Longform | Từ chuyện ‘sức nước ngàn năm’ đến kỷ nguyên vươn mình của hàng hoá Việt – Bài 3
Sức mạnh của doanh nghiệp Việt được ví như những “quả đấm thép”, tạo cho hàng Việt ngày càng có chất lượng và chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Trong môi trường kinh doanh thuận lợi được tạo dựng nhiều năm qua, các doanh nghiệp đã chủ động đầu tư phát triển sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu, hình thành nét văn hóa cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm. Sức mạnh của doanh nghiệp Việt được ví như những “quả đấm thép”, tạo cho hàng Việt ngày càng có chất lượng và chỗ đứng vững chắc trên thị trường. |
Nhân lên sức mạnh nhờ những cái "bắt tay" |
Việt Nam có đến hần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động trong mọi ngành nghề khác nhau. Mỗi doanh nghiệp một thế mạnh, và nhiều thế mạnh trong đó có thể bù trừ hiệu quả cho nhau. Chính vì lẽ đó, trong giai đoạn năm 2011 - 2012 – giai đoạn đỉnh điểm của khó khăn, trước yêu cầu bức bách đưa nền kinh tế đất nước vượt qua thách thức, Bộ Công Thương đã đề nghị các doanh nghiệp trong nước ưu tiên tiêu thụ hàng hóa nguyên, nhiên, vật liệu của nhau. Lúc bấy giờ, 11 tập đoàn, tổng công ty đã cùng ngồi lại với nhau với quyết tâm: Chung tay cứu lấy thị trường. Điển hình là việc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhập hàng hóa, nguyên, phụ liệu từ các doanh nghiệp trong nước để may đồng phục cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines). Đặc biệt, phong trào này đến nay vẫn được hưởng ứng nhiệt liệt. |
Đơn cử, ông Nguyễn Hữu Tú – Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành Tập đoàn Hoá chất Việt Nam(Vinachem) cho biết, ngay sau khi Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được phát động, Đảng ủy Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng quy chế, phân công nhiệm vụ đối với các thành viên Ban chỉ đạo Cuộc vận động. Trong đó, lãnh đạo Tập đoàn cũng như lãnh đạo các đơn vị thành viên luôn chú trọng xây dựng văn hóa, khuyến khích, nâng cao nhận thức về việc ưu tiên mua sắm, sử dụng sản phẩm, dịch vụ mang thương hiệu Việt; động viên, khuyến khích các đơn vị ưu tiên sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của nhau trong nội bộ Tập đoàn, các doanh nghiệp thuộc Khối doanh nghiệp Trung ương và các đơn vị khác trong nước. Đồng thời, Tập đoàn luôn kêu gọi, khuyến khích các đơn vị đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, thường xuyên cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ của mình để đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng và cũng là để hưởng ứng Cuộc vận động. Nhờ đó, trong năm 2023, các đơn vị thành viên đã chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau với tổng giá trị mua sắm nội bộ giữa các đơn vị thuộc Tập đoàn đạt xấp xỉ 3.750 tỷ đồng. Đến nay, Vinachem đã tích cực hợp tác, sử dụng nhiều loại hình sản phẩm, dịch vụ của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong nước như: Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam... Tổng giá trị sử dụng dịch vụ, hàng hóa Việt Nam phục vụ sản xuất kinh doanh của Tập đoàn trong 5 năm gần đây ước đạt khoảng 115.000 tỷ đồng. . |
Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt – Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) – đơn vị vinh dự 9 năm liền có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia chia sẻ, những năm qua, thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", DRC đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Nhờ Cuộc vận động, với phong trào doanh nghiệp ưu tiên sử dụng sản phẩm, hàng hoá của nhau, DRC đã kết nối thành công với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp ô tô như Thaco, Chiến Thắng, Vinfast… và trở thành nhà cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp này. Sự ủng hộ này đã giúp DRC tiếp cận với doanh nghiệp của nhà nước, phối hợp cùng nhau để giảm chi phí cho khách hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh, cùng nhau phát triển. “Vận động sử dụng sản phẩm của nhau là thành tựu lớn nhất của Cuộc vận động, là hoạt động thiết thực tạo nên sức mạnh cộng sinh cho doanh nghiệp Việt” – ông Lê Hoàng Khánh Nhựt nhấn mạnh. |
không ngừng Nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm |
Để triển khai Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", vận động người dân ưu tiên dùng hàng Việt chỉ là một phần, quan trọng và mang lại lợi ích lâu dài phải là giá trị cốt lõi của sản phẩm Việt. Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, từ những năm 90 của thế kỷ trước, Ban lãnh đạo May 10 đã xây dựng chiến lược phát triển thị trường nội địa song song với thị trường xuất khẩu. Dù hiện nay 80% doanh thu của May 10 là xuất khẩu nhưng May 10 luôn xác định thị trường trong nước sẽ là một trong những cách hiện thực hóa chiến lược phát triển bền vững và lâu dài của Tổng Công ty. Từ nhận thức đó, với việc luôn nghiêm túc chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị hiếu khách hàng cùng những cộng hưởng từ Cuộc vận động, thương hiệu May 10 đã được lan tỏa nhiều và sâu rộng. Đến nay sau 15 năm Cuộc vận động triển khai, thương hiệu May 10 đã có quy mô tăng trưởng gấp 3 lần; các thương hiệu do May 10 sản xuất như Grus, May 10 Series…, gần đây nhất là 2 thương hiệu mới Generos và DeTheia không chỉ được người tiêu dùng trong nước tin dùng mà còn được xuất khẩu sang nhiều nước qua kênh thương mại điện tử. Bên cạnh đó, các sản phẩm veston, đồ công sở, đồ bảo hộ lao động… của May 10 cũng được người tiêu dùng ưa chuộng bởi chất lượng vượt trội. “Nhờ cuộc vận động, thương hiệu May 10 có thể lan tỏa rộng hơn rất nhiều. Trải qua 15 năm, khi hàng Việt đi vào lòng người tiêu dùng trong nước thì quy mô của May 10 cũng tăng gấp 3 lần, tất cả các thương hiệu do May 10 sản xuất ra không chỉ được người tiêu dùng Việt Nam trong nước tin dùng mà còn được người Việt Nam tại nước ngoài chọn sử dụng” – ông Thân Đức Việt nói. |
Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, TS.Tô Hoài Nam – Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, trong quá trình triển khai Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" thì đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất chính là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, kể cả doanh nghiệp siêu nhỏ. Vì khi lựa chọn hàng hoá, người tiêu dùng sẽ quan tâm đến chất lượng, giá cả và thương hiệu. Tất cả những yếu tố này thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa “đuối sức” hơn các doanh nghiệp lớn. Do đó, nhờ vận động ưu tiên dùng hàng Việt Nam, người tiêu dùng đã nghĩ nhiều hơn đến hàng Việt, ưu tiên lựa chọn hàng Việt, nhất là hàng hoá do doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp tiêu thụ hàng hoá, cũng là động lực để doanh nghiệp vươn lên làm chủ thị trường. 15 năm qua, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã vươn lên, chinh phục người tiêu dùng nội địa và quốc tế nhờ sự trợ lực vô cùng ý nghĩa đó. |
Doanh nghiệp bán lẻ ưu tiên phân phối và tiêu dùng hàng Việt |
