A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Ngời sáng “mắt thần” canh trời Tổ quốc

Giữa tiết trời xuân se lạnh, người cựu chiến binh lặng đứng nhìn những đài radar trưng bày trong khuôn viên Bảo tàng Phòng không-Không quân (PK-KQ).

Mái tóc bạc phơ, ánh mắt nheo nheo nhìn những hiện vật như tìm lại ký ức lịch sử. Các máy, các đài ở nơi đây là vật chứng cho những tháng năm quân, dân chiến đấu với giặc thù. Phải đợi hồi lâu, tôi mới tiến lại chào Đại tá Trần Liên, nguyên Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Binh chủng Radar. Bước sang tuổi 96, Đại tá Trần Liên vẫn mạnh khỏe, mẫn tiệp. Sau một hồi tham quan, ông phấn khởi kể cho tôi về chiếc máy ảnh được đặt ngay ngắn trong tủ kính.

Chuyện là, chiếc máy ảnh đó của một đồng chí chuyên gia Liên Xô sang Việt Nam nghiên cứu về máy bay B-52. Thế nhưng, cấp trên có lệnh không được chụp hình ảnh trên màn hình hiện sóng. Khi đó, cán bộ Đại đội 45 đã báo cáo Sở chỉ huy Trung đoàn 291 và được chỉ thị không chụp ảnh, đồng thời giữ lại máy ảnh. Một thời gian sau, đồng chí Trần Liên khi đó là Trung đoàn phó, Tham mưu trưởng Trung đoàn 291 đã sử dụng chiếc máy ảnh đi xuống các đài radar chụp lại những hình sóng thu được chuyển lên trên phân tích các loại nhiễu làm cơ sở để “vạch nhiễu tìm thù”.

Bộ đội Radar tham quan các hiện vật trong triển lãm. 

Chuyện về chiếc máy ảnh của Đại tá Trần Liên là một trong rất nhiều chuyện tôi được nghe dịp tham quan triển lãm chuyên đề “Mắt thần canh trời Tổ quốc” của Quân chủng PK-KQ tổ chức. Triển lãm trưng bày hơn 300 tư liệu, hiện vật, hình ảnh với 5 phần chính giới thiệu về truyền thống 65 năm ra đời, xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và chiến thắng của Bộ đội Radar anh hùng.

Trong không khí xúc động, ôn lại chặng đường lịch sử vẻ vang của Bộ đội Radar, Thiếu tướng Bùi Tố Việt, Phó chính ủy Quân chủng PK-KQ nhấn mạnh những mốc son quan trọng đó là ngày 21-3-1958, Bộ Quốc phòng ký quyết định thành lập Trung đoàn Cần vụ Đối không mang phiên hiệu 260 thuộc Bộ tư lệnh Phòng không. Đây là trung đoàn radar đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đúng 0 giờ ngày 1-3-1959, các trắc thủ radar thuộc Trung đoàn 260 nhận lệnh mở máy. Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên chúng ta quản lý bầu trời bằng sóng điện từ. Từ đó, ngày 1-3-1959 là ngày truyền thống của Bộ đội Radar.

Là người phát hiện máy bay đầu tiên trong Chiến dịch phòng không tháng 12-1972, Trung tá, Anh hùng LLVT nhân dân Đinh Hữu Thuần, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 45, Trung đoàn 291, Binh chủng Radar chia sẻ: “Trong chiến đấu, Bộ đội Radar đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, kiên cường bám máy, bám đài, bám trận địa, chiến đấu mưu trí, dũng cảm với tinh thần “vạch nhiễu tìm thù”, phát hiện địch “xa, nhanh, đúng, đủ, chính xác, kịp thời” thông báo tín hiệu phục vụ các lực lượng chiến đấu giành thắng lợi”.

Tròn 65 mùa xuân từ ngày nhận lệnh mở máy cho đến nay, các chiến sĩ radar luôn giữ “mắt thần” canh trời Tổ quốc. Xuân này, cán bộ, chiến sĩ radar qua các thời kỳ có dịp gặp mặt kỷ niệm ngày truyền thống. Những bài học năm xưa được kể lại trở thành hành trang quý báu cho thế hệ hôm nay tiếp tục phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc.

Khi các đại biểu cùng dạo bước giữa khuôn viên Bảo tàng PK-KQ rực sắc xuân, tiếng loa ngân lên câu hát: “Ở nơi này bốn phía là trời cao/ Ăng ten đó đưa mắt nhìn lặng lẽ/ Cao hơn núi là chúng tôi lính trẻ/ Chiến sĩ radar trên điểm chốt biên thùy”. Tôi khẽ nhìn sang thấy Đại tá Trần Liên đang nhẩm lại ca từ. Lúc sau ông bảo: “Cậu thấy không, bài hát dành tặng chiến sĩ radar hay và ý nghĩa quá!”.

Bài và ảnh: VŨ DUY


Tags: Radar
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết