A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Phòng ngừa tín dụng đen trong công nhân lao động

Thời gian qua, tín dụng đen đã và đang len lỏi vào đời sống công nhân trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, gây nhiều khó khăn và hệ lụy cho người lao động.

Thực trạng trên đòi hỏi các cơ quan chức năng cùng doanh nghiệp phải vào cuộc quyết liệt nhằm phòng ngừa, ngăn chặn vấn nạn này. 

Dạo quanh những khu vực tập trung đông công nhân tại TP Thủ Đức hay các quận Tân Bình, Tân Phú... có thể dễ dàng nhận thấy nhan nhản những tờ rơi quảng cáo "hỗ trợ tài chính", "cho vay tiền góp" được dán khắp các cột điện, tường nhà. Với những chiêu thức ngày càng tinh vi, được quảng cáo công khai, rộng rãi như dịch vụ hỗ trợ tài chính, cầm đồ, vay nhanh, trả gọn, tín dụng đen đang ngày càng len lỏi sâu vào đời sống của người dân và công nhân lao động. Đồng thời, công nghệ phát triển đã tạo điều kiện để tín dụng đen tiếp cận người vay nhanh hơn thông qua các app cho vay trực tuyến với lãi suất rất cao. Nhiều người lao động trong tình cảnh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cần những khoản tiền gấp để trang trải cuộc sống rất dễ dàng dính các “bẫy” tín dụng đen.

Các đại biểu phát biểu tại hội thảo "Giải pháp phòng chống tín dụng đen trong công nhân - lao động".

Theo Tổ chức Tài chính vi mô CEP (Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh), tín dụng đen tồn tại khắp nơi, nên người dân, nhất là lao động có thu nhập thấp dễ bị "dính" vào vì hạn chế hoặc không đủ điều kiện tiếp cận dịch vụ tài chính chính thức, cần tiền nhanh nhưng không có tiết kiệm dự phòng. Không chỉ dán tờ rơi, gọi điện thoại mời gọi, nhiều nhóm cho vay nặng lãi, công ty tài chính còn đến tận các khu trọ để tư vấn, mời chào công nhân vay tiền. Hậu quả của loại tín dụng đen này rất phức tạp. Để phòng, chống tín dụng đen trong công nhân lao động, bà Nguyễn Thị Hoàng Vân, Tổng giám đốc Tổ chức Tài chính vi mô CEP, đề xuất tăng cường hỗ trợ công nhân lao động tiếp cận sản phẩm tín dụng, tiết kiệm; hỗ trợ công nhân lao động thụ hưởng các hoạt động phát triển cộng đồng. Đồng thời, nâng cao kiến thức tài chính, giúp công nhân lao động phòng tránh tín dụng đen và quản lý hiệu quả tài chính cá nhân...

Phát biểu tại Hội thảo "Giải pháp phòng, chống tín dụng đen trong công nhân-lao động" vừa được Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh tổ chức, ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh, các tổ chức công đoàn cần làm tốt hơn nữa vai trò của mình để phòng, chống tín dụng đen. Trong đó, Tổ chức Tài chính vi mô CEP cần tập trung xây dựng và phát triển bền vững; tổ chức quản trị rủi ro tốt; tăng tỷ lệ vay trong công nhân; mở rộng quy mô, mạng lưới trên cơ sở bảo đảm nguồn lực về con người, cơ sở vật chất, tính pháp lý... Liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố cần hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để Tổ chức Tài chính vi mô CEP phát triển; đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền để công nhân, người lao động nghèo không chỉ biết đến mà còn thuận lợi hơn trong quá trình tiếp cận và vay vốn. Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đề nghị Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh cùng các cơ quan chuyên môn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ban thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tăng cường hỗ trợ, giám sát, thúc đẩy hoạt động của Tổ chức Tài chính vi mô CEP theo đúng định hướng; công khai tên các tổ chức tài chính được cấp phép hoạt động để công nhân, người lao động khi có nhu cầu vay vốn dễ dàng chọn lọc, tránh bị rơi vào bẫy tín dụng đen...


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết