A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Tinh gọn bộ máy: Đổi mới từ công tác cán bộ

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”([1]).

Chính vì vậy, ở bất kỳ thời điểm lịch sử nào, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn chú trọng đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ để có đủ sức mạnh hoàn thành sứ mệnh cao quý mà Đảng và nhân dân giao phó. Ngay sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời năm 1945, mặc dù gặp nhiều khó khăn phải giải quyết, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh tiến hành ngay việc xây dựng và chấn chỉnh bộ máy chính quyền các cấp, không ngừng đổi mới nền hành chính trên cả 3 lĩnh vực, đó là: Không ngừng đổi mới và ngày càng tăng cường tính chất “nhân dân” của bộ máy hành chính dân chủ cộng hòa; Xây dựng bộ máy của các cơ quan hành chính từ Trung ương đến địa phương luôn sát dân, gọn nhẹ và hiệu quả; Kiên trì xây dựng một đội ngũ cán bộ hành chính có lòng trung thành, có đạo đức cách mạng cần, kiêm, liêm chính “tận tâm làm việc, một người làm bằng hai, ba người”([2]).

Bác Hồ nói chuyện với các đồng chí lãnh đạo xã và Ban chủ nhiệm HTX nông nghiệp thôn Lạc Trung, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc về công tác quy hoạch ruộng đất (25-1-1961). Ảnh tư liệu

Nhiều nguyên tắc do Chủ tịch Hồ Chí Minh quy định hiện nay vẫn còn nguyên giá trị, chẳng hạn nguyên tắc pháp quyền dân chủ, nguyên tắc “những gì có lợi cho dân phải hết sức làm, những gì có hại cho dân phải hết sức tránh”; nguyên tắc “vì việc mà tìm người chứ không vì người mà đặt việc”; nguyên tắc “xây dựng một nhà nước ít tốn kém”; xây dựng một nền hành chính gần dân, vì dân và gọn nhẹ (Chính phủ Liên hiệp kháng chiến do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, được thành lập ngày 2-3-1946 tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa I nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa chỉ có 10 bộ).

Trong kháng chiến chống Pháp, khó khăn, thử thách càng nhiều hơn, để đẩy mạnh kháng chiến kiến quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ phải tăng cường nhiệm vụ củng cố chính quyền, chỉnh đốn và kiện toàn bộ máy, sửa đổi cách làm việc: “Chấn chỉnh bộ máy chính quyền từ dưới lên trên, bắt đầu từ xã; dưới làm lên trên, trên làm xuống dưới, tự nhiên mọi việc sẽ thành”([3]); “Phải sửa chữa lối làm việc cho hợp lý, vừa với điều kiện của ta, đừng phạm vào hình thức, máy móc” ([4]).

Để cho bộ máy kháng chiến hành chính chạy nhanh hơn, đều hơn, để mau chóng đi đến thắng lợi hoàn toàn thì chính quyền, đoàn thể, cán bộ từ Trung ương đến địa phương phải gột rửa sạch những bệnh quan liêu, mệnh lệnh, hình thức, phải luôn luôn đi sát với quần chúng, phải thực hành cần, kiệm, liêm, chính.

Bước sang những năm 60 của thế kỷ XX, thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải tiến hành hai nhiệm vụ chiến lược: Thực hiện đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh càng chú trọng hơn tới xây dựng và phát huy vai trò của hệ thống chính trị, vai trò tiền phong, gương mẫu của các cán bộ đảng viên: “cần phải thiết thực tổ chức bộ máy sản xuất mới, tích cực học tập quản lý kinh tế, cải tiến kỹ thuật.

Ngày nay, Đảng yêu cầu cán bộ và đảng viên chẳng những thạo về chính trị, mà còn phải giỏi về chuyên môn, không thể lãnh đạo chung chung” ([5]). Người cũng chỉ rõ những yếu tố ngăn trở công cuộc xây dựng, củng cố hệ thống chính quyền các cấp, xây dựng bộ máy Nhà nước dân chủ nhân dân khi cách mạng Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn mới. Những chỉ dẫn của Người cũng rất cụ thể và sâu sắc: “Về biên chế - Từ các bộ, các ngành và các địa phương, bộ máy đều quá cồng kềnh và càng ngày càng phình ra. Vì vậy mà sinh ra quan liêu, lãng phí”([6]); “Trong bộ máy của Nhà nước, số người làm việc giấy tờ và những việc linh tinh có nơi cũng còn quá nhiều. Ví dụ: Đến một vài cơ quan, chúng ta vẫn phải qua quá nhiều "cửa ải": ngoài cổng, một người xem giấy; vào phòng thường trực lại một người ghi tên; ở chân cầu thang, một người ách lại, đến đầu cầu thang, lại một người "hỏi han". Thật là phung phí sức lao động!”([7]).

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, việc tinh gọn bộ máy phải bắt đầu từ những việc rất cụ thể, rất chi tiết và rất thực tế. Tuy nhiên, muốn làm được việc này, phải bắt đầu từ sự thay đổi tư duy.

Cốt lõi nhất trong tinh gọn bộ máy là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức để thực sự đáp ứng được yêu cầu của kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Cần thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy dân chủ gắn với tăng cường trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu trong công tác cán bộ; đổi mới mạnh mẽ các khâu trong công tác cán bộ; xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Cùng với đó, hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra định kỳ, đột xuất; theo chuyên đề, chuyên ngành; của cấp trên đối với cấp dưới; cấp dưới giám sát cấp trên. Coi trọng cả cảnh báo, phòng ngừa và xử lý sai phạm, bảo đảm không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ”.

Nhận diện rõ, đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với các đối tượng có biểu hiện, hành vi chạy chức, chạy quyền. Coi trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao ý thức trách nhiệm, lòng tự trọng và danh dự của cán bộ để hình thành văn hóa không chạy chức, chạy quyền.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết