A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Quảng Nam: Thay đổi phương thức để phát triển đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước

Công tác phát triển tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đang đứng trước khó khăn, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cần đả thông tư tưởng, nhận thức và quyết liệt hành động.

* Hoạt động tổ chức đảng phù hợp với đặc thù doanh nghiệp

Toàn tỉnh Quảng Nam có 45 tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, với hơn 776 đảng viên. Hiện, doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn tỉnh chiếm khoảng 98% trong tổng số gần 9.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Vai trò của doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước ngày càng góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội tỉnh (đóng góp khoảng 70% GRDP của tỉnh)…

Ông Nguyễn Chín, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam cho rằng, so với con số 1.119 tổ chức cơ sở đảng của toàn tỉnh hiện nay, tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước chiếm một tỷ lệ rất khiêm tốn. Do không có tổ chức đảng, đã có không ít tình huống phức tạp về tư tưởng, trật tự an toàn xã hội trong khu vực doanh nghiệp chậm được phát hiện và xử lý kịp thời. Qua khảo sát, hiện có hơn 1.150 đảng viên đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh sinh hoạt đảng nơi cư trú. Trong đó, 51 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có 3 đảng viên trở lên nhưng chưa thành lập tổ chức đảng; 216 doanh nghiệp có từ 1 đến 2 đảng viên đang sinh hoạt đảng tại nơi cư trú. Các tổ chức đảng trong doanh nghiệp hiện nay phần lớn rất ít đảng viên, có chi bộ trong nhiều năm không phát triển được đảng viên; phần lớn chủ doanh nghiệp chưa là đảng viên...

Thị xã Điện Bàn được xác định là vùng phát triển động lực của tỉnh Quảng Nam với nhiều khu, cụm công nghiệp, thu hút hơn 1.072 doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đăng ký kinh doanh, với gần 43 nghìn lao động. Tuy nhiên, trong tổng số 1.072 doanh nghiệp, có đến 92,5% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hiệu quả kinh doanh thấp, việc thành lập tổ chức đảng là rất khó khăn.

Ông Trần Hải Vân, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Điện Bàn cho biết, toàn thị xã có 6 chi bộ cơ sở là doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước với 86 đảng viên. Từ năm 2019 đến nay, các doanh nghiệp trên địa bàn chỉ phát triển được 3 đảng viên ở chi bộ Công ty Cổ phần đầu tư phát triển đô thị Đất Quảng – Quảng Nam. Do vậy, chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước chưa cao, vai trò lãnh đạo của chi bộ đảng còn chưa thực sự rõ nét; số lượng đảng viên của tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước rất ít, nề nếp sinh hoạt không đều, ít quan tâm đến công tác xây dựng đảng, chưa chú ý đến công tác phát triển đảng viên.

Bên cạnh đó, ông Trần Hải Vân cho rằng, một số doanh nghiệp chỉ coi trọng nhiệm vụ sản xuất kinh doanh; phần lớn người lao động trong các doanh nghiệp chỉ quan tâm đến việc làm, tăng thu nhập chứ không thiết tha, phấn đấu trở thành đảng viên. Số lượng đảng viên không giữ vị trí quan trọng trong doanh nghiệp cũng khiến chi bộ không phát huy được vai trò hạt nhân chính trị trong doanh nghiệp. Những đảng viên đang làm việc tại các doanh nghiệp không có tổ chức đảng cũng sinh hoạt phân tán tại địa phương, thậm chí một vài trường hợp bỏ sinh hoạt, xin ra khỏi đảng… Cùng với đó, nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân chưa nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò của tổ chức đảng, đoàn thể; còn có tâm lý lo ngại ràng buộc về mặt chính trị, tổ chức nên chưa tạo điều kiện cho việc thành lập chi bộ đảng. Hoạt động của một số tổ chức đảng còn mang tính hình thức, chưa thể hiện rõ vai trò hạt nhân chính trị tích cực thúc đẩy quá trình hoạt động và phát triển của doanh nghiệp.

Trong khi đó, ông Trần Hải Vân cho biết, một số bí thư chi bộ tại doanh nghiệp phản ánh, hiện nay, các tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp đều được chuyển về đảng bộ cấp trên cơ sở tại địa phương quản lý, mọi hoạt động không khác gì tổ chức đảng tại các xã, phường, thôn, khối phố. Ngoài ra, một trong lý do khiến nhiều chủ doanh nghiệp không muốn có tổ chức đảng tại đơn vị mình là chế độ hội họp, thông tin báo cáo, kiểm tra, giám sát quá nhiều, chưa có sự thay đổi, cải tiến để phù hợp với tính đặc thù của tổ chức đảng trong doanh nghiệp.

Để phát triển tổ chức đảng trong doanh nghiệp, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Điện Bàn cho rằng: “Mình phải đến với họ một cách chân tình, luôn thăm hỏi, động viên, lắng nghe và chia sẻ, nhất là lúc doanh nghiệp gặp khó khăn; từ đó mới tìm hiểu được tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, thuận lợi của doanh nghiệp trong mọi hoạt động để có sự hỗ trợ, tuyên truyền, thuyết phục… Khi chủ doanh nghiệp đã nhận thức đúng vấn đề, họ sẽ có động lực để vào Đảng, tạo thuận lợi cho việc phát triển tổ chức đảng”.

Hiện nay, Thị ủy Điện Bàn đã giao cho Thị đoàn, Liên đoàn Lao động thị xã bám sát các doanh nghiệp, trước mắt là vận động thành lập các tổ chức chính trị - xã hội. Các tổ chức này sẽ làm cầu nối giữa doanh nghiệp, người lao động với Đảng, chính quyền.

* Thay đổi nhận thức từ người đứng đầu doanh nghiệp

Bà Nguyễn Thị Lệ Huyền, Giám đốc, Bí thư Chi bộ Công ty Cổ phần In, phát hành sách và thiết bị trường học Quảng Nam cho biết, tại Công ty, công tác xây dựng Đảng luôn được đặt ngang hàng với hoạt động sản xuất kinh doanh. Chi bộ Công ty hiện có 29 đảng viên là lực lượng nòng cốt trong tất cả phòng, ban, xưởng sản xuất. Theo bà Huyền, doanh nghiệp được hưởng lợi ích khi có chi bộ đảng, hoạt động của công đoàn cũng nền nếp, hiệu quả hơn; đời sống và các chế độ, chính sách đối với người lao động được chi bộ, công đoàn quan tâm nên nhiều năm qua hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty luôn ổn định, hầu hết người lao động yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Là một doanh nghiệp sản xuất 3 ca/ngày, để tạo thuận lợi cho đảng viên sinh hoạt, thường kỳ của chi bộ được ấn định vào những ngày đầu tháng; trường hợp đặc biệt do yêu cầu bức thiết của sản xuất, chi bộ sẽ họp ban đêm. Qua các cuộc họp chi bộ, đảng viên (hầu hết là người đứng đầu các tổ, bộ phận sản xuất) được thông tin đầy đủ tình hình của doanh nghiệp, có trách nhiệm và thuận lợi trong việc tuyên truyền, phổ biến lại cho người lao động tại đơn vị mình.

Ông Trần Hữu Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đào tạo vận tải Quảng Nam chia sẻ, thuận lợi trong công tác xây dựng Đảng tại đơn vị là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty đồng thời là Bí thư chi bộ, Phó Bí thư chi bộ đồng thời là Phó Giám đốc. Do vậy, thẩm quyền của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền cũng như mối quan hệ giữa tập thể chi bộ, tập thể lãnh đạo công ty luôn có sự thống nhất. Các nhiệm vụ về công tác xây dựng Đảng của chi bộ đều được triển khai toàn diện, không có khó khăn, vướng mắc nào đáng kể. Những chủ trương, quyết sách lớn của lãnh đạo công ty về sản xuất kinh doanh đều được chi bộ quán triệt, tuyên truyền trong đảng viên để họ đồng thuận, gương mẫu thực hiện. Đồng thời qua sinh hoạt chi bộ, đảng viên cũng có cơ hội tham gia hiến kế, đề xuất nhiều ý kiến có giá trị đối với sự phát triển của Công ty.

Ông Trần Hữu Hải cho rằng, để người lao động có động cơ phấn đấu vào Đảng, trước hết, người đứng đầu cấp ủy, doanh nghiệp phải có nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí của chi bộ đảng và đảng viên trong doanh nghiệp; từ đó mới làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, động viên, giúp đỡ quần chúng nỗ lực rèn luyện, phấn đấu để được vào Đảng.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam Lê Văn Dũng đánh giá, công tác phát triển tổ chức đảng, đoàn thể tại doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn còn gặp không ít khó khăn, hạn chế. Một số doanh nghiệp có người lao động là đảng viên nhưng chưa đủ điều kiện thành lập tổ chức đảng. Một số chủ doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của tổ chức đảng, đoàn thể; còn có tâm lý lo ngại ràng buộc về mặt chính trị, tổ chức, do đó chưa tạo điều kiện cho việc thành lập tổ chức đảng. Số lượng đảng viên mới hằng năm được kết nạp trong các doanh nghiệp vẫn ở mức rất thấp, chưa tương xứng với quy mô…

Để làm tốt công tác phát triển đảng viên trong doanh nghiệp ngoài nhà nước, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam cho rằng, các cấp
ủy đảng phải tập trung quan tâm đến doanh nghiệp; nơi nào chưa có công đoàn thì vận động thành lập công đoàn để có nơi cho đoàn viên sinh hoạt, sẻ chia tâm tư nguyện vọng, tạo cầu nối với chủ doanh nghiệp, từ đó tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho chủ doanh nghiệp để họ tự nguyện xin vào Đảng (nếu chưa là đảng viên), hoặc tạo điều kiện thuận lợi để thành lập tổ chức đảng ở nơi đủ điều kiện. Đối với các chi - đảng bộ trong doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, các cấp ủy đảng cần đẩy mạnh công các tuyên truyền, giới thiệu để tạo sự lan tỏa, khích lệ... Ở các doanh nghiệp đã có tổ chức đảng, các cấp ủy đảng phải thường xuyên giúp đỡ, hỗ trợ cách thức sinh hoạt đảng phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; đưa công tác đảng tại doanh nghiệp gắn với hoạt động kinh doanh mới mang lại hiệu quả tích cực./.

Trần Tĩnh


Tác giả: Trần Văn Tĩnh
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết