND Tối cao, luật mới nêu rõ điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm phải từ đủ 45 tuổi trở lên và phải có từ đủ 20 năm trở lên công tác tại tòa án, trong đó có từ đủ 10 năm trở lên làm thẩm phán TAND.

“Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền quyết định nhưng phải có từ đủ 5 năm trở lên làm thẩm phán TAND”, ông Tiến cho hay.

Ngoài ra, luật cũng bổ sung trường hợp luật sư, giảng viên đại học có trình độ cao về pháp luật, giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, bảo đảm quy trình theo quy định thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm thẩm phán TAND Tối cao.

Luật giới hạn số lượng thẩm phán TAND Tối cao được tuyển chọn, bổ nhiệm từ nguồn ngoài toà án không quá 2 người.

Liên quan đến nhiệm kỳ của thẩm phán, luật quy định bổ nhiệm lần đầu có nhiệm kỳ 5 năm. Thẩm phán được bổ nhiệm lại có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.

 Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Tiến. Ảnh: H.G

Đặc biệt, luật quy định, thẩm phán được bổ nhiệm phải tuyên thệ. Theo đó, thẩm phán được bổ nhiệm phải tuyên thệ tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao một cách trung thực, tận tâm; thực hành công lý, khách quan và công bằng, chỉ tuân theo pháp luật; tuân thủ quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán.

Chánh án TAND Tối cao sẽ quy định cách thức tuyên thệ của thẩm phán.

Không được điều tra Thẩm phán về xét xử vụ án đang trong quá trình tố tụng

Điểm mới đáng chú ý nữa, theo Phó Chánh án Nguyễn Văn Tiến, Luật Tổ chức TAND 2014 đã bổ sung quy định về chế độ bảo vệ, miễn trừ trách nhiệm với thẩm phán.

Cụ thể, Điều 11 quy định thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc của  thẩm phán, hội thẩm dưới bất kỳ hình thức nào.

Tòa án,  thẩm phán, hội thẩm và chức danh tư pháp khác của tòa án không phải giải trình, không được thông tin về quan điểm xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc đang trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ án, vụ việc đó.

Đặc biệt, không điều tra đối với  thẩm phán, hội thẩm về việc xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc đang trong quá trình tố tụng, trừ trường hợp có căn cứ xác định  thẩm phán, hội thẩm vi phạm pháp luật hình sự trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc đó.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi can thiệp vào việc xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc của  thẩm phán, hội thẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Luật cũng dành điều 102 quy định về “bảo vệ thẩm phán”. Trong đó, luật quy định rõ “thẩm phán được tôn trọng danh dự, uy tín, được bảo vệ khi thi hành công vụ và trong trường hợp cần thiết”.

Trường hợp an toàn cá nhân hoặc thân nhân của thẩm phán bị đe dọa do việc thực hiện nhiệm vụ, chánh án tòa án nơi thẩm phán công tác đề nghị cơ quan công an có thẩm quyền tiến hành các biện pháp cần thiết để bảo vệ an toàn cá nhân hoặc thân nhân của thẩm phán.

Cơ quan công an nhận được đề nghị có trách nhiệm xem xét tính chất, mức độ của hành vi đe dọa để có biện pháp bảo vệ phù hợp.

Điều 102 cũng quy định thẩm phán đã ra bản án, quyết định mà bản án, quyết định đó bị hủy, sửa chỉ phải chịu trách nhiệm khi có lỗi chủ quan theo quy định của pháp luật. Chánh án TAND Tối cao quy định chi tiết khoản này.

Còn điều 105 quy định việc thông tin về thẩm phán vi phạm pháp luật. Theo đó, trường hợp thẩm phán TAND Tối cao bị tạm giữ vì phạm tội quả tang; bị bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở, nơi làm việc thì cơ quan ra quyết định tạm giữ/cơ quan điều tra phải báo cáo ngay Chủ tịch nước và thông báo cho Chánh án TAND Tối cao biết.

Trường hợp thẩm phán TAND bị tạm giữ vì phạm tội quả tang; bị bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở, nơi làm việc thì cơ quan ra quyết định tạm giữ/cơ quan điều tra phải thông báo ngay cho Chánh án TAND Tối cao biết.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết