Tăng cường sự tham gia của người dân trong cải cách hành chính
UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị, địa phương chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế, yếu kém trong thực thi công vụ; nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân, doanh nghiệp.
Chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính
UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch thông tin, tuyên truyền về “Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và triển khai Đề án 06/Chính phủ” trên địa bàn thành phố năm 2024.
Ảnh minh họa |
Kế hoạch thông tin, tuyên truyền nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trên địa bàn Thủ đô về ý nghĩa, mục tiêu, tầm quan trọng của công tác kiểm soát TTHC, việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong tiếp nhận và giải quyết TTHC trên địa bàn TP Hà Nội, công tác cải cách TTHC trọng tâm và thực hiện Đề án 06/Chính phủ đảm bảo hiệu quả và tính minh bạch của bộ máy hành chính.
Kế hoạch cũng nhằm triển khai hiệu quả Đề án 06 với tinh thần năm 2024 là “Hoàn thiện thể chế, hạ tầng, số hóa dữ liệu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đẩy mạnh triển khai Đề án 06 phục vụ hiệu quả người dân, doanh nghiệp” (theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ). Việc triển khai phải có trọng tâm trọng điểm, theo phương châm dữ liệu phải “đúng, đủ, sạch, sống”, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin; nâng cao chất lượng cung cấp và sử dụng dịc vụ công trực tuyến; đẩy mạnh các tiện ích khai thác dữ liệu dân cư nhằm phục vụ phát triển kinh tế xã hội tạo nền tảng phục vụ phát triển ứng dụng Công dân số.
Thành phố đẩy mạnh triển khai công tác cải cách TTHC đảm bảo thực hiện có kết quả, thực chất, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong năm 2024 trong việc tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC; áp dụng các kinh nghiệm, phương pháp tiên tiến của quốc tế và các địa phương để thí điểm triển khai một số nhiệm vụ cải cách TTHC trong năm 2024, tạo đà để nhân rộng triển khai trong năm 2025 và giai đoạn tiếp theo.
Thành phố yêu cầu chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế, yếu kém trong thực thi công vụ; nâng cao chất lượng giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, UBND các xã, phường, thị trấn; tăng cường sự tham gia của người dân trong thực hiện CCHC, mở rộng kênh thông tin để người dân, doanh nghiệp được tiếp cận đầy đủ, chính xác, minh bạch thông tin về CCHC tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội.
Cùng với đó, thành phố hoàn thiện và triển khai kế hoạch chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh năm 2024, trong đó xác định chủ đề chung năm 2024 là “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số và dữ liệu số”; tăng cường thiết lập các kênh truyền thông để các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố và tổ chức, doanh nghiệp, người dân tích cực hưởng ứng tham gia chuyển đổi số, xây dựng, quản lý, giám sát và vận hành thành phố thông minh.
Thành phố yêu cầu nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành thuộc thành phố trong công tác tuyên truyền về cải cách TTHC trọng tâm năm 2024; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong các cơ quan hành chính nhà nước về hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hành chính trong cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn; xác định việc triển khai Đề án 06/Chính phủ tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục ở tất cả các cấp, ngành, địa phương trên cơ sở huy động sự tham gia tích cực của toàn dân và cả hệ thống chính trị.
Các cơ quan truyền thông, báo chí phát huy vai trò trong việc phát hiện và phản ánh chính xác, kịp thời những mặt tích cực, những sáng kiến, giải pháp, mô hình, tấm gương tiêu biểu hoặc những biểu hiện, hành vi chưa đúng của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ về kiểm soát TTHC; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, cải cách TTHC trọng tâm; cải cách chế độ công vụ, công chức và đẩy mạnh phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.
Huy động sự tham gia tích cực của toàn dân
Theo kế hoạch, UBND TP Hà Nội yêu cầu các Sở, ban, ngành thành phố; UBND cấp huyện, xã; các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kịp thời, gắn liền với các hoạt động, sự kiện liên quan.
Ảnh minh họa |
Về nhiệm vụ cụ thể, UBND TP Hà Nội yêu cầu triển khai công tác thông tin, tuyên truyền thiết thực, hiệu quả; phổ biến nội dung về kiểm soát TTHC và nội dung, quy định của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ (đã được sửa đổi, bổ sung); các điểm mới của Nghị định 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ trực tuyến của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng kịp thời, đầy đủ, thường xuyên, rộng khắp, phù hợp với tình hình, đặc điểm, yêu cầu và khả năng của từng đối tượng, từng lĩnh vực và từng địa bàn.
Các đơn vị, địa phương đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền việc triển khai các Kế hoạch trọng tâm của thành phố trong năm 2024 về kiểm soát TTHC với thông tin, tuyên truyền về cải cách TTHC, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; cải cách TTHC trọng điểm; Đề án 06 Chính phủ; chuyển đối số, xây dựng Thành phố thông minh.
Các đơn vị kết hợp đa dạng hóa hình thức thông tin để giúp các cơ quan, doanh nghiệp và người dân hiểu về tầm quan trọng, vai trò, mục tiêu của công tác kiểm soát TTHC và cải cách TTHC; huy động nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội để triển khai thực hiện tốt công tác kiểm soát TTHC và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Thành phố yêu cầu đẩy mạnh nội dung tuyên truyền về quyền, nghĩa vụ cũng như trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, đạo đức của cán bộ, công chức, được phân công thực hiện TTHC, kiểm soát TTHC; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, doanh nghiệp, công dân trong mối quan hệ với cơ quan hành chính nhà nước khi thực hiện TTHC; thông tin rộng rãi đến cộng đồng người dân và doanh nghiệp về hoạt động và kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách TTHC, kiểm soát TTHC của thành phố; hướng dẫn người dân và doanh nghiệp thực hiện, tra cứu tiến độ giải quyết các TTHC được tiếp nhận hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận Một cửa, qua dịch vụ bưu chính công ích, trên môi trường điện tử, dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần qua Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của thành phố và Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Bên cạnh đó, các đơn vị tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân Thủ đô về ý nghĩa, mục tiêu, tầm quan trọng của công tác cải cách TTHC, việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông của các cơ quan hành chính trên địa bàn; phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số và việc giải quyết các TTHC và các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công thành phố, Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Ngoài ra, thành phố yêu cầu tập trung tuyên truyền tới nhóm công dân trẻ: học sinh, sinh viên, người lao động trên địa bàn Thủ đô về các hình thức giải quyết các TTHC trên môi trường điện tử qua hệ thống trực tuyến giải quyết TTHC của thành phố và Cổng dịch vụ công Quốc gia.