A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Nghị định số 138/2024/NĐ-CP: Thể hiện tinh thần trách nhiệm, công tâm, bám sát thực tiễn của người lãnh đạo

Trao đổi với Tạp chí Tài chính, ông Ngô Vĩnh Bạch Dương – Chuyên gia kinh tế, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Viện Nhà nước và Pháp luật) cho rằng, việc ban hành, quá trình ban hành Nghị định số 138/2024/NĐ-CP đã phản ánh khá nhiều những đặc điểm mà một thể chế thành công cần phải có, đó là khảo sát thực tiễn một cách khách quan, toàn diện bằng các công cụ khoa học; lắng nghe, tiếp thu ý kiến của cấp thực hiện và bên thứ ba. Đồng thời, cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm, công tâm, bám sát thực tiễn của người lãnh đạo.

 

Ông Ngô Vĩnh Bạch Dương - Chuyên gia kinh tế, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Viện Nhà nước và Pháp luật).

Ông Ngô Vĩnh Bạch Dương - Chuyên gia kinh tế, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Viện Nhà nước và Pháp luật).

Không phải loay hoay “đồng nào mua mắm, đồng nào mua tương”

Phóng viên: Những vướng mắc, chồng chéo trong chi ngân sách cho đầu tư công và chi thường xuyên kéo dài đã được tháo gỡ tại Nghị định số Nghị định số 138/2024/NĐ-CP. Theo đánh giá của ông, việc thực thi Nghị định này sẽ có tác động như thế nào đến công tác quản lý và điều hành ngân sách tại các cơ quan nhà nước, địa phương?

Ông Ngô Vĩnh Bạch Dương: Trong một thời gian dài, quy định phạm vi quá rộng của các dự án đầu tư công đã dẫn đến những bất cập trong sử dụng ngân sách nhà nước của các cơ quan nhà nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt là những tình huống phải mua sắm, thay thế, sửa chữa, nâng cấp ngay tài sản công để cơ quan, tổ chức đó có thể hoạt động một cách bình thường.

Chúng ta từng được chứng kiến, được nghe nhiều ví dụ rất trớ trêu về những bất cập này, kiểu như trụ sở cơ quan nhà nước bị sự cố nhỏ như tróc vữa, bong trần, thiết bị gắn liền công trình như điều hòa bị cắt trộm ống đồng mà loay hoay không dám sửa chữa, thay thế vì các hạng mục sửa chữa, mua sắm này không nằm trong kế hoạch hàng năm hay trung hạn sử dụng vốn đầu tư công.

Nghị định số 138/2024/NĐ-CP ra đời, theo tôi, chắc chắn làm cho việc quản lý, sử dụng ngân sách thuận lợi hơn và hiệu quả hơn. Cấp thực hiện không còn loay hoay quá lâu để xác định “đồng nào mua mắm, đồng nào mua tương” trong hàng loạt các quy định chặt chẽ của việc sử dụng tiền của Nhà nước. Là người làm lý thuyết không phải làm thực tiễn, nhưng theo thông tin tôi được tiếp cận trên truyền thông thì đây là một nghị định được các cấp, đặc biệt là ở cơ sở đánh giá rất cao, nó giúp họ quyết đoán hơn trong sử dụng ngân sách chi thường xuyên để phục vụ hoạt động công vụ một cách hiệu quả, minh bạch và an toàn.

Tôi nhấn mạnh chữ an toàn bởi lẽ việc “tiêu tiền của Nhà nước” ràng buộc rất nhiều trách nhiệm, ngoài trách nhiệm theo pháp luật, trách nhiệm giải trình với cấp trên, người dân và toàn xã hội cũng rất quan trọng. Theo đó, công việc thuộc thẩm quyền xảy đến "mà anh không làm, cũng là một loại vi phạm", lý thuyết luật học gọi đó là vi phạm ở dạng không hành động (breach by omission hoặc failure to act). Nguy cơ bị quy là thiếu trách nhiệm là rất rõ ràng nhưng đó mới là trách nhiệm pháp lý, còn uy tín của anh đối với người dân bị giảm sút là chắc chắn mà ở các cấp thực hiện, tiếp xúc với nhân dân hàng ngày, rõ ràng trách nhiệm giải trình tạo áp lực rất lớn. 

Tuy nhiên, triển khai làm lại vướng về tài chính, không biết là làm thế có trái Luật Đầu tư công hay không, dù rõ ràng Luật Ngân sách nhà nước không cấm dùng tiền từ ngân sách chi thường xuyên để thực hiện nhiệm vụ đó. Đây có lẽ là một lý do quan trọng nhất mà Nghị định số 138/2024/NĐ-CP được đón nhận rất tích cực.

Thể hiện chính xác tinh thần của luật và phù hợp với thực tiễn quản lý

Phóng viên: Trong một bài viết mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm từng nhấn mạnh “dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm”. Theo ông, tư duy này được thể hiện như thế nào qua Nghị định số 138/2024/NĐ-CP?

Ông Ngô Vĩnh Bạch Dương: Tôi thì nhìn nhận việc ban hành Nghị định số 138/2024/NĐ-CP là một hành động quyết đoán theo thẩm quyền trong hoạt động điều hành của Chính phủ hơn là một hoạt động xây dựng pháp luật, mặc dù Nghị định ấy rõ ràng là một văn bản quy phạm pháp luật.

Ách tắc trong việc sử dụng ngân sách của các cơ quan nhà nước đã tồn tại nhiều năm, những người chịu trách nhiệm xây dựng nghị định này đã nhìn thấy tính “có vấn đề” của các văn bản luật. Nhưng sửa luật thuộc thẩm quyền của Quốc hội, mà Chính phủ không thể chờ thêm cho quy trình vì nếu đợi có thể làm nghẽn nhiều hoạt động ở nhiều cơ quan nhà nước . Do đó, phải hành động bằng việc ra Nghị định số 138/2024/NĐ-CP để khơi thông ách tắc.

Đáng lưu ý là, khi bàn về tính chủ động, quyết đoán của hoạt động điều hành, người ta hay bàn đến các hành động không có hoặc chưa có trong luật với các “nghị định không đầu”. Thế nhưng Nghị định này không hề trái với Luật Ngân sách nhà nước mà còn là sự thể hiện chính xác tinh thần của Luật và phù hợp với thực tiễn quản lý. Điều này phản ánh tinh thần trách nhiệm của Chính phủ trước pháp luật và trách nhiệm giải trình của cơ quan này trước Nhân dân.

Về phương diện lập pháp, Nghị định số 138/2024/NĐ-CP chắc chắn là một tư liệu rất tốt để Quốc hội có thể xem xét, sửa đổi các đạo luật liên quan đến chi ngân sách, quản lý đầu tư công trong thời gian tới.

Phản ánh những đặc điểm mà một thể chế thành công cần có

Phóng viên: Nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá, Nghị định số 138/2024/NĐ-CP được ban hành tức là “điểm nghẽn” thể chế đầu tiên được tháo gỡ. Vậy, theo ông, bài học nào rút ra cho quyết tâm tháo gỡ các nút thắt thể chế khác?

Ông Ngô Vĩnh Bạch Dương: Tôi xin phép không bình luận về thứ tự đầu tiên hay thứ bao nhiêu của việc ban hành quy định mới, bởi hoạt động điều hành của Chính phủ luôn cần đến sự quyết đoán, sáng tạo và tương xứng với hoàn cảnh. Ở bất kỳ giai đoạn nào của lịch sử, chúng ta đều chứng kiến những hành động như vậy của Nhà nước ta nói chung và Chính phủ nói riêng, dù tần suất mà chúng ta có thể chứng kiến điều đó có thể là không giống nhau.

Tôi muốn nhấn mạnh về tính tương xứng của điều hành trong ví dụ về ban hành Nghị định số 138/2024/NĐ-CP. Đây là một biểu hiện quan trọng của nguyên tắc tương xứng (proportionality principle) trong chế độ pháp quyền. Tác động chính xác, phù hợp bối cảnh, mức độ đủ lớn để giải quyết nhiệm vụ điều hành nhưng không quá lớn để tạo ra cơ hội lạm quyền, luôn tuân thủ luật (hay còn gọi là có cơ sở pháp lý vững chắc) - đó là những nội hàm cơ bản của nguyên tắc tương xứng.

Từ góc độ thể chế, người chơi - tức Chính phủ phải có năng lực thể chế tốt mới có thể hoàn thành bổn phận của mình mà trong đó sự hiểu biết nhiệm vụ, hiểu biết vấn đề và năng lực lựa chọn phương án hành động đúng đắn là những phẩm chất quan trọng nhất. Những phẩm chất năng lực này, chỉ có được từ sự sâu sát thực tiễn, biết lắng nghe cùng tinh thần trách nhiệm, công tâm của những người lãnh đạo.

Khi nói về những thể chế không phù hợp mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề cập “thể chế không phù hợp có thể gây ra những khúc quanh đối với phát triển của Đất nước”, chúng ta nói đến những hệ thống, nhóm quy định không thể thực hiện được vì nó quá cao hoặc quá thấp so với năng lực của người chơi hay người thực hiện, hoặc chính các quy định hoặc nhóm quy định đó mâu thuẫn với nhau làm người thực hiện không thể lựa chọn phương án hành động, hoặc nó quá lỏng lẻo để người ta hành động tùy tiện mà không bị coi là vi phạm.

Tôi không muốn đề cập sâu về nội dung Nghị định số 138/2024/NĐ-CP là gì, thành công hay không thì chắc chắn chúng ta cần thời gian để đánh giá. Thế nhưng, điều đáng quan tâm nhất ở đây là việc ban hành, quá trình ban hành Nghị định đã phản ánh khá nhiều những đặc điểm mà một thể chế thành công cần phải có, đó là khảo sát thực tiễn một cách khách quan, toàn diện bằng các công cụ khoa học; lắng nghe, tiếp thu ý kiến của cấp thực hiện và bên thứ ba (các nhà khoa học, truyền thông, các tổ chức xã hội) và trách nhiệm giải trình của người lãnh đạo.

Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn ông!


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết