A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

TP. Hồ Chí Minh: Đổi mới nâng cao chất lượng điều tra, nắm bắt dư luận xã hội

TP. Hồ Chí Minh cần đổi mới nâng cao chất lượng điều tra, nắm bắt dư luận xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân.

Sáng ngày 17/10, Thành ủy TP. Hồ Chí Minh tổ chức “Hội nghị giao ban chuyên đề "Giải pháp đẩy mạnh thực hiện Kết luận 100 của Ban Bí thư về việc đổi mới và nâng cao chất lượng điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội" trên địa bàn thành phố”.

TP. Hồ Chí Minh: Đổi mới nâng cao chất lượng điều tra, nắm bắt dư luận xã hội
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Hồ Hải; Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thọ Truyền, chủ trì hội nghị. Ảnh: Việt Dũng

TP. Hồ Chí Minh là đô thị lớn, là địa điểm trú đóng của nhiều cơ quan Trung ương Đảng và Nhà nước. Đây là địa phương diễn ra và chịu tác động trực tiếp, nhiều chiều từ các sự kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội... của cả nước, cũng như khu vực và quốc tế.

Với sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông, đặc biệt là Internet và mạng xã hội đã trở thành phương tiện hữu hiệu để các thế lực thù địch tuyên truyền, phát tán các thông tin xấu, độc, có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước.

TP. Hồ Chí Minh: Đổi mới nâng cao chất lượng điều tra, nắm bắt dư luận xã hội
Đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Việt Dũng

Báo cáo đề dẫn tại hội nghị, ông Nguyễn Thọ Truyền - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. Hồ Chí Minh - cho rằng, tất cả các yếu tố này tác động không nhỏ đến tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Trong đó có công nhân, viên chức, người lao động, đồng bào dân tộc, tôn giáo… trên địa bàn thành phố.

Những yếu tố trên đặt ra yêu cầu bức thiết về việc đổi mới, nâng cao chất lượng nắm bắt dư luận xã hội, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái trên Internet, mạng xã hội một cách kịp thời, hiệu quả, nhằm góp phần giải quyết các vấn đề bức xúc, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân.

Theo đó, trong những năm qua, công tác nắm bắt, điều tra, nghiên cứu dư luận xã hội trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã được các cấp ủy quan tâm, từng bước đi vào nề nếp, đảm bảo tính kịp thời, chính xác, khách quan. Qua đó, giúp cơ quan lãnh đạo có thêm thông tin nhằm nhận định, đánh giá đúng hơn, sát thực hơn tình hình tâm trạng, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

TP. Hồ Chí Minh: Đổi mới nâng cao chất lượng điều tra, nắm bắt dư luận xã hội
Ông Nguyễn Thọ Truyền - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. Hồ Chí Minh - báo cáo đề dẫn tại hội nghị. Ảnh: Việt Dũng

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Nguyễn Thọ Truyền cũng nhìn nhận so với yêu cầu thực tiễn tại TP. Hồ Chí Minh, công tác nắm bắt, điều tra, nghiên cứu dư luận xã hội còn bộc lộ những hạn chế, bất cập nhất định như: Chưa được phân tích và hệ thống thành hệ cơ sở dữ liệu có tính xác thực, phát hiện, dự báo và đảm bảo độ tin cậy cao nhằm phục vụ tốt cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của các cấp ủy đảng, tổ chức đảng, chính quyền các cấp.

Chính vì vậy, “thực hiện Kết luận 100 của Ban Bí thư, công tác nắm bắt dư luận xã hội tiếp tục được củng cố, phát huy nhằm tạo điều kiện để cán bộ, đảng viên và nhân dân đóng góp ý kiến, tham gia vào các công việc của Đảng bộ và chính quyền thành phố, địa phương, đơn vị”, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. Hồ Chí Minh khẳng định

Đặc biệt, việc tiếp xúc với người dân, nhất là thông qua các cuộc khảo sát, điều tra, thăm dò dư luận xã hội là kênh để người dân bày tỏ chính kiến, đóng góp giải pháp phục vụ cho công tác điều hành, quản lý của các cấp ủy đảng và chính quyền, phát huy vai trò phản biện xã hội, vai trò kiểm tra, giám sát của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Để đẩy mạnh hơn trong thực hiện Kết luận 100 của Ban Bí thư trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, tại hội nghị các đại biểu tập trung thảo luận, trao đổi nhiều nội dung. Trong đó tập trung chia sẻ kinh nghiệm trong nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy; sự vào cuộc, phối hợp hoạt động của các cấp, các ngành, các lực lượng trong nắm bắt dư luận, tâm trạng xã hội, định hướng dư luận xã hội, đấu tranh phòng chống âm mưu, chiến lược diễn biến hòa bình trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa, nhất là thông tin xấu độc trên internet hiện nay.

Đồng thời đánh giá kết quả, hạn chế, nguyên nhân, những kinh nghiệm rút ra, cũng như thảo luận, trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm đẩy mạnh hiệu quả thực hiện Kết luận 100 của Ban Bí thư trong thời gian tới.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết