Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam: Cần kéo dài thời hạn nhiệm kỳ tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài
TS. Tô Hoài Nam - Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam kiến nghị cần kéo dài thời hạn nhiệm kỳ chức danh tham tán thương mại tại nước ngoài.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chiều ngày 19/8, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị trực tuyến với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để đánh giá tình hình, kết quả triển khai và bàn giải pháp thúc đẩy xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu năm 2022; định hướng giai đoạn 2023-2025.
Hội nghị trực tuyến với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức trực tiếp tại Phòng 210B, Trụ sở Bộ Công Thương, 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội và trực tuyến với các điểm cầu tại 62 Cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.
Tham dự Hội nghị sẽ có đại diện Lãnh đạo Bộ, ngành Trung ương: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngoại giao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ; Lãnh đạo Bộ Công Thương và các đơn vị thuộc Bộ Công Thương; hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài.
Tại Hội nghị, đại diện các thương vụ sẽ báo cáo, cập nhật thông tin xu hướng chính sách thương mại khu vực thị trường Âu Mỹ, cơ hội và thách; các giải pháp thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp và năng lượng; các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp; kế hoạch xây dựng hệ thống thương vụ chuyên nghiệp - chính quy - hiệu quả.
Trước thềm Hội nghị, TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) đã có chia sẻ nhanh với Báo Công Thương về sự cần thiết của Hội nghị cũng như giải pháp phát huy vai trò của hệ thống thương vụ, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường quốc tế.
Theo TS Tô Hoài Nam, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có những diễn biến phức tạp, khó khăn trước nhiều sức ép do những diễn biến phức tạp của tình hình địa chính trị và cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn; lạm phát tiếp tục tăng cao ở nhiều nền kinh tế lớn, tác động từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng trong thời gian tới có thể nghiêm trọng hơn… Điều này đang có nguy cơ dẫn tới nhiều hệ luỵ cho hoạt động xuất nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế trong nước do nền kinh tế nước ta có độ mở lớn.
Vì thế, chiều ngày 19/8, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác phát triển thị trường với hệ thống cơ quan đại diện thương mại Việt Nam, theo TS.Tô Hoài Nam, sự kiện thể hiện nỗ lực, quyết tâm và chủ động của Bộ Công Thương trong việc phát huy vai trò của hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, góp phần vào thực hiện các mục tiêu của chương trình phục hồi, phát triển kinh tế của Chính phủ, khai thác, tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia.
TS.Tô Hoài Nam - Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) |
Đặc biệt, TS. Tô Hoài Nam nhấn mạnh, đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đây là sự kiện rất quan trọng và đáng mong đợi. Bởi, theo ông, nếu như với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, việc tiếp cận, khai thác thị trường quốc tế có những thuận lợi hơn nhờ vào tiềm lực thì đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa là rất hạn chế. Nhất là sau hai năm đại dịch, nguồn lực của doanh nghiệp nhỏ và vừa đã bị suy giảm nghiêm trọng.
TS. Tô Hoài Nam cho rằng, thông qua các hội nghị công tác phát triển thị trường với hệ thống cơ quan đại diện thương mại Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có cơ hội tiếp cận, nắm bắt được thêm thông tin hữu ích từ thị trừng quốc quốc tế, cũng như các giải pháp hỗ trợ cộng đồng kinh doanh tham gia thị trường thế giới; tận dụng từng cơ hội, dù nhỏ nhất, để khai thác các thị trường ngoài nước.
Còn theo chiều ngược lại, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp cũng biết đến hệ thống thương vụ nhiều hơn, tạo ra mạng lưới kết nối chặt chẽ, cùng thúc đẩy các hoạt động thương mại và đầu tư; vượt qua các thách thức trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Được coi là cầu nối tiếp cận thị trường cho cộng đồng doanh nghiệp, thông qua các nhiệm vụ như nghiên cứu chính sách, diễn biến thị trường nước sở tại; tổ chức các sự kiện, hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ra thị trường quốc tế, thời gian qua, TS. Tô Hoài Nam đánh giá, các thương vụ đã có một bước tiến rất lớn cũng như thể hiện rõ nét vai trò, nhiệm vụ được giao.
Lấy ví dụ ngay trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế toàn cầu trước đại dịch Covid-19, TS. Tô Hoài Nam cho hay, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thường xuyên nhận được hợp tác từ các thương vụ như thương vụ Việt Nam tại Úc, châu Âu… “Các thương vụ đã chủ động trong cung cấp thông tin, dự báo thị trường tới doanh nghiệp; cập nhật các cơ hội đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam có lợi thế tiếp cận các thị trường tiềm năng. Điều này đã mở ra cơ hội cho doanh nghiệp ngay trong giai đoạn khó khăn nhất”- ông Nam nhấn mạnh.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhận định, nhìn chung hệ thống cơ quan thương vụ vẫn chưa phát huy hết vai trò là cơ quan đại diện thương mại quốc gia tại các thị trường nước ngoài. Hầu như các thương vụ mới dừng lại ở việc đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu thông tin về thị trường, kinh tế, pháp luật nước sở tại tới cộng đồng kinh doanh chứ chưa đáp ứng được số lượng cầu rất lớn về thị trường của doanh nghiệp và sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Đặc biệt là thông tin về các quy định có lợi cho doanh nghiệp để tận dụng khai thác thị trường, các FTA quan trọng.
Vì thế, thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp hy vọng cơ quan thương vụ đẩy mạnh công tác hỗ trợ thông tin thị trường nước sở tại thường xuyên, liên tục để doanh nghiệp nắm bắt kịp thời các chính sách, nhu cầu của các nền kinh tế. Đồng thời, tổ chức nhiều hơn các sự kiện xúc tiến thương mại, xuất khẩu, hội nghị giao thương giao thương doanh nghiệp.
Để tăng hiệu quả cho các hội nghị xúc tiến xuất khẩu, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, tiệm cận với nhu cầu của doanh nghiệp TS. Tô Hoài Nam kiến nghị, các thương vụ cần tích cực sử dụng phương tiện số, hệ thống mạng xã hội. Thậm chí, về lâu dài, thương vụ tổ chức nên duy trì hội nghị online với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp về tiếp cận thị trường, nhận diện các các khó khăn, cũng như tìm kiếm các phương án, gợi ý tháo gỡ.
Về phía Bộ Công Thương, TS Tô Hoài Nam có kiến nghị cần có cơ chế, đề xuất kéo dài thời hạn nhiệm kỳ chức danh tham tán thương mại Việt Nam tại nước. Không nên cứng nhắc trong việc ấn định một nhiệm kỳ mà có thể mỗi tham tán đảm nhiệm hai, ba nhiệm kỳ tại thị trường. “Việc kéo dài thời hạn nhiệm kỳ là cơ hội để các tham tán sử dụng, phát huy kinh nghiệm nắm bắt thị trường ngoài nước để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp một cách tốt nhất, hiệu quả nhất. Chứ không để khi tham tán vừa nắm chắc thị trường lại phải thực hiện nhiệm vụ ở địa bàn khác”- ông Nam cho hay.