A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Bảo đảm công nghiệp quốc phòng là mũi nhọn của công nghiệp quốc gia

Công nghiệp quốc phòng (CNQP) là một bộ phận của nền công nghiệp quốc gia, đồng thời cũng là thành tố quan trọng trong xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh (QPAN), góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương “kết hợp QPAN với kinh tế, kinh tế với QPAN”, tạo cơ sở, nền tảng để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới.

Chủ trương đúng - kết quả cao

Những năm qua, nhiệm vụ xây dựng và phát triển CNQP luôn được Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; là chủ trương chiến lược, xuyên suốt. Từ Đại hội IX, nhiệm vụ xây dựng, phát triển CNQP Việt Nam tự cường, hiện đại, lưỡng dụng đã được Đảng ta xác định là vấn đề có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đến Đại hội XIII, nội dung này tiếp tục được Đảng ta khẳng định và nâng lên một tầm mức mới, đó là: “Phát triển CNQP, an ninh theo hướng lưỡng dụng, ngày càng hiện đại, có trình độ khoa học-công nghệ cao, là bộ phận quan trọng và trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia...”. Ngày 26-1-2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về “Đẩy mạnh phát triển CNQP đến năm 2030 và những năm tiếp theo”, trong đó tiếp tục xác định xây dựng nền CNQP chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia; đòi hỏi CNQP phải làm chủ được công nghệ tiên tiến, hiện đại, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng Quân đội hiện đại, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng kiểm tra sản phẩm bình bọt cứu hỏa do Nhà máy Z183, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng sản xuất (tháng 11-2024). Ảnh: MINH TUẤN 

Quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của trên, những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp phát triển CNQP theo hướng lưỡng dụng, hiện đại, từng bước hiện đại hóa, nâng cao sức mạnh, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội, đóng góp tích cực, hiệu quả vào quá trình xây dựng, phát triển kinh tế đất nước. Nhờ đó, cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển CNQP ngày càng được quan tâm, từng bước hoàn thiện; tổ chức lực lượng CNQP trong toàn quân được củng cố, kiện toàn, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, có sự gắn kết, hòa nhập với công nghiệp quốc gia. Ngành CNQP được quan tâm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, xác định được hướng, ngành mũi nhọn; công tác huy động tiềm lực khoa học-công nghệ và công nghiệp quốc gia trong xây dựng, phát triển CNQP có nhiều chuyển biến tích cực; hoạt động hợp tác quốc tế về CNQP ngày càng được chú trọng, mở rộng.

Cùng với đó, các dự án đầu tư phát triển CNQP, nhất là các dự án trọng điểm, công nghệ cao được triển khai quyết liệt, bước đầu đem lại hiệu quả tích cực; năng lực nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) có bước đột phá, khởi sắc. Ngành CNQP hiện đã từng bước làm chủ công nghệ sản xuất, sửa chữa, cải tiến, số hóa nhiều loại VKTBKT thế hệ mới, công nghệ cao, hiện đại, đáp ứng một phần nhu cầu VKTBKT cung cấp cho toàn quân. Ngoài ra còn sản xuất được nhiều sản phẩm kinh tế có chất lượng cho thị trường trong và ngoài nước...

Để công nghiệp quốc phòng vươn mình

Dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường; cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ có những tác động mạnh mẽ, ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực quân sự, quốc phòng. Vì vậy, việc đẩy mạnh xây dựng, phát triển CNQP nhằm từng bước hiện đại hóa, nâng cao sức mạnh, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội và tiềm lực QPAN của đất nước, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội càng trở nên cấp thiết. Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chiến lược này cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đối với nhiệm vụ xây dựng, phát triển CNQP trong tình hình mới. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục; tích cực đổi mới tư duy, nhận thức về phát triển CNQP, vừa bảo đảm cho mục tiêu QPAN vừa đóng góp tích cực vào thực hiện các mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Dây chuyền sản xuất quốc phòng tại Nhà máy Z115, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng. Ảnh: MINH TUẤN 

Bộ Quốc phòng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện thể chế về CNQP; quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển CNQP trong từng giai đoạn cụ thể, huy động tiềm lực quốc gia trong xây dựng, phát triển lĩnh vực này. Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, lộ trình, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý về CNQP, bảo đảm thuận lợi trong quá trình đổi mới, hội nhập; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời tháo gỡ những rào cản để khuyến khích, thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển CNQP theo hướng lưỡng dụng.

Bên cạnh đó, cần tập trung quy hoạch, định hướng sản xuất các sản phẩm lưỡng dụng phù hợp với thế mạnh, có khả năng cạnh tranh. Cùng với làm tốt công tác quy hoạch, định hướng phát triển sản phẩm theo hướng lưỡng dụng, ngành CNQP tiếp tục kiện toàn mô hình tổ chức, hoạt động của các cơ sở sản xuất, sửa chữa theo hướng gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, thiết kế và sản xuất, bảo đảm CNQP hòa nhập và trở thành mũi nhọn công nghiệp quốc gia, nâng cao hiệu quả kết hợp quốc phòng với kinh tế. Ngoài ra, cần quyết liệt tổ chức, sắp xếp lại các cơ sở CNQP theo hướng giảm số lượng, tăng quy mô, có sự gắn kết chặt chẽ với công nghiệp dân sinh. Đồng thời tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác, hình thành các liên doanh với nước ngoài trong một số lĩnh vực như vật liệu mới, cơ khí chế tạo, điện tử viễn thông...

Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học-công nghệ toàn cầu, ngành CNQP cần nghiên cứu, tính toán, tập trung đầu tư vào những lĩnh vực công nghệ cốt lõi, có tính dẫn hướng, tiên phong trong thiết kế, chế tạo VKTBKT mới. Đẩy mạnh liên doanh, liên kết với đối tác trong và ngoài nước về phát triển công nghệ chế tạo các chi tiết, bán thành phẩm, các ngành phụ trợ có tính lưỡng dụng cao, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Các nhà máy, cơ sở nghiên cứu CNQP trong toàn quân cần tiếp tục đầu tư đổi mới, hiện đại hóa công nghệ, gắn phát triển hạ tầng kỹ thuật với đào tạo nguồn nhân lực. Tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các chương trình, dự án trọng điểm về hiện đại hóa CNQP ở một số lĩnh vực mũi nhọn, phát triển các hệ thống vũ khí mới, hiện đại; từng bước chuyển giao công nghệ cho công nghiệp dân dụng, tạo nền tảng, động lực để phát triển công nghiệp quốc gia.

Các cán bộ, chiến sĩ tham quan sản phẩm do ngành công nghiệp quốc phòng sản xuất. Ảnh: MINH TUẤN 

Ngoài ra, cần quan tâm xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho CNQP; trước mắt ưu tiên xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ khoa học có trình độ cao, các nhóm nghiên cứu mạnh, chuyên sâu kết hợp đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng nguồn nhân lực hiện có. Đồng thời tiếp tục nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, chú trọng áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quản lý, điều hành doanh nghiệp cũng như trong quản lý chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh nghiên cứu, mở rộng thị trường, tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư; mở rộng quan hệ với đối tác cả trong và ngoài nước để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào đà tăng trưởng kinh tế chung của đất nước.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết