Nhiều nơi ở nông thôn hiện đại hơn nhưng dường như lạc lõng
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng nhiều nơi ở nông thôn hiện đại hơn, nhưng dường như thô ráp, vô hồn, “đồng phục hóa”, lạc lõng với khung cảnh làng quê.
Phát biểu tại Hội thảo văn hóa 2022-Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan kể về Chương trình Làng mới-Saemaul Undong của Hàn Quốc. Chương trình này đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, góp phần tạo nên sức bật cho cả đất nước Hàn Quốc; đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hoá nhân loại.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu. |
“Vì sao một chương trình đổi mới nông thôn lại chứa đựng giá trị lan toả toàn cầu? Đấy chính là nhận thức về văn hoá như “sức mạnh mềm”, “nguồn lực mềm”, thúc giục sự thay đổi một địa phương, một đất nước”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, qua hơn 10 năm triển khai, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được đánh giá đã đạt được thành tựu “to lớn, toàn diện và có tính lịch sử”. Bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, tiện ích xã hội được nâng lên, thu nhập người dân cải thiện dần.
Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ ngậm ngùi: “Đi xa lâu ngày trở về, bỗng thấy lạ mà hình như quen, ngỡ quen mà hình như sao thấy lạ. Nhưng nhìn nơi này nơi kia, hình như còn thiếu điều gì đó đã ăn sâu vào tâm thức. Nhiều nơi hiện đại hơn, nhưng dường như thô ráp, vô hồn “đồng phục hóa”, lạc lõng với khung cảnh làng quê”.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, kiến trúc truyền thống dựa vào phong thổ và văn hóa bản địa. Mỗi địa phương có thiên nhiên khác biệt. Mỗi dân tộc anh em trầm tích những bản sắc văn hóa riêng. “Tuy nhiên, thật trăn trở trước sự “sao chép” thiếu chọn lọc. Đường hóa phố, phố trong làng, vui mừng xen lẫn tiếc nuối. Làng cao lên, làng to ra, nhưng con người lại dần xa nhau”, ông Lê Minh Hoan nói.
Quang cảnh cuộc hội thảo. |
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nông thôn là nơi cân bằng cảm xúc; là không gian văn hóa. Do vậy, nông thôn cần được xem là tài nguyên phát triển và cần được xem là một di sản. Việc xây dựng nông thôn mới phải để người làng quê trân quý những giá trị truyền thống cha ông để lại; để nông thôn trở thành tài nguyên phục vụ phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Nhấn mạnh rằng xây dựng nông thôn mới là vun đắp tinh thần con người, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu quan điểm: "Khi và chỉ khi người dân được học, hiểu và cảm thụ được, thì mới tự giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa. Khi và chỉ khi văn hóa len lỏi vào từng gia đình, thì những danh hiệu “văn hoá” mới đi vào thực chất và biến thành nguồn vốn phục vụ phát triển. Khi và chỉ khi những giá trị văn hoá được thế hệ trẻ trân trọng đón nhận và phát triển phù hợp xu thế thời đại, văn hoá mới mãi trường tồn”.
Với những phân tích như vậy, ông Lê Minh Hoan đề nghị cần có Chương trình Mục tiêu Quốc gia về “Gìn giữ và phát huy giá trị văn hoá nông thôn trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”; cần có những chương trình giảng dạy văn hoá nông thôn trong các đoàn thể, tổ chức xã hội, chú trọng nhóm đối tượng học sinh là thế hệ tiếp nối, giữ gìn cho dòng chảy văn hoá dân tộc liên tục…