Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sắp xếp đơn vị hành chính phải bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các chủ thể liên quan
Sáng 31-7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã là nhiệm vụ phù hợp tình hình cụ thể mỗi giai đoạn. Thời gian qua, việc sắp xếp đơn vị hành chính đã góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng, trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Dương Giang |
Thủ tướng thẳng thắn chỉ rõ, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thời gian qua còn có một số khó khăn, vướng mắc. Thủ tướng cho rằng, trong sắp xếp đơn vị hành chính cần có sự chỉ đạo, hướng dẫn đồng bộ, thống nhất, liên thông của Đảng, các cấp chính quyền và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, tạo đồng thuận cao trong quá trình thực hiện sắp xếp; thực hiện sắp xếp phải được tiến hành khoa học, khách quan, công khai, minh bạch; bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chịu ảnh hưởng của việc sắp xếp và các chủ thể có liên quan.
Cũng theo Thủ tướng, việc bố trí và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức bị ảnh hưởng khi sắp xếp phải kịp thời, đúng đối tượng, đúng quy định pháp luật; công tác kiểm tra, giám sát phải thường xuyên, bảo đảm kịp thời tháo gỡ, giải quyết vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện; việc sắp xếp đơn vị hành chính phải tính đến các yếu tố đặc thù, mục tiêu mở rộng không gian, tạo động lực phát triển, khả năng sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dôi dư và quản lý của chính quyền địa phương…
Thủ tướng Chính phủ lưu ý, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải thực hiện trong thời gian ngắn, trong khi nguồn lực có hạn, do đó để làm làm tốt thì tư tưởng phải thông, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động phải quyết liệt nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm đúng quy định, công khai, minh bạch, không dàn trải; không cầu toàn, không nóng vội; bảo đảm ổn định hệ thống chính trị, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong quá trình sắp xếp.
Thủ tướng nêu các nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, triển khai hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong thời gian tới.
Trong đó, các cấp, ngành, địa phương phải tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất cao về nhận thức, sự đồng thuận trong toàn hệ thống chính trị và của nhân dân; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, bảo đảm mục tiêu, yêu cầu đề ra; bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, bao trùm, thực hiện có lộ trình, theo từng giai đoạn, mỗi giai đoạn có trọng tâm, trọng điểm, có cách làm phù hợp, chặt chẽ, thận trọng, hiệu quả; bảo đảm phù hợp với các quy hoạch, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, bảo đảm phát huy hiệu quả nguồn lực của Nhà nước và xã hội.
Thủ tướng cũng yêu cầu việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải gắn với việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; hiện đại hóa nền hành chính, xây dựng chính quyền số, xã hội số; vừa phải căn cứ theo các tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số và các tiêu chí, điều kiện theo quy định của pháp luật; vừa phải chú trọng cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, điều kiện địa lý - tự nhiên, cộng đồng dân cư.
Thủ tướng nêu yêu cầu, quá trình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính phải giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế trong giai đoạn 2019 - 2021; thực hiện chế độ, chính sách hợp lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và đối với người dân có liên quan tại các đơn vị hành chính sau sắp xếp; tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp; bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội, nâng cao đời sống người dân.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo, sau Hội nghị này các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo tổ chức thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 với tinh thần quyết liệt, làm đến đâu chắc đến đó, bảo đảm trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật và tôn trọng, lắng nghe ý kiến nhân dân, hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ mà Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã giao.
Đối với các địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục quán triệt, phổ biến và xây dựng Kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính phù hợp với thực tiễn; xây dựng Phương án tổng thể, Đề án sắp xếp đơn vị hành chính, sớm trình các cấp có thẩm quyền xem xét; tập trung làm tốt công tác vận động, tạo sự đồng thuận, ủng hộ cao; chú trọng phương án bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư; bố trí, xử lý trụ sở làm việc và tài sản công; các chế độ, chính sách đặc thù; bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội và ổn định đời sống của nhân dân ở các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp; có kế hoạch cân đối, chuẩn bị ngân sách, nguồn lực từ sớm, huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp trên địa bàn sớm ổn định về tổ chức và hoạt động.