Nếu như các doanh nghiệp sản xuất luôn chú trọng làm ra các sản phẩm chất lượng thì các doanh nghiệp bán lẻ lại chú trọng phân phối các sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng. Bà Nguyễn Thị Phương - Tổng giám đốc WinCommerce nhớ lại, WinCommerce đã tham gia Cuộc vận động ý nghĩa này được khoảng 7 năm. “Là những người tiếp bước chúng tôi thấy vừa trách nhiệm, vừa tự hào. Trách nhiệm đó là làm thế nào để những người tiếp bước có thể thực hiện tốt Cuộc vận động ưu tiên sử dụng và dần trở thành tự hào dùng hàng Việt” – bà Nguyễn Thị Phương nói. Hiện thực hoá “niềm tự hào đó”, hiện WinCommerce đã phát triển với 133 đại siêu thị và siêu thị; gần 4000 cửa hàng Minimart, có mặt 62/63 tỉnh thành trên cả nước với những mô hình thành công cả ở thành thị lẫn nông thôn. Qua đó, WinCommerce hiện diện tại khắp các thôn, xã, các tỉnh thành vùng sâu, vùng xa. Đây là kênh rất tốt để đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng. |
Bà Phương nêu rõ, tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những sản phẩm có thương hiệu mới chiếm khoảng 40%. Bên cạnh đó, có rất nhiều hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Vì vậy, sự phát triển của WinCommerce đã giúp kết nối các doanh nghiệp hàng Việt, các hộ nông dân và các hợp tác xã để đưa hàng hóa chính hãng đến tận tay người tiêu dùng. Qua hệ thống bán lẻ hiện đại, các siêu thị còn đang giúp cho các sản phẩm hàng hóa Việt phát triển được thương hiệu và gia tăng được giá trị một cách nhanh chóng. “Hệ thống bán lẻ của chúng tôi giúp các nhà sản xuất bước đầu tiên là lên quầy kệ. Nhưng sản phẩm có nằm được trên quầy kệ hay không là phụ thuộc vào chất lượng sản phẩm”, nghe có vẻ phũ phàng khi một nhà phân phối đặt vấn đề với các nhà sản xuất, tuy nhiên, thực tế đến ngày hôm nay, có thể chứng minh hơn 90% hàng Việt đang hiện hữu tại các siêu thị - đây là con số biết nói và chứng minh được rằng “Người Việt Nam đang yêu, tin và sử dụng hàng Việt bằng chính giá trị sản phẩm mang lại cho người tiêu dùng” – bà Nguyễn Thị Phương nói. Ông Nguyễn Anh Đức – Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) thông tin thêm, là đơn vị thuần Việt, do người Việt xây dựng và vì người Việt phục vụ, vì vậy, Saigon Co.op luôn gắn bó với hàng Việt và thị trường Việt Nam. Đến thời điểm này, hàng Việt ăn vào máu, vào thịt của tập thể những người lao động trong Saigon Co.op và đây là động lực phát triển của Saigon Co.op. Chúng tôi cũng là đơn vị thụ hưởng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong suốt thời gian vừa qua. “Lẽ tự nhiên, tinh thần yêu mến và sự tiên phong trong việc phát triển hàng Việt trong bối cảnh hội nhập quốc tế” đó là những mối quan hệ giữa Saigon Co.op và hàng Việt” – ông Nguyễn Anh Đức chia sẻ. Đồng thời cho biết, xuyên suốt trong 15 năm qua và những kế hoạch trong thời gian sắp tới, với Saigon Co.op, có những sự chuyển mình rất lớn từ Cuộc vận động đem lại. |
Cụ thể, sự thành công đã vượt qua khuôn khổ của Cuộc vận động, không chỉ người Việt ưu tiên dùng hàng Việt mà hàng Việt còn từng bước chinh phục thị trường nước ngoài thông qua số lượng hàng Việt được xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Gạo, cà phê đã trở thành nông sản xuất khẩu số 1 tại nhiều thị trường. Đó là tình yêu đối với hàng Việt của người tiêu dùng toàn cầu. Bên cạnh đó, xu hướng của các doanh nghiệp Việt Nam có sự thay đổi, có những doanh nghiệp trước đây chỉ chú trọng thị trường quốc tế thì 5 năm trở lại đây, họ đã quay trở lại thị trường trong nước. Việc này thể hiện trình độ phát triển của thị trường trong nước ở mức cao hơn, đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa của thị trường trong nước. Đâu đó còn là tình yêu, tình thương với khía cạnh khai thác hàng Việt với dịch vụ Việt Nam. “Có lẽ, kết quả từ Cuộc vận động được cô đọng trong 2 cụm từ: “Chuyển biến mạnh mẽ, hiểu và thương hàng Việt” của người tiêu dùng Việt và của cả thị trường quốc tế đối với hàng Việt” – ông Nguyễn Anh Đức bày tỏ. Bài 4: Đưa thị trường trong nước trở thành "tuyến phòng ngự" vững chắc |