A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1579/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thực hiện Quyết định số 490 ngày 9/4/2020, của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, đầu mối là Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với đơn vị tư vấn thực hiện nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh. Quy hoạch tỉnh Phú Thọ được xây dựng đảm bảo theo Luật Quy hoạch, theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với quy hoạch tổng thể Quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch các ngành, lĩnh vực cả nước.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1579/QĐ-TTg, ngày 5/12/2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1579/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Quyết định số 1579/QĐ-TTg nêu rõ: Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch tỉnh Phú Thọ với tổng diện tích tự nhiên 3.534,6 km2 gồm 13 đơn vị hành chính: Thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ và 11 huyện: Lâm Thao, Cẩm Khê, Hạ Hòa, Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Thanh Ba, Đoan Hùng, Phù Ninh, Thanh Thủy, Tam Nông.

Cùng với đó, xem xét việc lựa chọn nhiệm vụ trọng tâm và các khâu đột phá; định hướng phát triển và tổ chức không gian trong từng ngành; vấn đề bổ sung thêm năm khu công nghiệp, nhiều cụm công nghiệp.

Tỉnh Phú Thọ xác định rõ năm quan điểm phát triển chủ yếu:

Một là, phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng đất Tổ, cội nguồn dân tộc; phù hợp với định hướng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch tổng thể Quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch các ngành, lĩnh vực của cả nước; tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng Trung du miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội.

Hai là, thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, giá trị gia tăng gắn với tăng trưởng xanh; lấy kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn làm yếu tố then chốt để đảm bảo phát triển bền vững.

Ba là, thực hiện cơ cấu lại các ngành sản xuất, chuyển đổi mô hình phát triển theo chiều sâu; ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo và các ngành dịch vụ, du lịch trọng điểm.

Bốn là, phát huy tối đa nhân tố con người, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng quy mô, chất lượng dân số để tăng năng suất lao động.

Năm là, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội...

Tầm nhìn phát triển đến năm 2050, sẽ là tỉnh phát triển ở khu vực phía Bắc, nằm trong nhóm các tỉnh phát triển của cả nước; một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ và du lịch hàng đầu của vùng Trung du miền núi phía Bắc; là nơi đáng sống, đáng đến, an toàn và thịnh vượng. Để đạt được các mục tiêu trên, tỉnh Phú Thọ xác định các nhiệm vụ và đột phá chiến lược, bao gồm: Một trung tâm - Hai hành lang kinh tế - Ba đột phá phát triển - Bốn nhiệm vụ trọng tâm...

 

Tác giả: Hà Trần
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết