Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ở Hải Phòng: Đáp ứng yêu cầu hiện tại và định hướng phát triển bền vững
Cách làm khác biệt trong sắp xếp đơn vị hành chính của Hải Phòng đã tạo ra mô hình tiên tiến, hiệu quả và bền vững. Thành phố đã triển khai những cải tiến đột phá, tận dụng tối đa công nghệ và dữ liệu lớn để định hình các khu vực hành chính một cách hợp lý, tối ưu hóa tài nguyên và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Nhờ vậy, thành phố đã giải quyết được các vấn đề hiện tại, đưa ra định hướng phát triển lâu dài, bền vững cho tương lai.
Hải Phòng là một trong 6 địa phương của cả nước được Thủ tướng Chính phủ biểu dương (tại văn bản số 829/TTg-NC, ngày 17/10/2024) về thực hiện tốt việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Phóng viên TTXVN đã có buổi trao đổi với Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hải Phòng Lê Anh Quân về nội dung này.
+ Tạo đồng thuận, thống nhất cao
*Phóng viên: Xin ông cho biết sự chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt của lãnh đạo UBND thành phố Hải Phòng để đảm bảo quá trình triển khai việc sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn đạt hiệu quả, đúng tiến độ?
*Ông Lê Anh Quân: Thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW, ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030, thành phố đã triển khai xây dựng 3 Đề án sắp xếp, thành lập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn. Cụ thể: Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của thành phố Hải Phòng; Thành lập thành phố Thủy Nguyên; Thành lập quận An Dương và mở rộng quận Hồng Bàng.
Với 3 Đề án trên, thành phố thực hiện sắp xếp 4/15 đơn vị hành chính cấp huyện và 101/217 đơn vị hành chính cấp xã (chiếm 47% tổng số đơn vị hành chính cấp xã toàn thành phố) để thành lập 51 đơn vị hành chính cấp xã mới (các đơn vị hình thành sau sắp xếp đều đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định), giảm 50 đơn vị hành chính cấp xã (giảm 23% số đơn vị hành chính cấp xã). Sau khi hoàn thành việc sắp xếp, Hải Phòng có 15 đơn vị cấp huyện (8 quận, 6 huyện và 1 thành phố); 167 đơn vị hành chính cấp xã.
Có thể khẳng định, việc triển khai xây dựng các Đề án sắp xếp, thành lập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2023 - 2025 từ khi bắt đầu đã bám sát mục tiêu, nguyên tắc, yêu cầu tại Kết luận số 48-KL/TW, ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về "tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030"; Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15, ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030"; Nghị quyết số 117/NQ-CP, ngày 30/7/2023 của Chính phủ ban hành "Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025" phù hợp với thực tế của thành phố và các địa phương, đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ theo quy định.
Thành phố chuẩn bị các điều kiện để các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới đi vào hoạt động theo đúng quy định khi nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc có hiệu lực thi hành (từ ngày 1/1/2025). Đồng thời, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân khi triển khai nghị quyết này; tạo động lực tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở mỗi địa phương.
+ Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng từ cơ sở
*Phóng viên: Thưa ông, sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, “tâm tư của cán bộ” là cụm từ được nhắc tới nhiều nhất. Ai đi - ai ở, ai nghỉ - ai làm? Chế độ chính sách thế nào cho thỏa đáng? Vậy thành phố Hải Phòng đã có bước đi, cách làm cụ thể nào để giải bài toán này?
*Ông Lê Anh Quân: Tại thời điểm xây dựng Đề án, theo báo cáo của các địa phương, khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, thành phố Hải Phòng sẽ dôi dư 1.147 người (gồm 840 cán bộ, công chức cấp xã và 307 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã).
Theo quy định, lộ trình giải quyết số lượng cán bộ, công chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính đảm bảo chậm nhất sau 60 tháng (5 năm) kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực thi hành. Trường hợp đặc biệt, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Tuy nhiên, việc bố trí, sắp xếp hoặc giải quyết chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính là vấn đề quan trọng. Do vậy, trong quá trình xây dựng Đề án, thành phố Hải Phòng đã có các bước chuẩn bị hết sức chủ động, bài bản. Ban Thường vụ Thành ủy, HĐND thành phố và UBND thành phố đã chỉ đạo và ban hành nhiều văn bản quan trọng và thực hiện các giải pháp phù hợp với thực tiễn từng địa phương.
Căn cứ các quy định và chỉ đạo của thành phố, các địa phương đã xây dựng phương án cụ thể để sắp xếp đối với 1.147 cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư nêu trên. Cụ thể như: Cho nghỉ công tác đến nhiệm kỳ mới (50 người); chuyển sang công chức đối với cán bộ cấp xã là 141 người; tinh giản biên chế hoặc thôi việc đối với 547 người (152 cán bộ cấp xã, 122 công chức cấp xã và 273 người hoạt động không chuyên trách); bố trí sang địa phương khác đối với 284 người (45 cán bộ cấp xã, 205 công chức cấp xã và 34 người hoạt động không chuyên trách) và phương án khác đối với 125 người.
Như vậy, cùng với việc xây dựng các Đề án về sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính, các địa phương đã chủ động xây dựng phương án cụ thể để bố trí, sắp xếp cũng như giải quyết chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính. Trường hợp địa phương có khó khăn, vướng mắc, thành phố sẽ xem xét để thực hiện việc bố trí, sắp xếp hoặc luân chuyển, điều động giữa các quận, huyện.
Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 18 HĐND thành phố (kỳ họp thường lệ giữa năm 2024 vừa qua), UBND thành phố đã trình HĐND thành phố thông qua Nghị quyết số 07/2024/NQ-HĐND ngày 19/7/2024 về chính sách hỗ trợ đối tượng tinh giản biên chế, đối tượng tự nguyện nghỉ công tác trước tuổi tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thành phố Hải Phòng.
Theo đó, đối tượng là cán bộ, công chức cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã được hưởng hỗ trợ bằng 1,5 lần tổng kinh phí được hưởng theo chính sách tinh giản biên chế quy định tại Nghị định số 29/2023/NĐ-CP, ngày 3/6/2023 của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế. Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, dôi dư do sắp xếp thôn, tổ dân phố khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nghỉ trong thời gian 12 tháng kể từ khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền ngoài việc hưởng chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP được hỗ trợ thêm 12 tháng phụ cấp hiện hưởng.
Đồng thời, Hải Phòng thực hiện tốt công tác vận động, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; bố trí nguồn ngân sách để hỗ trợ kinh phí, chính sách cho cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư giúp họ ổn định cuộc sống sau khi nghỉ công tác.
+ Căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ
*Phóng viên: Vai trò cấp ủy, người đứng đầu địa phương chuẩn bị như thế nào để chủ động thực hiện hiệu quả việc sắp xếp các đơn vị hành chính, thưa ông?
*Ông Lê Anh Quân: Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15, ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030" có đưa ra 6 nguyên tắc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Trong đó, nguyên tắc đầu tiên của việc sắp xếp đơn vị hành chính là “Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã”. Vì vậy, vai trò của cấp ủy và người đứng đầu các địa phương của Hải Phòng được lãnh đạo thành phố xác định là một trong những yếu tố quan trọng, có tính quyết định trong quá trình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Trong quá trình xây dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của thành phố, Thành ủy Hải Phòng đã ban hành chỉ thị để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030. Trong đó, xác định việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt trong giai đoạn 2023 - 2030 dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân công trong công tác sắp xếp đơn vị hành chính là căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu các địa phương.
Ngoài các giải pháp cũng như phương án nêu trên, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác vận động, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; vận động, thuyết phục các đồng chí giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý chủ động nghỉ công tác để nêu gương, dành cơ hội cho người trẻ hơn. Thành phố cũng bố trí nguồn ngân sách để hỗ trợ kinh phí, chính sách cho cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư, tạo điều kiện giúp các trường hợp này ổn định cuộc sống sau khi nghỉ công tác.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính không chỉ giảm đầu mối, giảm biên chế mà còn phải an dân. Theo đó, các địa phương phải làm tốt công tác tuyên truyền để tổ chức và cá nhân nắm rõ được các quy định về sắp xếp đơn vị hành chính. Đồng thời, các cơ quan liên quan phải tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để tiếp nhận, hướng dẫn, giải quyết kịp thời nhu cầu của tổ chức, cá nhân.
+ Cởi bỏ "chiếc áo" đô thị chật chội
*Phóng viên: Việc sáp nhập góp phần tạo ra không gian phát triển mới của thành phố Hải Phòng như thế nào, thưa ông?
*Ông Lê Anh Quân: Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về sắp xếp, thành lập và điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của thành phố, Hải Phòng có 2 đơn vị hành chính cấp huyện được nâng cấp từ đơn vị hành chính nông thôn lên đô thị (huyện Thủy Nguyên nâng cấp lên thành phố Thủy Nguyên, huyện An Dương thành đơn vị hành chính quận An Dương) và mở rộng không gian quận Hồng Bàng.
Việc thành lập thành phố Thủy Nguyên, quận An Dương, mở rộng quận Hồng Bàng và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã để tổ chức hợp lý hơn quy mô các đơn vị hành chính, tạo ra không gian phát triển mới cho thành phố. Đồng thời, góp phần xây dựng thành phố Hải Phòng xứng tầm với vị thế của đô thị loại I cấp quốc gia, phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW, Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 108/NQ-CP, ngày 26/11/2019 của Chính phủ ban hành "Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 "và mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Thành phố Thủy Nguyên (trên cơ sở toàn bộ diện tích huyện Thủy Nguyên và phần điều chỉnh địa giới hành chính quận Hải An và huyện Thủy Nguyên tại khu vực đảo Vũ Yên) với những tiềm năng, lợi thế sẵn có cùng việc trung tâm hành chính của thành phố Hải Phòng sẽ chuyển về và hoạt động ổn định vào đầu năm 2025 sẽ tạo thêm động lực thúc đẩy phát triển đột phá hơn nữa. Đồng thời là hạt nhân thúc đẩy Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế lớn, động lực phát triển của cả nước; là thành phố hiện đại, có vị thế trong khu vực và quốc tế.
Quận An Dương được thành lập nhằm thiết lập bộ máy chính quyền phù hợp với sự phát triển hiện có, thực hiện tốt hơn nữa các chức năng về quản lý đô thị, đáp ứng yêu cầu đô thị hóa, tạo điều kiện phát huy các tiềm năng, lợi thế sẵn có. Từ đó, khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý như: quản lý công nghiệp, thương mại, dịch vụ; quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc; quản lý kết cấu hạ tầng kỹ thuật; cảnh quan và bảo vệ môi trường.
Điều chỉnh địa giới hành chính huyện An Dương để mở rộng quận Hồng Bàng là bước đi phù hợp nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị. Cởi bỏ "chiếc áo" đô thị chật chội, không gian phát triển của quận được mở rộng giúp giảm áp lực về cơ sở hạ tầng cũng như mật độ dân số lên khu vực nội thị hiện hữu. Đồng thời, tạo tiền đề phát triển Hồng Bàng thành đô thị thương mại, dịch vụ xanh, văn minh, hiện đại; góp phần xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại; là trọng điểm kinh tế biển của cả nước như kỳ vọng của Tổng Bí thư Tô Lâm trong chuyến thăm và làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố vừa qua.
*Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!
Đoàn Minh Huệ (thực hiện)