Quảng bá hình ảnh, xây dựng sản phẩm đón khách quốc tế
Trong bối cảnh Việt Nam mở cửa hoàn toàn mọi hoạt động du lịch, các địa phương, doanh nghiệp đang tăng tốc chuẩn bị về cơ sở vật chất, dịch vụ, xúc tiến quảng bá, đưa các chương trình kích cầu để sớm phục hồi du lịch. Hiện các cơ sở dịch vụ, doanh nghiệp du lịch, địa phương đang tập trung cho du lịch nội địa dịp hè và chuẩn bị sản phẩm du lịch quốc tế.
Nhiều hoạt động mới được quảng bá
Khởi động lại hoạt động du lịch, Sở Du lịch Hà Nội đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch, các điểm đến, sản phẩm du lịch của Thủ đô sẽ triển khai trên kênh truyền thông, truyền hình trong nước và kênh CNN quốc tế. Từ nay đến cuối năm, ngành du lịch triển khai hoạt động liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố, đặc biệt là thị trường trọng điểm khu vực phía Bắc, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, khu vực miền Trung - Tây Nguyên... nhằm quảng bá hình ảnh điểm đến, xây dựng tour du lịch hấp dẫn, có tính kết nối cao.
Đặc biệt, năm 2022, Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện, lễ hội chuyên nghiệp, tầm cỡ, đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa Thủ đô và hướng đến hội nhập quốc tế. Trong đó, thành phố tập trung vào các hoạt động, sản phẩm, chương trình tuyên truyền, quảng bá về du lịch Hà Nội trước, trong và sau thời gian diễn ra SEA Games 31. Bên cạnh việc quảng bá tới các đại biểu, vận động viên, phóng viên quốc tế về lịch sử, văn hóa, đất nước, con người, du lịch Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, thông qua SEA Games 31, Thủ đô sẽ tăng cường thu hút khách du lịch, các nhà đầu tư quốc tế đến với Việt Nam và Hà Nội, góp phần mở rộng quan hệ với các nước trong khu vực và thế giới.
Ngành Du lịch Hà Nội cũng hợp tác với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, các hãng hàng không tổ chức chương trình, sự kiện kích cầu, quảng bá du lịch trên địa bàn thành phố cũng như thị trường trong nước và nước ngoài, đón đoàn phóng viên báo chí, doanh nghiệp lữ hành nước ngoài vào Việt Nam, Hà Nội khảo sát, liên kết, quảng bá du lịch.
Đồng thời, tập trung xây dựng các nhóm sản phẩm du lịch mới, đặc trưng của Hà Nội. Trong số đó, thành phố phát triển sản phẩm dành cho người Hà Nội trải nghiệm dịch vụ khách sạn, vui chơi giải trí cao cấp với giá hấp dẫn tại các khách sạn 4-5 sao.
Với chủ đề xuyên suốt của Năm Du lịch quốc gia 2022 là "du lịch xanh”, tỉnh Quảng Nam đã, đang và sẽ tiếp tục làm hết sức mình để "trình làng" những sản phẩm du lịch xanh mới mẻ, độc đáo, có sức cuốn hút, lan tỏa và kết nối, đồng thời khai thác bền vững các tài nguyên thiên nhiên để du khách có mùa du lịch an toàn, trải nghiệm trọn vẹn.
Mặt khác, du lịch Quảng Nam còn tập trung xây dựng tour trải nghiệm các sản phẩm du lịch xanh gắn với các sản phẩm được chờ đón như: Làng Du lịch cộng đồng Cẩm Phú, Chương trình "Nét xưa phố Hội," "Đêm Mỹ Sơn huyền thoại," sản phẩm du lịch biển đảo và du lịch vào vùng sâu trong đất liền, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số với bản sắc văn hóa độc đáo dưới chân dãy Trường Sơn hùng vĩ.
Với Đà Nẵng thì việc xác định đảm bảo an ninh, an toàn, đặc biệt là an toàn phòng, chống dịch; làm mới sản phẩm và làm sản phẩm mới, từ đó mang lại nhiều chương trình du lịch có yếu tố bất ngờ cho du khách; ký kết với nhiều đơn vị truyền thông, xúc tiến truyền thông để quảng bá du lịch rộng rãi tới du khách trong nước và quốc tế rất được thành phố chú trọng.
Một sự kiện được các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ chờ đợi là Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hanoi 2022 diễn ra từ ngày 31/3 đến 3/4, tại Hà Nội do Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Tổng cục Du lịch phối hợp tổ chức. Hội chợ có chủ đề “Bình thường mới - Cơ hội mới cho Du lịch Việt Nam” với sự tham gia của các doanh nghiệp, cơ quan quản lý, xúc tiến du lịch từ 52 tỉnh, thành trong cả nước và từ 6 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dự kiến, các doanh nghiệp du lịch và hàng không sẽ tung ra tại Hội chợ hơn 10.000 tour kích cầu; 100.000 vé máy bay giá rẻ; hơn 1.000 quà tặng. Xuyên suốt những ngày diễn ra hội chợ sẽ có các hoạt động của các trung tâm xúc tiến, doanh nghiệp tại các gian hàng; các diễn đàn, phát triển loại hình du lịch Golf, du lịch MICE (du lịch kết hợp sự kiện, hội thảo), cuộc thi ứng dụng du lịch trực tuyến...
Tạo dựng sản phẩm giới thiệu khách quốc tế
Đại diện doanh nghiệp du lịch Asia Plus Tours, chuyên đón khách đoàn Âu - Mỹ, ông Lê Nguyên Long chia sẻ: Đây là giai đoạn rà soát lại sản phẩm để chuẩn bị điều kiện đón khách quốc tế. Trong 2 năm qua, nhiều cơ sở dịch vụ tạm dừng đóng cửa nên phải ngừng hoạt động nên phải đánh giá lại chất lượng dịch vụ.
“Thông tin về việc mở cửa lại với các điều kiện về y tế, và thủ tục visa nhìn chung được khách và đối tác đón nhận tích cực. Dự kiến tháng 6 sẽ có những nhóm khách đến và lượng khách sẽ ổn định vào cuối năm”, ông Long cho biết.
Còn ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist cho biết, tổng hợp từ các đơn vị lữ hành trên cả nước cho thấy giai đoạn này các đơn vị đang tập trung rà soát lại cơ sở hạ tầng, đào tào lại đội ngũ hiện có, tuyển dụng thêm nhân sự. Trong giai đoạn trước mắt sẽ tập trung khai thác du lịch nội địa hè với điểm khởi đầu là Giỗ Tổ Hùng Vương và dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Sau đó các đơn vị sẽ tập trung vào mùa du lịch quốc tế từ tháng 9 trở đi.
Theo ông Thắng, việc luân phiên như vậy sẽ vừa giảm áp lực cho hạ tầng du lịch và nhân lực vẫn đang còn yếu và thiếu. Do đó, giai đoạn này, bên cạnh rà soát lại hạ tầng cơ sở vật chất, các đơn vị cũng mong có sự hỗ trợ của Nhà nước và địa phương trong việc đào tạo lại nhân lực du lịch.
Trước mắt, Tổng cục Du lịch định hướng phối hợp với tất cả các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp trong ngành du lịch triển khai kế hoạch truyền thông với thông điệp thống nhất ở trong nước và ra thế giới trong thời gian tới. Bên cạnh đó, đề nghị tiếp tục có chính sách hỗ trợ nguồn nhân lực du lịch - yếu tố quan trọng để phục hồi ngành du lịch.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch ông Nguyễn Trùng Khánh khẳng định, việc mở cửa du lịch từ 15/3 là dấu mốc hết sức quan trọng của ngành du lịch Việt Nam, là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về mở cửa hoạt động giao lưu, giao thương với quốc tế sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Việc mở cửa trở lại không chỉ khôi phục nền kinh tế, còn khẳng định Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện; góp phần nâng cao vị thế du lịch Việt Nam trong bối cảnh du lịch các quốc gia trên thế giới cũng đang khôi phục.
Ông Khánh cho biết, từ ngày 15/3/2022 hoạt động du lịch đã được mở lại toàn bộ cả du lịch quốc tế và nội địa, thông qua đường hàng không, đường bộ, đường sắt, đường biển; áp dụng với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (inbound), khách du lịch ra nước ngoài (outbound) và khách du lịch nội địa.
Trong thời gian tới, Tổng cục Du lịch tiếp tục triển khai chiến dịch truyền thông “Live fully in Vietnam” (Sống trọn vẹn ở Việt Nam). Chiến dịch đang và sẽ được triển khai đồng bộ trên các chuyên trang quảng bá du lịch Việt Nam cho khách quốc tế bao gồm trang web vietnam.travel, các trang mạng xã hội Facebook, Tik Tok, Instagram, Youtube và Pinterest; các kênh truyền thông quốc tế cũng như thông qua các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài...
Bên cạnh nguồn nhân lực, ngành du lịch cũng đẩy mạnh chuyển đổi số. Để đáp ứng các nhu cầu mới của du khách, Tổng cục Du lịch sẽ tiếp tục nghiên cứu, nâng cao hiệu quả các ứng dụng công nghệ phục vụ khách du lịch, doanh nghiệp và địa phương.