Nhiều kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Ngày 3-7, tại Cần Thơ diễn ra Hội nghị Sơ kết 3 năm kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi từ năm 2021 đến năm 2023, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giai đoạn 2023-2025 và Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm định hướng triển khai giai đoạn 2026-2030 các tỉnh khu vực phía Nam.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021-2025, Tổ trưởng Tổ công tác về Chương trình mục tiêu Quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi chủ trì hội nghị. Cùng dự và chủ trì có: Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc Hội, Trần Thị Hoa Ry và Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Cần Thơ Trần Việt Trường.
Các đại biểu chủ trì hội nghị Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi từ năm 2021 đến năm 2023, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giai đoạn 2023 - 2025. |
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Hầu A Lềnh cho biết, Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi là một Chương trình mang tính tổng thể gồm 10 Dự án do 23 Bộ, ngành cùng quản lý, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện. Hội nghị là dịp để rà soát, đánh giá kịp thời tiến độ, kết quả triển khai thực hiện các Dự án, Tiểu dự án của Chương trình tại các địa phương, cùng chia sẻ, đề ra các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao năng lực công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành cũng như tổ chức, thực hiện, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình cho cả giai đoạn 2021-2025.
Đồng chí Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phát biểu tại hội nghị. |
Báo cáo từ hội nghị cho thấy, giai đoạn 2021-2023, tổng nguồn vốn đã phân bổ của Chương trình cho khu vực các tỉnh Nam bộ là hơn 2.277 tỷ đồng cũng chiếm hơn 5,4% tổng nguồn lực của cả Chương trình. Các nội dung thành phần của Chương trình đi sâu và bao phủ hầu hết các mặt của đời sống kinh tế-xã hội với kỳ vọng ưu tiên giải quyết những vấn đề cấp thiết nhất hiện nay của đồng bào dân tộc thiểu số như: Đất ở, nhà ở, nước sạch, đất sản xuất, dịch vụ xã hội cơ bản, cơ sở hạ tầng thiết yếu, giáo dục, đào tạo nghề... Dù mới được đưa vào tổ chức tại thực tiễn địa phương từ nửa cuối năm 2022 nhưng ước tính đến cuối năm 2023, một số chỉ tiêu hoàn thành, vượt mục tiêu kế hoạch được giao như: Tỉ lệ xã, thôn có đường ô tô đến trung tâm xã được trải nhựa hoặc bê tông, cứng hóa; tỉ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới, các nguồn điện khác phù hợp và sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Trên cơ sở nguồn lực của Chương trình và sự nỗ lực của các địa phương trong chỉ đạo, điều hành và triển khai Chương trình, đến nay nhiều xã, thôn thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn, từng bước hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, ổn định và phát triển. Tỷ lệ giảm nghèo dân tộc thiểu số năm 2023 ước giảm bình quân 1.89%. Đến ngày 31-5-2023, 13 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã giải ngân nguồn vốn giai đoạn 2021-2023 được hơn 701 tỉ, đạt 25,92%. Một số tỉnh có tỉ lệ giải ngân cao so với trung bình cả nước như: Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bình Phước, Tây Ninh.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận nhiều nội dung đồng thời nêu lên một số khó khăn như: Vấn đề bảo tồn văn hóa còn vướng về hướng dẫn định giá chung mức giá các hiện vật bảo tồn trong nhà văn hóa cộng đồng; tỷ lệ vốn giải ngân các chương trình về đến tỉnh còn thấp; một số văn bản cần sửa đổi bổ sung còn chậm do chưa sát thực tế; công tác đào tạo nghề chưa hiệu quả; nhiều dự án còn manh mún trong khi vốn giải ngân còn chậm nên không hiệu quả. Các đại biểu cũng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của các cấp đồng thời đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2026-2030.