A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Thẩm quyền phê duyệt hợp đồng dầu khí: Còn nhiều băn khoăn

Sáng 16-8, tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ trì, phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật.

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã được chỉnh sửa theo hướng toàn bộ những nội dung liên quan đến thẩm quyền, trình tự, thủ tục đầu tư thực hiện theo quy định của Luật Dầu khí, phù hợp với tinh thần phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ đối với hợp đồng dầu khí tương đương với phê duyệt chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư khác.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị đánh giá rõ hơn những tác động của luật, tính khả thi của dự án luật. Ảnh: VPQH

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã nghiên cứu, tiếp thu dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) khi các đại biểu Quốc hội đã đóng góp ý kiến thảo luận.

“Cơ quan thẩm tra cần có rà soát tổng thể về Luật này. Đến nay Luật Dầu khí (sửa đổi) đã đạt được gì. Tất cả các dự án luật đều phải bảo đảm được mục đích yêu cầu, quan điểm, nguyên tắc, chính sách của luật”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát lại các chương, điều của dự án luật, đánh giá rõ hơn những tác động của luật, tính khả thi, sự thống nhất của luật trong hệ thống pháp luật nói chung; rà soát, xử lý kỹ những vấn đề có thể vướng mắc, phát sinh khi luật được thông qua và thực thi, tránh tình trạng "thấy suôn sẻ thông qua, rồi lại thấy vướng, thấy mắc phát sinh khi thực thi trên thực tế".

Việc điều chỉnh quy định về thẩm quyền phê duyệt hợp đồng dầu khí là vấn đề được các đại biểu quan tâm. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, hiện có 2 loại ý kiến về vấn đề này. 

Loại ý kiến thứ nhất: Hợp đồng chia sản phẩm dầu khí có cấu trúc nội dung phức tạp do đặc thù của hoạt động dầu khí. Trong bối cảnh hiện nay, thực hiện hoạt động dầu khí ngày càng hội nhập và đã có nhiều thay đổi so với thời điểm ban hành Luật Dầu khí năm 1993, cần có cơ chế mới về phê duyệt hợp đồng dầu khí bảo đảm tính chủ động cũng như nâng cao vai trò, trách nhiệm của Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong quá trình triển khai thực hiện. Tuy nhiên, việc giao PVN phê duyệt hợp đồng dầu khí không bảo đảm khách quan trong trường hợp PVN tham gia với tư cách nhà thầu độc lập ký kết hợp đồng dầu khí.

Vì vậy, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh đề nghị tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội theo hướng, quy định Thủ tướng Chính phủ chỉ phê duyệt nội dung chính của hợp đồng dầu khí; giao Bộ Công Thương phê duyệt nội dung hợp đồng dầu khí, trên cơ sở đó, PVN ký kết và quản lý hợp đồng dầu khí. Đồng thời, bỏ quy định về Chính phủ ban hành hợp đồng dầu khí mẫu để bảo đảm sự thống nhất về chính sách.

Loại ý kiến thứ hai, hợp đồng chia sản phẩm dầu khí là thỏa thuận pháp lý quan trọng giữa Nhà nước và nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, ràng buộc quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia tìm kiếm thăm dò, khai thác tài nguyên dầu khí quốc gia, có tính chất dài hạn với nhiều nội dung đặc thù có liên quan đến quốc phòng, an ninh, chủ quyền, mặt biển...

Vì vậy, cần thiết quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ nội dung hợp đồng dầu khí. Ngoài ra, dự thảo Luật đã được thiết kế theo tinh thần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, Thủ tướng Chính phủ chỉ quyết định một số nội dung quan trọng như: Phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, nội dung hợp đồng dầu khí…; các nội dung khác giao Bộ Công Thương và PVN thực hiện.

“Thường trực Ủy ban Kinh tế thống nhất với loại ý kiến thứ nhất”, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nói.

 Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VPQH

Ngược lại, ủng hộ phương án thứ hai, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có quan điểm khác với Thường trực Ủy ban Kinh tế. Theo Chủ tịch Quốc hội, phương án thứ nhất có bất cập là cùng một việc mà 2 chủ thể phê duyệt 2 bước (Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Công Thương).

“Như thế có đúng tinh thần cải cách hành chính không? Rồi sau này có việc gì chủ thể nào chịu trách nhiệm?”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ băn khoăn. 

THẢO PHƯƠNG


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết